Binh sĩ Mỹ tại Syria. Ảnh: AP. |
“Các cuộc tấn công hôm nay là cần thiết để bảo vệ nhân lực của Mỹ. Nước Mỹ đã có hành động cân xứng, có chủ tâm nhằm hạn chế nguy cơ leo thang và giảm đến mức tối thiểu khả năng có thương vong”, Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ, đơn vị phụ trách khu vực Trung Đông, tuyên bố sau cuộc không kích hôm 23/8.
Đây là vụ việc mới nhất trong chuỗi các vụ tấn công của Mỹ nhằm vào lực lượng dân quân thân Iran tại Syria và Iraq. Dù ít có khả năng bùng phát thành xung đột lớn, các cuộc đụng độ này có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai quốc gia có sức ảnh hưởng lớn hàng đầu tại Trung Đông.
Mục tiêu của Mỹ là gì?
Trả lời CNN, đại tá Joe Buccino, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung tâm, cho biết Mỹ nhắm đến một nhóm boongke dùng để chứa vũ khí và thiết bị hậu cần của các nhóm vũ trang thân Iran tại Syria. Ông cho biết Mỹ phát hiện 13 boongke trong cơ sở đó sau hơn 400 giờ theo dõi.
Mục đích ban đầu của cuộc không kích là phá hủy 11 boongke, do Mỹ không thể chắc chắn liệu trong hai boongke còn lại có người hay không. Tuy nhiên, Mỹ loại bỏ thêm hai mục tiêu ngay trước khi bắt đầu tấn công do có một nhóm người gần đó. Do đó, số lượng boongke bị tấn công cuối cùng chỉ là 9.
Đánh giá sơ bộ từ phía Mỹ cho thấy không ai thiệt mạng trong vụ việc.
“Cuộc tấn công tại miền Đông Syria là lời đáp trả cho các cuộc tấn công của các nhóm thân Iran nhằm vào lực lượng Mỹ tại Syria hôm 15/8, cũng như thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ lực lượng và khí tài của Mỹ”, tướng Erik Kurilla, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trung tâm, tuyên bố.
Hôm 15/8, quân đội Mỹ cho biết một căn cứ của Mỹ và lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn tại miền Đông Syria đã bị tấn công bằng máy bay không người lái, nhưng không gây thương vong.
Dù vậy, ông Buccino cho biết các boongke bị tấn công lần này không liên quan trực tiếp tới vụ tấn công hôm 15/8.
Các cuộc đụng độ tương tự từng xảy ra?
Việc Mỹ không kích lực lượng thân Iran tại Syria và Iraq không phải điều mới mẻ. Tháng 2/2021, Tổng thống Joe Biden lần đầu ra lệnh không kích các nhóm thân Iran tại Syria kể từ khi nhậm chức. Vụ việc khiến ít nhất một người thiệt mạng và bị chính phủ Syria chỉ trích là “dấu hiệu xấu” từ chính quyền mới.
Vụ việc được cho nhằm đáp trả việc một công dân Mỹ thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong một vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Erbil, Iraq cũng trong tháng này.
Theo cựu phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã được thông báo trước khi hai máy bay F-15E của Mỹ phóng 7 tên lửa, phá hủy và gây hư hại 11 cơ sở của đối phương. Dù vậy, một số nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn chỉ trích ông Biden vì ra lệnh tấn công mà không có sự phê duyệt từ Quốc hội.
Tới tháng 6/2021, Mỹ tiếp tục tuyên bố đã không kích các cơ sở vận hành và kho vũ khí của lực lượng dân quân thân Iran tại Syria và Iraq để trả đũa các cuộc tấn công của lực lượng dân quân vào binh sĩ và căn cứ của Mỹ tại Iraq.
Hầu hết vụ đụng độ không xảy ra trực tiếp giữa Iran và Mỹ. Dù vậy, cũng có những ngoại lệ, tiêu biểu là việc Mỹ ám sát tướng Qasem Solemani - chỉ huy lực lượng Quds của IRGC - tại Iraq tháng 1/2020.
Để trả đũa, Iran đã phóng tên lửa vào hai căn cứ có lính Mỹ hiện diện tại Iraq. Theo phía Mỹ, các cuộc tấn công không gây ra thương vong về người, nhưng khiến 110 binh sĩ Mỹ bị chấn động não.
Mỹ có vai trò gì tại Syria?
Quân đội Mỹ lần đầu tiên tiến hành các cuộc không kích tại Syria tháng 9/2014, dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - khi đó đang trên đà mở rộng nhanh chóng tại Iraq và Syria.
Tại Syria, đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tổ chức do người Kurd lãnh đạo và hoạt động mạnh mẽ ở khu vực đông bắc đất nước.
Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) - được Mỹ hỗ trợ đào tạo, gửi vũ khí, cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ từ trên không - đóng vai trò quyết định trong việc đánh bật IS ở Đông Bắc Syria, đẩy tổ chức khủng bố này khỏi ngôi làng cuối cùng bị chiếm giữ tháng 3/2019.
Theo số liệu chính thức, Mỹ đang có khoảng 900 binh sĩ tại Syria nhằm giúp đỡ các đối tác chống khủng bố trong khu vực “đảm bảo sự thất bại lâu dài của IS”, chủ yếu ở căn cứ At-Tanf trong khu vực phe đối lập kiểm soát giữa sa mạc tại tỉnh Homs, cũng như các mỏ dầu miền Đông đất nước, theo CNN.
Iran có vai trò gì tại Syria?
Trái ngược với Mỹ, Iran là đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Giới chức Mỹ năm 2019 ước tính Iran có thể có tới 2.000 binh sĩ tại Syria. Thông tin trên bị Tehran phủ nhận. Theo phía Iran, họ chỉ có các cố vấn quân sự tại Iraq và Syria dựa trên lời đề nghị của chính phủ hai quốc gia này.
Bên cạnh can dự trực tiếp vào Syria, Iran cũng can dự gián tiếp qua mạng lưới các tổ chức và nhóm vũ trang thân Iran - bao gồm các nhóm của người Hồi giáo thiểu số Shia - hoạt động ở nhiều khu vực tại quốc gia Trung Đông này.
Các nhóm tiêu biểu có thể kể đến như Lực lượng Quốc phòng (NDF), Lực lượng Phòng vệ Địa phương (LDF). Bên cạnh đó, Iran cũng tuyển dụng những người Hồi giáo Shia từ Iraq, Afghanistan, Pakistan, cũng như phối hợp với lực lượng Hezbollah tại Lebanon để gây ảnh hưởng tới tình hình Syria.