Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do Bát Giới bị cách điệu thành nhân vật nửa người nửa thú

Để tượng trưng cho những bản năng tầm thường nơi con người, Bát Giới được cách điệu hóa.

Bài Đường Tăng! Anh Là Ai? cho thấy cuộc thỉnh kinh của Đường Tăng gồm năm nhân vật mang tính biểu tượng. Trong năm nhân vật đó, Bát Giới có vẻ như đã được hư cấu hơi bất công với những tính cách bị cường điệu.

Để tượng trưng cho những bản năng rất vật dục và tầm thường nơi con người, Bát Giới được cách điệu hóa thành một nhân vật nửa người nửa thú. Cái phần may mắn thuộc về người thì lại quá dung tục: bụng phệ, quần áo xốc xếch trễ tràng, hay nói dối, khéo biết nịnh, lười biếng, ham ngủ, thích đùn việc cho kẻ khác mà lỡ khi không thoái thác được, phải đành cáng đáng đảm đương thì chàng bèn vênh váo, ra mặt ta đây.

Bát Giới rất ham ăn, ăn nhiều chừng nào cũng được, ăn theo kiểu thực bất tri kỳ vị (không biết mùi mẽ món ăn ra sao). […]

Bát Giới còn có tánh… ẩu, ăn nói bạt mạng. Ở hồi thứ mười chín, khi đã nhận Đường Tăng làm thầy, trước phút lên đường thỉnh kinh, trước cái giờ bắt đầu thực hiện sứ mạng thiêng liêng cao cả, Bát Giới vẫn ráng gỡ gạc: “Thưa sư phụ, con đã nhận giới hạnh của bồ tát (…) ở nhà bố vợ ăn chay giữ giới, không bao giờ ăn mặn, nay gặp sư phụ con xin phá giới một bữa”.

Hay như hồi thứ hai mươi ba, khi mấy thầy trò tá túc qua đêm tại nhà bà góa họ Giả có ba cô con gái nheo nhẻo chưa chồng, muốn kén mấy thầy trò làm rể, ứng cử viên Bát Giới mau mắn tìm cách loại bỏ ngay “đối thủ số một” là chính sư phụ mình. Trước mặt bà mẹ góa, Bát Giới nói: “Thưa mẹ, mẹ hãy thuyết phục các em đừng có quá kén chọn như thế. Như thầy Đường Tăng của con, tuấn tú đẹp trai thật, mà không dùng được việc gì đâu”.

Bà mẹ nghe vậy, cẩn thận khuyên Bát Giới nếu muốn cưới vợ thì phải thương lượng với sư phụ, chàng ta gạt phắt: “Không cần phải thương lượng. Ông ấy có phải bố đẻ con đâu. Muốn hay không là do con tất”. […]

Tóm lại, đối với chuyện hưởng lạc thú trần tục, Bát Giới vốn giàu sáng kiến, nhanh trí không ai bằng.

Giai ma truyen Tay du anh 1

Tạo hình Trư Bát Giới trong phim Tây du ký 1986.

Là nhân vật nửa người nửa thú, vì cái đầu heo mà Bát Giới mang họ Trư. Trư là heo; chữ Nho viết trư với bộ thỉ, và thỉ cũng là heo. Ba lần heo cả thảy. Cái đầu vốn được coi là nơi chỉ huy mọi tư duy của con người. Tất cả những vận động tư duy của họ Trư thông qua cái đầu heo như vậy đố làm sao khỏi mang “dấu ấn” của heo!

Thế thì trăm cám đổ đầu heo. Lý lịch trích ngang của Bát Giới cho thấy chàng mới vào đời (trần gian) đã có tiền án, tiền sự rồi. Thuở còn làm Thiên Bồng Nguyên Soái cai quản sông Trời (Thiên Hà), một lần dự tiệc chiêu đãi tại cung Diêu Trì, quan anh lỡ vui quá chén, say xỉn, nhè đi lạc vô cung Quảng Hàn, giở trò bốc hốt cô Hằng Nga. Đội tuần tra nhà Trời (tức là Củ Soát Linh Quan) bèn bắt giữ và truy tố quan ra tòa về tội quấy rối tình dục. Thượng Đế đề nghị mức án cao nhất là tử hình (chém đầu).

Rủi ro cho quan là Thiên Đình không có án treo. Thành thử, dù Thái Bạch Kim Tinh hết sức vận động mà cũng chỉ có thể xin giảm án xuống mức thấp nhất là đánh hai ngàn gậy và đày biệt xứ (bắt hạ trần). Bát Giới do nghiệp lực dẫn dắt, không dè tái sanh (đầu thai) nhằm đúng ổ heo.

