Tạo hình nhân vật trong The Ballad of Songbirds & Snake - tiền truyện của The Hunger Games. |
Theo The Guardian, văn học dành cho giới trẻ (young adult hay YA) như Đấu trường sinh tử (Suzanne Collins, tựa gốc: The hunger games), Nhân chứng cuối cùng (Holly Jackson, tựa gốc: A good girl's guide to murder) và bộ tiểu thuyết đồ họa Heartstopper (Alice Oseman, tạm dịch: Con tim ngưng nhịp) có thể vốn hướng đến đối tượng thanh thiếu niên (thường được tính trong độ tuổi từ 12 đến 18) nhưng nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng hơn một phần tư độc giả YA ở Anh trên 28 tuổi.
Nghiên cứu do nhà xuất bản HarperCollins ủy quyền, phối hợp với Nielsen Book, đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu về ngành sách ở Vương quốc Anh. Kết quả cho thấy lượng độc giả trưởng thành đọc YA ngày càng tăng kể từ năm 2019.
YA thu hút độc giả người lớn
Theo báo cáo, 74% độc giả dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên là người lớn (trên 18 tuổi) và 28% ở độ tuổi trên 28. Nghiên cứu cho thấy nguyên do là những thay đổi hành vi được mô tả là "chập chững trưởng thành": những người trẻ tuổi trưởng thành chậm hơn và trì hoãn cuộc sống "người lớn". Cảm giác bất ổn và "lưng chừng" có thể phát sinh từ đây khiến thanh niên tìm kiếm niềm an ủi ở YA - với một số người các tựa sách này vẫn là nguồn an ủi khi họ lớn tuổi hơn.
YA "đơn giản là thêm một thể loại khác để thưởng thức" đối với nhà sản xuất và tác giả trò chơi điện tử 34 tuổi Amy Jones. "Tôi biết có người cho rằng YA 'mềm mại' hoặc không đáng đọc như tiểu thuyết dành cho người lớn, nhưng tôi không đồng ý... như bất kỳ thể loại nào, có sách YA dở tệ hoặc cốt truyện chán, nhưng cũng có cả kiệt tác".
Cô cho rằng Fangirl (Rainbow Rowell), I am not your perfect Mexico daughter (Erika L. Sánchez, tạm dịch: Tôi không phải người con gái Mexico hoàn hảo), The hate u give (Angie Thomas, tạm dịch: Căm thù do bạn), A wrinkle in time (Madeleine L'engle, tựa Việt: Nếp gấp thời gian) đều đề cập đến những vấn đề quan trọng sâu sắc như danh tính, sự trưởng thành, phân biệt chủng tộc, gia đình, nỗi đau và viết rất hay.
Katherine Webber Tsang, tác giả bộ truyện giả tưởng YA bán chạy Twin Crowns (tạm dịch: Vương miện đôi), cùng đồng tác giả (cũng là chị dâu của cô) Catherine Doyle, cho biết cô người hâm mộ tuổi trưởng thành lẫn thanh thiếu niên. Cô nói rằng loạt phim Twin Crowns dành cho mọi người từ 13 tuổi trở lên. "Tại buổi ký tặng gần đây, một người mẹ và cô con gái tuổi teen kể rằng cả hai đều thích Twin Crowns, rằng bộ truyện đã đưa họ đến gần nhau hơn, thật hay khi được nghe như vậy!"
Dù biết đọc sách là tốt, phần đa giới trẻ không đọc thường xuyên
Theo báo cáo của HarperCollins, đọc sách để giải trí và sức khỏe có mối liên hệ phản ánh qua việc YA ngày càng phổ biến, "khi độc giả ở mọi lứa tuổi ngày càng tìm đến YA như một nguồn an ủi, hoài niệm và chăm sóc bản thân".
Blogger du lịch văn học Julia Mitchell cho biết đọc sách "thường xuyên tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục bước tiếp khi cuộc sống khó khăn. YA đặc biệt giúp ích trong chuyện này". Blogger 29 tuổi nói thêm: "Tôi thấy dễ dàng hòa mình vào những câu chuyện này và trong đó có nhiều điều để học hỏi, dù các nhân vật đều trẻ hơn tôi".
Jones cho rằng có hai lý do khiến YA được xếp vào loại "tự chăm sóc bản thân". Đầu tiên là YA "thường dễ đọc hơn nhiều tác phẩm văn học cho người lớn do hướng đến độc giả nhỏ tuổi hơn một chút, vì vậy khi mệt mỏi hoặc căng thẳng thì đọc YA sẽ đỡ khó nhằn hơn". Thứ hai là "YA thường thiên về cốt truyện nên coi đó là hình thức thoát ly thực tế thì cũng rất hoàn hảo".
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng 29% thanh niên từ 14 đến 25 tuổi "thực sự nhìn nhận mình là độc giả", trong đó nhiều thanh niên chọn xây dựng tên tuổi liên quan đến sách qua các nền tảng trực tuyến như TikTok và Instagram. 40% trong số những người chọn đáp án "rất đúng" cho nhận định "Tôi nghĩ mình là một độc giả" tự mô tả mình "rất hạnh phúc". Ngược lại, chỉ 21% trong số những người không nghĩ mình là độc giả mô tả mình như vậy.
Alison David, giám đốc hiểu biết về người tiêu dùng tại HarperCollins, cho biết nghiên cứu "cho thấy sức khỏe không chỉ đến từ hành động đọc (thư giãn, thoát ly, bản thân nội dung). Tâm lý khi nghĩ mình là một độc giả gây ảnh hưởng lớn". Webber Tsang nhận thấy giới trẻ cho rằng tự nhận mình là độc giả thì thật "ngầu".
Dù hầu hết thanh niên tham gia khảo sát cho biết họ biết và cảm nhận được lợi ích của việc đọc sách nhưng chỉ 16% người trong độ tuổi 14-25 đọc sách hàng ngày hoặc gần như hàng ngày để giải trí. Nam giới trong độ tuổi 14-17 nhiều khả năng không thích đọc sách, với 38% cho biết các bạn hiếm khi hoặc không bao giờ đọc để giải trí. Hơn một nửa số nam (55%) và nữ (63%) cho biết có quá nhiều bài tập ở trường nên không thể đọc sách giải trí.
Cally Poplak, giám đốc điều hành nhánh Sách Thiếu nhi của HarperCollins và Farshore, lưu ý rằng dù thật đáng khích lệ khi giới trẻ có thái độ tích cực đối với sách, nhưng "đại đa số người trẻ không đọc sách hàng ngày". Bà trăn trở làm thế nào để giải quyết nghịch lý rằng giới trẻ ngày nay, được coi là "thế hệ âu lo", biết rằng đọc sách là tốt nhưng vẫn không đọc.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.