Nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về triển khai các giải pháp bình ổn thị trường vàng và xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức các phiên đấu thầu vàng miếng SJC.
Sau phiên đầu thầu đầu tiên, mới có 2 thành viên trúng thầu là Ngân hàng ACB và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC với khối lượng 3.400 lượng (34 lô), tương ứng 20% khối lượng đấu thầu từ nhà điều hành.
Dự kiến phiên đầu thầu vàng miếng tiếp theo sẽ diễn ra vào sáng 25/4, với khối lượng bán ra bằng với phiên đấu thầu đầu tiên là 16.800 lượng, tương đương 638 kg vàng.
Chia sẻ với Tri thức - Znews, PGS TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá việc NHNN thực hiện các phiên đấu thầu vàng với mong muốn là cung cấp một lượng vàng miếng SJC ra thị trường, tăng cung sẽ giúp hạ nhiệt giá mặt hàng này cho gần với giá vàng nhẫn. Và cũng trên cơ sở tăng cung sẽ giúp giá vàng nhẫn 9999 gần với giá vàng quốc tế hơn.
"Việc NHNN đưa ra giá khởi điểm là cần thiết với hoạt động đấu giá vì đòi hỏi kết quả giá trúng thầu phải bám sát với giá thị trường", ông Thịnh đánh giá.
Không có chuyện "ế" vàng
Với phiên đấu thầu đầu tiên của NHNN, ông Thịnh cho rằng không nên dùng từ "ế" đối với số lượng vàng chưa bán được.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh. Ảnh: Anh Huy. |
Vị chuyên gia kinh tế chỉ ra vấn đề quan trọng NHNN muốn là cung cấp một lượng vàng ra thị trường để tăng cung nhưng phải theo sát giá thị trường, bởi thế mới cần tới hình thức đấu giá.
Và việc NHNN mang 16.800 lượng vàng SJC ra đấu thầu không bắt buộc phải bán bằng hết. Quy tắc đơn giản là thị trường cần tới đâu sẽ cung cấp tới đó hoặc tùy theo sức mua, giá cả chênh lệch hoặc mong muốn điều hành mà NHNN có thể tổ chức thêm các phiên đấu giá tiếp theo.
“Việc đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới là một mục tiêu, nhưng ngoài mục tiêu đó vẫn còn nhiều mục tiêu khác nữa mà nhà điều hành muốn nhắm đến. Vì thế cơ quan quản lý cũng đang có những tính toán phù hợp của họ”, ông Thịnh đánh giá.
Tuy nhiên, nhận định khách quan thì ông Thịnh cho rằng mức giá cọc mà NHNN đưa ra đang còn cao so với giá trung bình của thế giới và cũng là mức cao trong điều kiện giá vàng miếng đang có xu hướng giảm.
Quy tắc khi đấu thầu là giá phải bằng hoặc cao hơn giá tham chiếu, chứ không được phép thấp hơn. Thế nên trong phiên đầu tiên, khi giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc được thông báo ở 81,8 triệu đồng/lượng đã không có thành viên tham gia đấu thầu.
Khi NHNN hạ giá khởi điểm xuống còn 80,7 triệu đồng/lượng thì ngay lập tức đã có thành viên tham gia và ghi nhận 2 thành viên trúng thầu với một thành viên ra giá ở 81,33 triệu đồng/lượng và một thành viên ở 81,32 triệu đồng/lượng. "Đây cũng là mức giá đảm bảo sát với diễn biến của thị trường", ông Thịnh nhận xét.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Cùng đánh giá về nguyên nhân các thành viên đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng nhưng còn chưa mặn mà trong phiên đầu tiên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng việc NHNN đấu thầu vàng ở thời điểm này và lại yêu cầu số lượng mua tối thiểu là 1.400 lượng cũng khiến các đơn vị tham gia đấu giá cân nhắc.
“Số lượng 1.400 lượng vàng miếng SJC ở thời điểm này tương đương hơn 110 tỷ đồng. Trong khi giá vàng thế giới hai ngày hôm nay ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm, cho thấy ngay bối cảnh mua vào lúc này không thực sự thuận lợi.
Trong khi đó, thành viên dự thầu phải chi ra một số tiền khổng lồ nếu trúng thầu nhưng không biết có tiêu thụ kịp không, vì sức mua của thị trường trong nước lúc này cũng rất yếu”, ông Khánh chia sẻ.
Đôi bên cùng có lợi
Tuy nhiên, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng cần phải nhìn nhận việc đấu giá vàng theo hướng tích cực, vì sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh sẽ có số lượng vàng để đáp ứng nhu cầu kinh doanh và sản xuất hàng trang sức… và chắc chắn có lãi. “Nguyên tắc cơ bản là doanh nghiệp phải có lãi, và chắc chắn có lãi thì họ mới chấp nhận tham gia đấu thầu”, ông Thịnh nói.
Còn về phía Nhà nước, cơ quan này cũng đang cần hạ “cơn sốt vàng" và biện pháp này nằm trong số đó.
Tuy nhiên, cái khó là điều chỉnh làm sao cho giá bán không quá rẻ, nhưng cũng không được quá đắt. Vì nếu giá rẻ thì doanh nghiệp được lợi nhưng Nhà nước sẽ thiệt hại.
Việc đấu thầu vàng miếng chỉ là giải pháp tình thế còn về lâu dài vẫn phải cho nhập vàng nguyên liệu để tăng nguồn cung vàng nhẫn, trang sức mới có thể hạ nhiệt giá vàng
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA)
Việc NHNN xuất vàng trong kho mang ra đấu giá được ông Thịnh đánh giá là động thái quan trọng. Việc này sẽ không làm tăng áp lực thu gom/mua ngoại tệ để đi mua vàng, tránh làm căng thẳng tỷ giá, cũng như gây sức ép lên việc điều hành tỷ giá hối đoái của Nhà nước.
“Giải pháp này tôi cho là tốt cho toàn thị trường”, ông Thịnh nhấn mạnh. Trong các phiên đấu thầu tiếp theo, ông cho rằng NHNN sẽ có dự báo để từ đó đưa ra được điều chỉnh giá khởi điểm phù hợp hơn với thị trường.
Với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 1,2 triệu đồng/lượng so với giá các doanh nghiệp bán ra ngoài thị trường cho khách hàng, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng một phiên đấu thầu là chưa đủ để hạ nhiệt thị trường ngay. NHNN sẽ cần có thêm nhiều phiên đấu giá tiếp nữa.
“Tuy nhiên, việc đấu thầu vàng miếng vẫn chỉ là giải pháp tình thế còn về lâu dài vẫn phải cho nhập vàng nguyên liệu để tăng nguồn cung vàng nhẫn, trang sức”, ông Khánh cho hay.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.