Gắn cho Bát Giới chiếc đầu heo, phải chăng Ngô Thừa Ân đã cố tình buộc anh chàng vào những rắc rối tính dục? Nếu Sigmund Freud (1856-1939) có dịp phân tích, biết đâu sẽ thêm được vài phát kiến bổ sung cho lý thuyết về tính dục của ông. Trong truyện Tây Du ít ra có hai đoạn tiêu biểu.

Một, ở hồi thứ hai mươi ba, đoạn kể bà góa họ Giả kén rể. Để giúp Bát Giới chọn một trong ba cô con gái làm vợ, bà gợi ý: “Ba đứa con gái ta khéo tay lắm, đứa nào cũng có móc một chiếc áo lót bằng sợi gấm trân châu, con mặc vừa áo của đứa nào, thì mẹ gả đứa ấy cho”.

Bát Giới khoái chí, liền nhanh nhảu: “Mẹ mang ngay cả ba chiếc áo ra đây để con mặc thử, con mặc vừa tất là con sẽ lấy tất đấy”.

Người đàn bà quay vào trong nhà, rồi chỉ mang ra một chiếc đưa cho Bát Giới. Anh chàng cởi phăng chiếc áo gấm xanh đang mặc ra, giật lấy chiếc áo lót con gái, mặc ngay vào người.

Hai, ở hồi thứ bảy mươi hai, đoạn kể Bát Giới trêu ghẹo bảy con yêu nữ nõn nà ở suối Trạc Cấu. Khi tận mắt chứng kiến bảy cô ả đang ngâm mình “tắm tiên” dưới suối, trông thật tươi mát, thì Bát Giới mừng rơn, cười nói: “Các nữ bồ tát đang tắm đấy à? Cho hòa thượng tôi tắm cùng được không?”.

Nói là làm. Cựu Thiên Bồng Nguyên Soái nhà ta ỷ mình thạo nghề sông nước, liền “cởi tuột chiếc áo dài bằng gấm thêu, rồi nhảy tòm xuống nước (…) biến thành một con cá trê, (…) cứ nhanh như cắt luồn quanh kẽ đùi mấy nữ quái”.

Nói theo ngôn ngữ tính dục của Sigmund Freud, việc khoái mặc áo lót đàn bà con gái cho thấy Bát Giới có triệu chứng bị bệnh fetishism; còn việc hòa thượng ta cắc cớ biến làm cá trê cứ nhè kẽ đùi con gái người ta mà quậy tưng chứng tỏ anh chàng bị cái gọi là libido (ham muốn sắc dục) chi phối.

Có lẽ hiểu rõ ẩn ức tận đáy lòng Trư Ngộ Năng không ai khác hơn là chính Bát Giới. Cho nên, ở hồi thứ hai mươi ba, tuy làm đệ tử cửa Phật mà anh chàng cũng chẳng nề hà gì khi thú thật với Tề Thiên rằng: “Người ta thường nói: Hòa thượng là con ma háo sắc”.

Kết thúc cuộc thỉnh kinh, Đường Tăng và Tề Thiên đều thành Phật. Sa Tăng thành kim thân la hán cũng oai chán. Đến đỗi con ngựa kia cũng lột xác hóa rồng thiêng, mỹ hiệu là Bát Bộ Thiên Long. Lận đận duy một mình anh Bát Giới.

Kết thúc cuộc thỉnh kinh, ở hồi thứ một trăm, khi Phật Tổ xem xét công trạng tu hành của từng cá nhân trong năm thầy trò, họ Trư bị phê: “Tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết”. Rồi xét vì năng khiếu “ăn khỏe, tính lười, dạ dày to lắm” của Trư, Như Lai phong cho chàng làm Tịnh Đàn Sứ Giả với chức năng đặc nhiệm là có đủ thẩm quyền để ăn uống được đồ cúng tế của khắp cả thiên hạ.

Nếu coi cuộc thỉnh kinh của năm thầy trò Đường Tăng là sự vận động tiến hóa của mỗi con người để hoàn hảo hóa bản thân, để đạt tới cứu cánh toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ, thì sự thất bại của Bát Giới phải chăng là bi kịch của kiếp người? Phải chăng cái bản năng vật dục, cái chất trư bát giới tiềm tàng trong mỗi con người hóa ra lại rất khó đối trị?

Nếu có thể hiểu được như vậy, thì phải chăng trong cuộc tranh đấu gian khó, quyết liệt mà vinh quang nhất của mỗi người để trở thành một con Người chính danh với chữ N viết hoa trân trọng, chung quy lại sự thành bại vẫn là tùy thuộc ở kết quả hoán cải được bản năng trư bát giới trong chính mình?

Phải chăng cái chất trư trong con người có xu hướng kéo tụt con người xuống tận cùng mọi nấc thang giá trị đạo đức, nhưng chính sự chế ngự thành công cái chất trư đó lại sẽ đưa con người tiến lên được nấc thang cao tột của giá trị con Người?

Huệ Khải / Tri thức Trẻ Books - NXB Tôn giáo

SÁCH HAY