“Con tự quyết định” không mâu thuẫn với việc thiết lập giới hạn, một phần rất quan trọng trong nuôi dạy con. Nếu đứa con bé bỏng của bạn không đồng ý dừng làm một việc gì đó mà trẻ đang thích thú, ví dụ trẻ đang chơi trong công viên, bạn có thể sẽ cần phải điềm tĩnh, thực hành sự cảm thông, và đưa ra các lựa chọn. (“Con có muốn kết thúc cuộc chơi không? Chúng ta phải đi bây giờ, nhưng con có muốn chơi thêm 5 phút không?”).
Nhưng nếu sau đó trẻ vẫn không làm theo, bạn hoàn toàn có thể nói: “Con có muốn cầm tay mẹ để đi không, hay mẹ sẽ bế con đi?” Nếu trẻ không đồng ý để mẹ dắt tay đi, hãy nhấc bổng trẻ lên và đưa trẻ ra ôtô - cho dù trẻ giãy giụa và gào khóc.
Trước lần đi công viên tiếp theo, bạn có thể nói: “Mẹ sẵn lòng đưa con ra công viên nếu con đồng ý để mẹ nhắc con 5 phút trước khi đến giờ phải về. Mẹ không muốn đuổi theo con hoặc cãi nhau với con, và nếu việc ra về vẫn là việc khó khăn với con, chúng ta sẽ chờ một vài ngày nữa (hoặc một tuần) trước khi quay trở lại công viên”.
Mặc dù chúng ta không thể nào bế một đứa trẻ vị thành niên đang giãy giụa đi đâu đó, vẫn có những cách để đặt ra giới hạn với trẻ vị thành niên khi cần thiết, và đó là bằng cách giới hạn những gì chúng ta sẵn lòng làm cho chúng.
Chúng ta có thể nói với một đứa trẻ tuổi vị thành niên dành quá nhiều thời gian nhắn tin tán gẫu rằng chúng ta không có lí do phải trả tiền cước điện thoại cho trẻ. Chúng ta cần thiết lập quy định thật rõ ràng, trong khi đó phải luôn nhớ rằng mục đích tối cao không phải là tạo ra những đứa trẻ luôn luôn vâng lời, mà là nuôi dưỡng những đứa trẻ biết cách hành động và tương tác thành công trong thế giới này.
“Con tự quyết định” không phải là cho trẻ sự lựa chọn không giới hạn. Trên thực tế, việc đó chắc chắn sẽ khiến chúng căng thẳng. Như chúng tôi đã đề cập ở Chương 1, trẻ em sẽ cảm thấy an tâm hơn khi chúng biết rằng có người lớn ở bên cạnh để đưa ra các quyết định mà trẻ chưa sẵn sàng tự làm.
"Con tự quyết định" tăng cường tính tự chủ cho trẻ. Nguồn: lindsayparvis. |
Một phần lí do khiến phong cách làm cha mẹ theo kiểu tự do không hiệu quả là trẻ em cảm thấy căng thẳng nếu phải làm một việc gì đó mà trẻ chưa chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta biết trẻ em cảm thấy thoải mái nhất khi thế giới của trẻ có cảm giác an toàn, và thế giới có cảm giác an toàn nhất với trẻ khi chúng ta tạo ra môi trường có thể dự đoán được và có tổ chức.
Cuối cùng, “Con tự quyết định” không phải là việc thao túng hay lừa lọc để trẻ tưởng rằng chúng là người quyết định trong khi thực ra người đó là bạn. Bạn muốn làm cha mẹ với sự chân thành - điều đó tạo nên sự tin tưởng. Bạn muốn thể hiện cho trẻ thấy rằng bạn tôn trọng trẻ. Và nếu bạn muốn tăng cường tính tự chủ ở trẻ, bạn phải thực sự để trẻ có thêm quyền kiểm soát, từng chút một.
Vậy “Con tự quyết định” có nghĩa là gì? Rất đơn giản: Khi phải ra quyết định liên quan đến cuộc sống của trẻ, bạn không nên quyết định những việc mà trẻ có khả năng tự quyết định. Đầu tiên là đặt ra giới hạn mà trong giới hạn đó bạn cảm thấy thoải mái khi để trẻ tự kiểm soát. Sau đó lui ra xa những giới hạn đó. Giúp trẻ học được rằng trẻ cần có những thông tin nào để đưa ra quyết định thấu đáo.
Nếu có mâu thuẫn xung quanh một vấn đề, sử dụng phương pháp hợp tác giải quyết vấn đề, một kĩ thuật do Ross Greene và J. Stuart Ablon phát triển, đầu tiên là thể hiện sự đồng cảm, sau đó là trấn an trẻ rằng bạn sẽ không gây áp lực để buộc trẻ làm bất cứ điều gì trẻ không muốn.
Cả bạn và trẻ cùng nhau xác định những giải pháp khả thi mà cả hai đều cảm thấy thoải mái và tìm cách để đạt được điều đó. Nếu con bạn đưa ra một sự lựa chọn ngớ ngẩn, hãy chấp nhận nó, cho dù đó không phải là điều bạn muốn con làm.
Đương nhiên mỗi người sẽ định nghĩa “sự ngớ ngẩn” theo một cách khác nhau. Một cách so sánh hữu ích là hỏi xem những người hiểu lí lẽ nhất (như cô hoặc chú, một giáo viên, hoặc một huấn luyện viên) có xem đó là một lựa chọn tồi tệ hay không.
Chúng tôi không hề cho rằng việc để con gái của Greg, một cô bé thông minh 12 tuổi quyết định quay lại trường công nơi cô bé từng học là ngớ ngẩn. Trường công có thể có ít nguồn lực hơn so với trường tư mà cha mẹ quyết định chuyển cô bé sang học, và chất lượng giảng dạy ở một số lớp học không tốt bằng, nhưng nếu cô bé cảm thấy thoải mái và có những người bạn nhiệt tình hỗ trợ, có khả năng cô bé sẽ học tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Nhưng nếu cô bé quyết định muốn rời khỏi nhà và tham gia vào một gánh xiếc, thì đó lại là vấn đề khác. Có rất nhiều tình huống mà người lớn không thể tin tưởng là trẻ có thể đưa ra quyết định sáng suốt. Nếu con gái của Greg không sẵn sàng lắng nghe những phân tích về ưu nhược điểm và xin tư vấn, thì xét cho cùng đó có thể không phải là quyết định của cô bé. Trẻ phải sẵn sàng lắng nghe và xem xét các lựa chọn, thế thôi.
Ngoài ra, nếu đứa trẻ bị trầm cảm nặng hoặc muốn tự sát, mọi thứ trở nên khó lường. Tư duy logic của trẻ bị suy yếu và bạn không thể bắt đầu với với niềm tin cơ bản rằng trẻ muốn có cuộc sống tốt đẹp. Những người bị trầm cảm không thể suy nghĩ thấu đáo, vì trầm cảm một phần là do suy nghĩ rối loạn.
[...] Thỉnh thoảng, chúng ta phải đưa ra quyết định thay trẻ, khi trẻ tạm thời không có khả năng đưa ra những quyết định hợp lí cho chính bản thân mình, nhưng chúng ta phải đảm bảo nguyên tắc chung.