UBND TP Nha Trang nhìn nhận hiện trên địa bàn nhiều công trình tại các tuyến hẻm không đảm bảo về giao thông tiếp cận công trình, phòng cháy chữa cháy (PCCC), cấp điện trung thế, thoát nước thải..., những nơi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra sự cố.
Nha Trang có rất nhiều vấn đề
Các chuyên gia cho rằng hậu quả của một Nha Trang chật chội, tiềm ẩn nguy hiểm khi có sự cố là vì các cấp quản lý không tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt năm 2012. Trong thời gian dài, hàng loạt công trình cao tầng được cấp phép nhưng thiếu giám sát khiến vi phạm trật tự xây dựng diễn ra tràn lan.
Hẻm Tôn Đản dài chưa đến 200 m, nhưng có gần 10 khách sạn cao tầng khiến nơi đây trở nên chật chội, nguy hiểm khi xảy ra sự cố. Ảnh: An Bình. |
Hiện tỉnh Khánh Hòa gấp rút cho các cơ quan ban ngành thực hiện một đề tài khoa học về quy chế xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch mà Thủ tướng phê duyệt năm 2012 và giải quyết hiện trạng chật chội ở Nha Trang.
Trao đổi với Zing.vn, KTS Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết Khánh Hòa đáng ra phải có quy chế ngay khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung, chứ không phải đến bây giờ mới "gấp rút" làm. Nhưng ông nhìn nhận thà muộn còn hơn không.
Nói về thực trạng chật chội, những con hẻm "chết người" ở Nha Trang, ông Lộc thẳng thắn cho rằng quy hoạch Nha Trang đang có rất nhiều vấn đề; tuy nhiên, theo ông đáng quan tâm nhất vẫn là “vấn nạn” nhà cao tầng và vi phạm luật Xây dựng. Nếu kiểm tra thực tế, ở Nha Trang có rất nhiều công trình cao tầng vi phạm khoảng cách, khoảng lùi xây dựng, PCCC, hạ tầng để cho chuyển tải phương tiện giao thông....
“Tôi quan sát ở nhiều khu vực, hẻm chỉ rộng có 3-4 m, nhưng phía trong có gần 10 khách sạn cao tầng. Nhiều công trình gần nhau đến mức chỉ cần một tấm ván có thể qua lại dễ dàng. Những nơi này không cần chuyên gia để phát hiện sai phạm. Cụ thể là vi phạm về khoảng lùi xây dựng”, ông Lộc nhìn nhận.
Vị Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng các sai phạm hiện nay do hoàn cảnh đô thị cũ để lại. Ông lý giải quy hoạch chung có từ năm 2012, nhưng quá trình thực hiện chính quyền đã không nghiêm túc.
"Chính quyền quá mải mê lao theo cơ chế thị trường, giá trị bất động sản, đô thị hóa để phát triển kinh tế. Hậu quả thì ai cũng thấy. Nha Trang giờ kiến trúc rất lộn xộn, chật chội không lối thoát. Hiện chính quyền cố gắng tìm cách giải quyết cái sai, nhưng không biết có đủ điều kiện để cải tạo, đập bỏ nó không”, ông Lộc nói.
KTS Nguyễn Văn Lộc cũng nhìn nhận nếu năm 2012, Khánh Hòa ra ngay quy chế xây dựng để cụ thể quy hoạch chung, Nha Trang sẽ rất khác. "Mặc dù muộn nhưng buộc phải làm, vì có quy chế xây dựng mới khống chế được việc cấp phép xây dựng từng khu vực, cũng như xử lý sai phạm", ông Lộc nói.
Xin tạm dừng cấp phép nhà cao tầng
Trước thực trạng sức ép quá lớn xuất phát từ những công trình cao tầng lên giao thông, PCCC... , cuối năm 2018, UBND TP Nha Trang có văn bản đề nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng trên địa bàn.
Hẻm 96A Trần Phú (phường Lộc Thọ, đoạn gần đường Trần Phú) chỉ còn chưa đến 3 m vì một khách sạn xây không tuân thủ khoảng lùi xây dựng, gây mất an toàn cho gần 10 khách sạn phía trong khi xảy ra sự cố. Ảnh: An Bình. |
Theo lãnh đạo UBND TP Nha Trang, việc hình thành các khu trung tâm đô thị du lịch là cần thiết; tuy nhiên, hiện đa phần các khách sạn cao tầng được xây dựng tại khu vực đô thị hiện hữu, tập trung đông dân cư và hạ tầng kỹ thuật đã ổn định. Do đó, việc hình thành các công trình cao tầng gây ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, giao thông trong khu vực.
Cũng theo vị lãnh đạo này, điều đáng lo ngại là nhiều công trình tại các tuyến hẻm không đảm bảo về giao thông tiếp cận công trình, phòng cháy chữa cháy (PCCC), cấp điện trung thế, thoát nước thải..., tiềm ẩn nhiều rủi ro khi xảy ra sự cố. “Sức ép hiện tại ở những khu vực trung tâm thành phố rất lớn, nếu có thêm nhà cao tầng sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hạ tầng giao thông, môi trường và nhất là về cháy nổ”, vị lãnh đạo này nói.
Trước đó, tháng 2/2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Nha Trang rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định về khoảng lùi xây dựng đối với các công trình tại các tuyến hẻm để trình ban hành quy định quản lý quy hoạch kiến trúc, nhưng đến nay vẫn chưa ban hành quy định trên.
Trong văn bản gửi tỉnh, UBND TP Nha Trang còn đề nghị phải bổ sung các quy định về khoảng cách cách ly của các công trình, diện tích tối thiểu xây dựng công trình cao tầng, kích thước lô đất phải đảm bảo cho các phương tiện giao thông tiếp cận công trình... để giảm sức ép lên hạ tầng đô thị, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, PCCC và mỹ quan đô thị.
TP Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Google Maps. |