Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen chính thức tuyên bố châu Âu sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu dầu từ Nga, “dù là vận chuyển bằng tàu biển hay đường ống dẫn, dù là dầu thô hay dầu đã được tinh chế”. Đây là một phần của gói trừng phạt thứ 6 mà EU áp đặt lên Nga do vấn đề Ukraine.
Dù vậy, ngay sau khi gói trừng phạt được công bố, một số quốc gia đã lên tiếng yêu cầu được miễn trừ, thậm chí đe dọa sẽ phủ quyết gói trừng phạt. Điều này cho thấy sự phụ thuộc nặng nề của một số thành viên EU vào nguồn cung dầu từ Nga.
Các nước nào đang bày tỏ mong muốn được miễn trừ?
Hungary là quốc gia thành viên EU bày tỏ lập trường mạnh mẽ nhất khi tuyên bố sẽ bác bỏ thỏa thuận trừ khi biện pháp miễn trừ được đưa ra đối với các nước nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường ống, theo Financial Times.
Theo quy định của EU, gói cấm vận chỉ được thông qua nếu nhận được sự chấp thuận của cả 27 nước thành viên. Do đó, nếu Hungary bác bỏ, kế hoạch cấm nhập khẩu dầu của Nga sẽ không thể được ban hành.
“Chúng tôi không thể ủng hộ gói trừng phạt của Brussels dưới hình thức hiện nay. Chúng tôi không thể bỏ phiếu một cách có trách nhiệm cho nó”, Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó nói trong một thông điệp được đăng tải trên Facebook.
“Hungary chỉ có thể đồng thuận với các lệnh trừng phạt nếu việc nhập khẩu dầu thô qua đường ống được miễn trừ. Qua đó, an ninh năng lượng của Hungary sẽ được đảm bảo”, ông Szijjártó tuyên bố. Theo ông, các lệnh cấm vận sẽ khiến Budapest “không thể mua lượng dầu thô cần thiết để nền kinh tế Hungary vận hành”.
Dù không gay gắt như Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia và Bulgaria cũng bày tỏ mong muốn được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt của EU.
“Về mặt kỹ thuật, (Bulgaria - PV) vẫn có thể hoạt động mà không có dầu thô của Nga”, Phó thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev tuyên bố hôm 4/5. “Nhưng điều đó sẽ đẩy giá nhiên liệu tăng đáng kể. Do đó, nếu Ủy ban châu Âu xem xét các trường hợp miễn trừ, chúng tôi muốn tận dụng điều đó”.
“Chúng tôi đồng ý với biện pháp trừng phạt này, nhưng cần một thời kỳ chuyển giao để có thể thích ứng với tình hình”, Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik tuyên bố. Ông cho biết khoảng thời gian mà Bratislava mong muốn là 3 năm.
Về phần mình, Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala cũng khẳng định nước này ủng hộ trừng phạt Nga, nhưng sẽ cần “hai hoặc ba năm” để tăng khả năng vận chuyển dầu từ các đường ống khác.
Các nước trên phụ thuộc thế nào vào nguồn dầu từ Nga?
Theo DW, Hungary nhập khẩu 65% lượng dầu và 80% lượng khí đốt từ Nga. Do đó, an ninh năng lượng của nước này phụ thuộc vào nguồn cung từ Moscow. Bản thân Thủ tướng Hungary Viktor Orban mới đây tái đắc cử một phần nhờ vào lời hứa bảo vệ an ninh về khí đốt cho mọi gia đình Hungary.
Trong khi đó, dầu từ Nga chiếm 96% tổng lượng dầu nhập khẩu của Slovakia và khoảng một nửa lượng dầu của Cộng hòa Czech, theo Reuters.
Bên cạnh đó, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia còn là quốc gia không có biển và không thể xây dựng các cảng tiếp nhận dầu khí lớn. Do đó, họ phụ thuộc vào hệ thống đường ống dẫn, thứ không thể xây lại trong một sớm một chiều.
Trái lại, dù cũng nhập dầu từ Nga, Ba Lan có thể chuyển sang tiếp nhận dầu khí từ các quốc gia khác - như Saudi Arabia hay Na Uy - qua cảng Gransk ở biển Baltic.
Nguồn cung dầu quan trọng nhất đối với các quốc gia trên là hệ thống đường ống Druzhba (có nghĩa là “tình bạn” trong tiếng Nga). Được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh, Druzhba là một trong những hệ thống đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới, đi từ Nga qua Ukraine, Belarus, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech, Áo và Đức.
Các nhà máy lọc dầu tại Cộng hòa Czech, Slovakia hay Hungary chủ yếu phụ thuộc vào nguồn dầu từ Druzhba. Nếu nguồn cung này bị cắt đứt, họ sẽ phải tìm kiếm các phương pháp nhập dầu kém hiệu quả hơn bằng đường bộ, đường sắt, đường sông, cũng như chờ đợi các hệ thống đường ống khác được mở rộng.
Các quốc gia này cũng sẽ phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu dầu truyền thống ở châu Á để đảm bảo nguồn cung ngoài Nga. Bên cạnh đó, các cơ sở lọc dầu thường được thiết kế để vận hành với một loại dầu thô nhất định. Nếu sử dụng loại dầu khác, chi phí cũng sẽ gia tăng, trong khi sản lượng có thể sụt giảm.
Liên minh châu Âu có chấp nhận miễn trừ hay không?
Bà Von der Leyen không tiết lộ chi tiết về việc liệu các biện pháp miễn giảm có được áp dụng với một số nước thành viên nhất định hay không. Dù vậy, các nguồn tin của Reuters cho biết Hungary và Slovakia có thể tiếp tục mua dầu thô của Nga đến cuối năm 2023, dựa trên các hợp đồng hiện có.
Nguồn tin trên cho biết đây là nỗ lực của Brussels nhằm ngăn hai quốc gia trên phủ quyết gói trừng phạt. Dù vậy, người này không cho biết lệnh miễn trừ có được áp dụng với các sản phẩm từ dầu thô hay không.
Một nguồn tin khác nhận định với Reuters đây sẽ là thỏa hiệp cần thiết để có thể đạt được sự nhất trí bên trong EU.
“(Biện pháp cấm vận - PV) sẽ không dễ dàng, vì một số nước thành viên phụ thuộc nặng nề vào nguồn dầu của Nga, nhưng đơn giản là chúng tôi buộc phải làm vậy”, bà Von der Leyen tuyên bố.