Công ty đầu tư của Bezos vừa thông báo vào thứ Hai vừa qua rằng họ sẽ mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD. Tờ báo của thủ đô Hoa Kỳ có một bề dày lịch sử đáng tự hào, và đã từng là một công ty ăn nên làm ra trong nhiều thập kỷ. Nhưng kỷ nguyên Internet đã đánh dấu sự đi xuống của ngành báo giấy. Đó là lý do tại sao rất nhiều người tỏ ra băn khoăn về khoản đầu tư này của Bezos và kế hoạch của ông trong tương lai.
"Tôi nhớ rằng chúng tôi đã từng bàn về việc Amazon có thể tham gia vào lĩnh vực báo giấy" – Jim Brady, chủ biên bộ phận kỹ thuật số của tờ Washington Post từ năm 2004 đến 2009, chia sẻ - "Chúng tôi từng thắc mắc ‘Sẽ ra sao nếu bạn có thể đưa thông tin lên Amazon'? Và có lẽ giờ chúng ta sẽ có đáp án".
Liệu Bezos có thực hiện nhiều thay đổi trong cách quản lý của tờ Washington Post? |
Nhà phân tích Allen Weiner nhận định: thương hiệu của tờ báo sẽ mãi mãi gắn liền với các bài phóng sự chính trị xuất sắc. Theo ông, mạng Internet đã có thể góp phần mở rộng thương hiệu và lượng độc giả của tờ báo có thể vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ, nhưng cho tới giờ họ vẫn chưa tận dụng được cơ hội.
"Tôi luôn quan niệm đó là một tờ báo của quốc gia, sánh ngang với tờ USA Today và tờ New York Times. Thử nghĩ xem: sự quan tâm tới chính trị giờ không chỉ gói gọn trong các cuộc bầu cử. Nó có ở mọi lúc, mọi nơi. Chính trị đã trở thành một đề tài được mọi người chú ý. Tờ Daily Kos, tờ Huffington Post làm tốt việc đưa ra thông tin liên tục về chính trị, nhưng tờ Washington Post lại không thể đưa ra các bài báo về chính trị chất lượng cao".
Weiner tin tưởng rằng Bezos sẽ hướng tới nhiều đối tượng độc giả hơn. Ông cũng cho rằng Bezos nên thay đổi cơ sở hạ tầng của tờ báo. Rất nhiều nguồn tin từ tòa báo đã nói rằng tờ báo cần một hệ thống quản lý mới. Việc đăng tin vẫn còn quá chậm chạp và là một quy trình tốn thời gian.
CEO Amazon, Washington Post
Thành công của Amazon gắn liền với sự phát triển của Internet. |
Bezos sẽ không hoàn toàn cô độc trong việc cải tiến về công nghệ ở Washington Post. Emilio Garcia Ruiz, thư ký tòa soạn phụ trách mảng kỹ thuật số, đã chủ động trong việc đưa về tòa soạn các nhà phát triển web và các kỹ sư máy tính để giúp tăng cường sự kết hợp giữa báo giấy và báo điện tử. Trong thế giới blog, việc này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng chúng ta đang nói về tờ báo 136 năm tuổi. Sự thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trong một quãng thời gian dài, ở các tòa soạn trên khắp nước Mỹ, các phóng viên luôn coi thường việc viết bài cho các trang web. Tờ Washington Post cũng không phải là ngoại lệ. Mọi người tới đây là để dành giải Pulitzers, chứ không phải viết blog. Brady nói rằng vào năm 2009, mọi chuyện đã thay đổi và hầu hết các phóng viên đã ý thức được tầm quan trọng của báo điện tử. Có lẽ tờ báo đang muốn tiếp tục xu thế đó.
Bezos đã từng nói rằng ông thích những mẩu tin qua thư điện tử và những bản báo cáo ngắn gọn. Một vài nhân viên của tòa soạn thắc mắc liệu Bezos có kế hoạch yêu cầu phóng viên giảm độ dài và tăng số lượng các bài viết hay không. Đó đang là xu hướng của ngành báo chí, kể cả ở tờ Nhật báo Phố Wall.
"Xu hướng bây giờ là viết ngắn hơn và nhiều bài hơn"– Brady nhận định – "Nhưng không hề thiếu những bài viết dài trên báo điện tử. Mặc dù vậy, chắc chắn sẽ xảy ra sự xung đột lớn giữa báo chí truyền thống và công nghệ".
Một xu hướng khác của ngành báo là việc cắt giảm nhân sự. Trong buổi họp công bố doanh thu cho nhân viên vào thứ Hai vừa rồi, giám đốc tòa soạn đã nói với mọi người rằng việc cắt giảm nhân sự trong tương lai là điều cần thiết. Câu hỏi được mọi người đặt ra lúc này là liệu Bezos có đến và tiến hành việc giảm bớt số lượng nhân viên hay không.
Bezos hiểu được rằng Washington Post là một trong những tờ báo với chất lượng cao nhất. Brady không nghĩ rằng Bezos muốn làm giảm bớt uy tín và thương hiệu của tờ báo bằng cách giảm các bài phóng sự hay số lượng ấn bản. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng chắc chắn sẽ có một vài thay đổi khi kỷ nguyên của Bezos ở tờ Washington Post bắt đầu.