Bạn vừa thưởng thức một chiếc bánh mỳ kẹp thịt ngon lành cho bữa trưa và quay lại bàn làm việc của mình. Năm phút sau, bạn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi và chỉ muốn nằm nghỉ.
Tại sao chúng ta lại buồn ngủ sau khi ăn trưa? Vì no hay thực phẩm bạn đã ăn vào bữa trưa?
Nguyên nhân
Theo Medical News Today, cảm giác mệt mỏi hoặc khó tập trung sau bữa ăn tương đối phổ biến. Một người sẽ cảm thấy đặc biệt mệt mỏi tùy thuộc vào thức ăn, thời điểm và số lượng thực phẩm.
Loại thực phẩm bạn ăn
Thực phẩm giàu protein và carbohydrate có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn các loại đồ ăn khác. Một số nhà nghiên cứu tin rằng mọi người cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn vì cơ thể sản xuất nhiều serotonin hơn. Serotonin là chất hóa học có vai trò điều chỉnh tâm trạng và chu kỳ giấc ngủ.
Một loại axit amin được gọi là tryptophan, có trong nhiều thực phẩm giàu protein, giúp cơ thể sản xuất serotonin. Carbohydrate giúp cơ thể hấp thụ tryptophan.
Tryptophan có nhiều trong các thực phẩm giàu protein như cá hồi, gia cầm, trứng, rau bina, sữa, sản phẩm làm từ đậu nành, phô mai. Trong khi đó, thực phẩm giàu carbohydrate bao gồm: Mì ống, cơm, bánh mỳ trắng, các loại bánh ngọt, bắp ngô, sữa, đường và kẹo.
Buồn ngủ sau khi ăn trưa là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Ảnh: Lifealth. |
Lượng thức ăn bạn tiêu thụ
Một người có thể dễ bị buồn ngủ sau bữa ăn lớn. Những người ăn bữa trưa nhiều cảm thấy chán nản, mệt mỏi hơn vào buổi chiều so với người ăn ít. Ăn nhiều khiến lượng đường trong máu tăng lên và năng lượng có thể giảm đi.
Các yếu tố khác có thể gây mệt mỏi sau khi ăn là ngủ kém vào ban đêm, dẫn đến mệt mỏi suốt cả ngày; uống rượu trong bữa ăn.
Đồng hồ sinh học
Nguyên nhân dẫn đến giấc ngủ là sự tích tụ dần dần của adenosine, chất hóa học trong não. Lượng adenosine đạt đến đỉnh điểm ngay trước khi đi ngủ, và nó cũng cao hơn vào buổi chiều so với buổi sáng. Người thức càng lâu, càng nhiều adenosine tích tụ, dẫn đến tăng ham muốn ngủ.
Quá trình thứ hai góp phần gián tiếp vào cơn buồn ngủ là nhịp sinh học. Nhịp sinh học thực sự là mô hình của tín hiệu cảnh báo. Nó tăng lên suốt cả ngày để giữ cho chúng ta tỉnh táo và chống lại mức độ ngày càng tăng của adenosine.
Khi tín hiệu cảnh báo giảm xuống, cơn buồn ngủ tiềm ẩn sẽ tự hiển thị. Khi đó, chúng ta sẽ cảm thấy buồn ngủ.
Giảm buồn ngủ sau khi ăn trưa
Theo Huffington Post, cảm thấy mệt mỏi sau bữa ăn có thể gây khó chịu khi một người cần phải tỉnh táo để làm việc, học tập. Sự sụt giảm năng lượng trong ngày có thể đặc biệt nguy hiểm với những người làm việc trong điều kiện rủi ro, như công việc vận hành máy móc hoặc phương tiện giao thông.
Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi sau bữa ăn:
Đừng bỏ bữa sáng
Mọi người đều biết bữa sáng quan trọng như thế nào đối với cả cơ thể và tâm trí. Ăn sáng cũng có thể giúp giảm mệt mỏi vào cuối ngày. Nếu bạn bỏ bữa sáng, nó sẽ đặt ra tiêu chuẩn năng lượng cho thời gian còn lại trong ngày. Thêm vào đó, đến giờ ăn trưa, bạn sẽ rất đói và có nhiều khả năng lựa chọn thực phẩm kém lành mạnh hoặc ăn nhiều hơn.
Quá buồn ngủ có thể ảnh hưởng công việc vào buổi chiều. Ảnh: Medicalnewstoday. |
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày
Một bữa ăn lớn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để tiêu hóa. Thay vì ăn nhiều vào bữa trưa, bạn hãy thử chia thành nhiều bữa nhỏ hơn trong ngày.
Chẳng hạn, cân bằng bữa trưa nhỏ với đồ ăn nhẹ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều để bạn đáp ứng lượng calo được khuyến nghị trong chế độ ăn uống trong suốt cả ngày.
Ngoài ra, ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn sẽ giúp cơ thể giữ lượng đường trong máu ổn định và cung cấp cho chúng ta nguồn năng lượng thường xuyên. Sự cân bằng của carbohydrate, protein và chất béo tốt có thể giúp chúng ta được cung cấp năng lượng lâu hơn.
Lựa chọn các bữa ăn cân bằng dinh dưỡng
Thay vì chọn thực phẩm chế biến sẵn và nhiều tinh bột, hãy đảm bảo rằng bữa trưa của bạn cân bằng và lành mạnh với các loại rau nhiều màu sắc làm điểm thu hút chính, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc.
Những lưu ý khác để tránh mức năng lượng giảm bao gồm uống nhiều nước; tránh ăn quá nhiều đường và carbohydrate tinh chế. Ngoài ra, để giúp cân bằng lượng đường trong máu và mức insulin, bạn hãy chọn các loại thực phẩm tự nhiên chứa nhiều chất xơ, protein như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt.
Để biết cách chọn (hoặc chế biến) bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, bạn nên tập trung vào mô hình đĩa ăn lành mạnh. Bạn có thể đặt mục tiêu một nửa đĩa của bạn là rau không chứa tinh bột, 1/4 là thịt nạc hoặc các loại thực phẩm thay thế, 1/4 là ngũ cốc nguyên hạt.
Đi ra ngoài hoặc di chuyển
Theo India Times, thay vì dành thời gian ăn trưa tại công ty, bạn hãy ra ngoài và nếu có thể, lên lịch đi bộ. Tập thể dục giúp bạn tỉnh táo trong ngày bằng cách tối ưu hóa lượng oxy, lưu thông máu xung quanh cơ thể và lên não, giảm thiểu nguy cơ mệt mỏi sau bữa ăn. Hoạt động ngoài trời cũng sẽ giúp tăng lượng oxy lên não.
Nói chuyện với bác sĩ
Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, bạn nên đến gặp chuyên gia y tế. Luôn cảm thấy mệt mỏi có thể là do cơ thể thiếu vitamin hoặc khoáng chất. Ví dụ, thiếu sắt, rất phổ biến ở phụ nữ trẻ, đặc biệt là những người không ăn thịt.