Cái điều khó nghĩ của ông Miura chính là việc, trong tay nhà cầm quân này đang có quá nhiều quân bài xuất sắc. Đó là Công Vinh, Văn Quyết, Hồng Quân, Đình Tùng, Hải Anh và cả Công Phượng. Thời gian tập trung thì ngắn mà lựa chọn thì nhiều.
Cuối cùng, ông thầy người Nhật Bản chọn cách nói không với Công Phượng nhưng lại điền anh vào kế hoạch đầy tham vọng của ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam.
Ông Miura điền Công Phượng vào kế hoạch đầy tham vọng của ĐT Việt Nam và ĐT U23 Việt Nam. |
Lý do khác khiến ông Miura không dùng Công Phượng cho trận đấu với Đài Loan chính là phong độ và tâm lý không thật sự tốt của cầu thủ này. HA.GL gặp khó. Công Phượng đang có dấu hiệu chững lại vì áp lực tâm lý. Và nhà cầm quân người Nhật không muốn dồn thêm áp lực cho cầu thủ này.
Ông tâm sự: “Phượng là một tài năng nên điều quan trọng là phải biết định hướng, đầu tư để anh ấy thành một ngôi sao lớn. Muốn vậy, không được nóng vội và hãy dành cho cậu ấy những khoảng lặng giữa bộn bề xô bồ”.
Từ dụng ý của Miura với Công Phượng thời gian qua, người ta bỗng nhớ đến những thao tác kỹ thuật được sử dụng với tiền đạo này hồi SEA Games 28. Có lúc, Công Phượng phải ngồi trên ghế dự bị, nhưng khi được tung vào sân, cầu thủ này đã chơi bóng với tất cả khát khao của mình.
Vậy mới nói, con đường để một tiền đạo thành ngôi sao sáng thật chẳng dễ. Họ cần phải được song hành, sẻ chia và đôi lúc, các HLV cũng phải có những thao tác để “vặn lại cót cho chiếc đồng hồ”.
Bóng đá luôn có áp lực về thành tích và không phải ai cũng có được sự kiên nhẫn với các ngôi sao. Sự thành bại đôi khi chỉ đến trong tích tắc. Nhưng, nếu biết trao cơ hội, niềm tin và tạo dựng một lộ trình khoa học, tin rằng, bóng đá Việt Nam rồi sẽ không thiếu tiền đạo giỏi.