Bản chất cuộc tranh luận về việc nên hay không nên công khai danh tính người trúng số là mâu thuẫn giữa lợi ích công và quyền lợi cá nhân, giữa việc minh bạch hóa trò chơi và quyền riêng tư, an toàn của người trúng thưởng. Tại Mỹ, các nhà lập pháp đang nghiêng về phía bảo vệ lợi ích của công chúng.
Những người trúng giải thưởng triệu USD ngay lập tức trở thành đề tài bàn tán của công chúng. Ảnh: Reuters. |
Phải có người 'thật' trúng thưởng
Phần lớn các bang ở Mỹ bắt buộc công khai thông tin về người trúng giải. Lý do đầu tiên là đảm bảo cho công chúng thấy giải thưởng có thật và người trúng thưởng là một người hoàn toàn bình thường như mọi người chơi khác. Công chúng không có lý do để tiếp tục mua vé số nếu họ không biết chắc có người đã trúng.
"Nếu không công bố tên người trúng, sao tôi biết đó không phải người của hãng xổ số? Sao tôi dám chắc đó không phải là một quan chức 'vô tình' đứng đầu ủy ban giám sát việc quay số?", nghị sĩ Craig Horn của bang North Carolina chất vấn.
"Quyền được biết của công chúng phải cao hơn quyền cá nhân của người trúng giải", ông tuyên bố.
Lo lắng của Horn là hợp lý. Năm 2015, một kỹ sư máy tính làm việc cho Hiệp hội Xổ số, nơi vận hành trò chơi cho 37 bang và lãnh thổ của Mỹ, được cho là can thiệp để máy tính đưa ra dãy số theo ý anh ta. Eddie Tipton và đồng bọn đã điều khiển kết quả để trúng thưởng tổng số tiền 2,6 triệu USD ở 4 bang. Tipton bị kết tội lừa đảo khi định giành giải thưởng 16,5 triệu USD ở bang Iowa.
Nguyên tắc công khai tên người trúng giải là rào cản cuối cùng để Tipton không thể lừa đảo, CEO Công ty xổ số Iowa, ông Terry Rich nói.
Việc công khai người trúng thưởng sẽ giúp công chúng giảm sát sự trung thực của trò chơi. Ảnh: AFP. |
Việc chứng kiến một người trúng giải "bằng xương bằng thịt" cũng có lợi cho doanh số của các hãng.
Nhìn thấy một người thật sự trúng số sẽ kích thích người chơi thử vận may hơn rất nhiều so với việc chỉ đọc bản tin rằng "có người đã trúng", Andi Brancato, Giám đốc bộ phận Quan hệ công chúng của hãng xổ số bang Michigan, cho biết.
'Thả người vào biển cá mập'
Tuy nhiên, cũng có không ít chuyện về rủi ro mà người trúng số gặp phải sau khi tên tuổi họ bị công khai.
Năm 2006, Abraham Shakespeare đứng trước ống kính máy ảnh, tay cầm tấm biển nhận thưởng 30 triệu USD tiền trúng số tại bang Florida, Mỹ. Hai năm sau, Dorice 'Dee Dee' Moore tiếp cận và làm quen Shakespeare.
Tháng 4/2009, Shakespeare mất tích. 9 tháng sau, người ta phát hiện thi thể của anh bị chôn ở sau nhà người yêu cũ của Moore. Tên này sau đó nhận án chung thân vì tội giết người.
Năm 2013, thượng nghị sĩ bang New York, ông George Maziarz, đề xuất luật cho phép giấu tên người trúng xổ số. Theo Washington Post, luận điểm ông đưa ra là "người trúng số, sau khi bị công bố thông tin nhận dạng, có thể trở thành nạn nhân của các hoạt động tội phạm, bao gồm cướp bóc, bắt cóc, quấy rối và kiện tụng giả...".
Shakespeare và gia đình lúc nhận giải thưởng triệu USD. Ảnh: Daily Mail.
|
Năm 2013, một người đàn ông bị đầu độc bằng khí cyanide và tử vong chỉ một ngày sau khi nhận 425.000 USD tiền trúng xổ số. Cảnh sát vẫn chưa tìm ra hung thủ, theo Christian Science Monitor.
Patrick Nowlin, sống ở bang Wisconsin và trúng 41 triệu USD vào năm 2007, mô tả "lời nguyền của tờ vé trúng thưởng là tên tuổi anh sẽ thuộc về công chúng mãi mãi". 7 năm sau khi trúng thưởng, thỉnh thoảng Nowlin vẫn nhận được những cú điện thoại khả nghi.
"Ép buộc người trúng giải công bố tên tuổi, chẳng khác nào đẩy họ vào lòng biển đầy cá mập", Andrew Stoltmann, một luật sư ở Illinois thường được người trúng xổ số ủy quyền, nhận định.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 6 bang của Mỹ cho phép người trúng số giấu danh tính, gồm Delaware, Kansas, Maryland, North Dakota, Ohio và South Carolina.
Cân bằng quyền lợi công - tư
Cuộc tranh cãi nên hay không nên tiết lộ danh tính người trúng số vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, các nhà lập pháp một số bang của Mỹ đang cố gắng cân bằng quyền lợi công - tư bằng cách ban hành các điều luật bổ sung.
Ở bang Arozina, từ năm 2015, người trúng số được phép giữ kín thân phận trong 90 ngày kể từ ngày nhận giải, Washington Post cho biết.
Các bang Colorado, Connecticut, Massachusetts và Vermont cho phép trao giải cho người được ủy thác và giấu tên người thụ hưởng số tiền trúng thưởng.
Bang Illinois và Oregon cho phép một số ngoại lệ. Chủ nhân tờ vé số sẽ được giấu tên nếu họ chứng minh được các nguy cơ xảy đến khi bị lộ tên tuổi.
Năm 2015, một nghị sĩ ở Georgia đã đề xuất luật cho phép người trúng số giấu tên, với điều kiện họ phải đóng góp 25% giá trị giải thưởng vào các quỹ học bổng. Trong khi đó, các nghị sĩ bang New York đang cân nhắc luật cấm các công ty xổ số ép người trúng giải tham gia các hoạt động công khai như trả thưởng.
Tuy vậy, luật pháp không phải là rào cản duy nhất khiến người trúng số khó "mai danh ẩn tích". Trong thời đại thông tin được truyền tải rất nhanh chóng, những người bình thường khó lòng giấu được chuyện họ đã trở thành triệu phú chỉ qua một đêm.
"Rất khó để ẩn danh trừ khi bạn sống trong một khu vực cực kỳ đông đúc", W. Randy Smith, người trúng tờ vé số 79 triệu USD ở bang West Virginia, cho biết.