Đó là một quán ăn An Nam rất nhỏ, bên lề một con đường lớn, không cách xa Hải Phòng lắm.
Trên cửa mặt tiền khiêm nhường quét vôi trắng, dưới tên chủ nhà, có thể đọc được một thứ tiếng Pháp có chút gì đó hợm hĩnh một cách hồn nhiên: “Café-restaurant-Boissons gazeuses - Plat au choix” (Cà phê-quán ăn - Đồ uống có ga - Món tùy chọn” (cái từ “au choix” ấy có vẻ được làm vội vã nếu người ta tin vào chính tả).
Mé bên trái là một ông thợ mộc của làng đang kéo cưa hoặc bào nhẵn những tấm ván tùy theo nhu cầu [...] Mé phải là một bà bán các loại ngũ cốc đựng trong nhiều thúng mủng: gạo trắng, gạo đỏ, và gạo nếp hạt màu đục, đậu xanh và ngô nghiền vỡ, cám tuôn ra từ những túi phồng to… một mái nhà bằng lá gồi phủ lên toàn bộ ba cửa hàng mà chỉ có quán ăn là sở hữu duy nhất mặt quầy.
Do cụm nhà đó nằm trong khu vực của những “ca nương”, nơi người ta làm việc chủ yếu vào buổi tối, hoạt động của nó bắt đầu lúc đã muộn: cánh cửa gỗ chỉ hé mở trước giữa trưa và các cánh cửa của hai cái quầy bằng kính trông giống như những mi mắt cụp lại trên gương mặt đang ngủ.
Nhưng nếu buổi chiều ta vào đó uống một ly cà phê hoặc nước ngọt, ta ngạc nhiên vì cảnh tượng cổ sơ dễ chịu của căn phòng nhỏ và cảm thấy rất xa phố phường. Mái nhà lá xếp gối lên nhau lộ ra khung tre, bụi bặm và mạng nhện chăng. Trên nền nhà lát gạch hoa màu hồng nhạt, có chỗ không bằng phẳng, những cái ghế tựa khập khiễng quanh mấy cái bàn; và đám ruồi vo ve, sung sướng trong khoảng tối mát rượi.
Giống như một tấm màn che khuất cửa ra vào đồng thời được dùng làm nơi quảng cáo, một thứ tủ kính dựng lên chứa những món đồ quý khiêm tốn: nửa miếng xúc xích trên cái đĩa trắng, những cái bánh mì nhỏ có vẻ đã ỉu, một cái bình thủy tinh đựng đường nâu và những quả quít, trứng, hộp đựng kiểu Nhật, vài gói thuốc lá bán lẻ…
Cà phê đã trở thành thức uống phổ biến nơi hàng quán chốn thôn quê ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ảnh: Cooky. |
Những chai bia và nước cam xếp thành hàng dọc hai cửa sổ và sau một quầy hẹp, trong một ô tủ không cửa gắn trên tường, ta thấy những chai khác đựng thứ “choum” (người Pháp mới sang Đông Dương chưa biết loại rượu trắng (rượu cuốc lủi) nên gọi là “choum” (phát âm là “sum”) trong mờ nút bằng rơm.
Thêm nữa, dưới lớp mái cao nhất một cái ngai sơn đỏ dùng làm bàn thờ tổ tiên: một chữ Hán chiếm vị trí thiêng liêng làm nền, với chuối, đĩa hoa và vài nén nhang làm đồ cúng lễ. Hai cây xanh trên quầy trả tiền, một cái lọ bằng thủy tinh đựng cà phê đã xay và hai, ba cái khác đựng bánh bích quy, những chiếc xúc xích kiểu Tàu móc vào một cái đinh, đó là tất cả cái kho của nơi bán hàng nhỏ bé ấy.
Cho dù khiêm tốn đến mấy, cái quán hàng nông thôn này vẫn có chút gì đó chào đón, với tường màu trắng sạch sẽ có những chỗ treo áo khoác dài hình con bướm và vài bức tranh chẳng biết đến phối cảnh là gì.
Trong một góc, cái thau đồng nhỏ đặt trên chiếc kệ ba chân trưng ra loại nước vẩn đục và cái khăn thường lệ cho người ta lau mặt sau bữa ăn. Trên bàn là ống hút thuốc lào và cái ấm pha trà xung quanh có những bát nhỏ hoàn thiện thứ tiện nghi giản dị này.
Ngồi khuất sau chai lọ của mặt quầy hàng, ta thấy sự hoạt động trên con đường - khách vãng lai, xe tay, xe đạp, đôi khi một cái xe hơi và cảm thấy phố thị không xa mấy. Thế nhưng qua cánh cửa hẹp về phía sân nơi có ánh nắng, ta nhận ra, dưới mái túp lều tranh bếp lửa bốc lên quanh vạc cơm, cái thớt cũ kĩ, với dao băm và trong cái rổ đặt dưới đất, rau cỏ và những con cá nhỏ. Lúc ấy ta có cảm giác đang ở xa, rất xa phố phường và quá khứ vẫn sống bất kể sự náo động kinh khủng ở thế kỷ 20 của chúng ta.