Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do giá tick xanh Facebook trên điện thoại đắt hơn

Khoản chia sẻ với các kho ứng dụng khiến chi phí thanh toán cho tick xanh trên di động cao hơn nền web.

Người dùng phải trả nhiều hơn 3 USD/tháng nếu mua tick xanh Facebook trên di động. Ảnh: Xuân Sang.

Ngày 19/2, Meta chính thức đưa ra thông báo về gói dịch vụ xác minh danh tính trên nền tảng. Với 12-15 USD mỗi tháng, người dùng chính chủ có thể nhận được dấu tick xanh nổi bật như chính trị gia, nhân vật nổi tiếng. Tuy nhiên, mức chi phí để chi trả cho người dùng phiên bản web và di động lại khác nhau.

“Meta Verified sẽ khả dụng để mua trực tiếp trên Instagram và Facebook ở Australia, New Zealand từ cuối tuần này. Người dùng có thể đăng ký theo tháng với giá 12 USD trên web và 15 USD ở Android, iOS”, trang chủ Facebook nêu rõ.

Như vậy, việc thanh toán trên nền web tiết kiệm hơn bản di động 3 USD mỗi tháng, tương đương 36 USD/năm. Chênh lệch giữa hai nền tảng là khoảng 25% chi phí.

mua tick xanh facebook anh 1

Khi bán tick xanh trên di động, Facebook phải chia cho Google, Apple 30% doanh thu. Ảnh: Xuân Sang.

Khác biệt về giá tick xanh nhiều khả năng đến từ phần thuế phí Facebook phải chia sẻ với các chợ ứng dụng trên di động. Cụ thể, Apple, Google nhận được 30% lợi nhuận từ các giao dịch mua ứng dụng trên kho app của hai công ty này, Google Play Store và App Store. Đồng thời, mức "ăn chia" trên cũng được áp dụng cho các giao dịch in-app (bên trong ứng dụng), qua cổng thanh toán của nền tảng.

Hiện tại, Apple, Google đều ngăn chặn các ứng dụng, game thêm cổng thanh toán khác trong app. Do đó, Facebook thêm phần phí này vào giá gói dịch vụ và bắt người dùng trả. Ngoài ra, họ còn công bố rõ khác biệt về giá như một cách hướng khách hàng đến việc thanh toán trên nền web, tiết kiệm chi phí hơn và không cần chia tiền với Apple, Google.

Apple không thích cho các ứng dụng thanh toán trực tiếp bởi điều đó sẽ khiến doanh thu công ty sụt giảm. Theo chính sách của Táo khuyết, hãng sẽ giữ lại 30% doanh thu từ các ứng dụng phát hành trên App Store trong năm đầu tiên, sau đó là 15%.

Đây không phải lần đầu vấn đề thuế nền tảng được nhắc đến. Năm 2020, Epic Games đã khởi kiện Apple, Google vì những công ty này gỡ trò chơi nổi tiếng Fornite khỏi hai kho ứng dụng lớn. Nguyên nhân được giải thích là bởi tựa game này thêm tính năng thanh toán trực tiếp qua hệ thống của Epic Games thay thay vì Apple Store hay Google Play.

Sau đó, tòa phán Epic Games thua kiện và trò chơi Fortnite vẫn chưa thể xuất hiện trở lại trên iOS từ năm 2020. Đồng thời, mức 30% của các nền tảng lớn như Steam, Google, Apple đang áp dụng được đánh giá là quá cao.

Epic Games tạo ra kho trò chơi của riêng họ và khuyến khích lập trình viên tham gia với mức phí ưu đãi 12%.

Trước các cáo buộc độc quyền, Tim Cook khẳng định trước quốc hội Mỹ trong phiên điều trần vào tháng 7/2020 rằng Apple không thống trị bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên khi được hỏi về khả năng thay đổi tỉ lệ ăn chia doanh thu, Cook lại cho rằng đó là vấn đề của nền tảng.

“Đối với lập trình viên, họ có thể làm ứng dụng cho Android, Windows, Xbox hoặc PlayStation. Chúng tôi đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ 2 phía lập trình viên lẫn người dùng”, Tim Cook nói.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Bài liên quan

Xuân Sang

Bạn có thể quan tâm