Cuộc sống hiện ra trong vở kịch là một cuộc sống đang trượt dài trên những tha hóa, biến chất, với những thói hư tật xấu, ham mê vật chất, ích kỉ, tư lợi mà dần đánh mất đi sự tốt lành trong tâm hồn con người, nhưng cũng từ ấy, Lưu Quang Vũ thể hiện nỗi niềm trăn trở khắc khoải và sự khao khát vùng thoát khỏi “đầm lầy” để những điều tốt đẹp được bung nở, như những bông hoa cúc xanh, khoe sắc rực rỡ trong đầm lầy.
Một cảnh trong vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy. |
Xã hội xấu xí, mệt mỏi
Vở kịch xoay quanh câu chuyện của ba người trẻ Vân, Hoàng, Liên. Họ là những đứa trẻ đã lớn lên bên nhau, cùng nhau trải qua thời thơ ấu trong veo nơi làng quê yên ả với những cánh đồng có hoa cúc xanh. Ký ức ấy là một phần rực rỡ bên trong họ, theo họ trưởng thành.
Thời gian trôi đi, ba người lớn lên, đã thực hiện được ước mơ của mình, nhưng bởi những ích kỉ riêng tư, những ngang trái tình yêu, sự đam mê vật chất, danh vọng, khiến họ dần rời xa nhau.
Chứng kiến đám cưới của Vân và Liên, Hoàng căm hận, bế tắc, đã dùng công nghệ để chế tạo ra hai phiên bản người máy của Vân và Liên, với những phần tốt đẹp nhất.
Vân trong khao khát của Hoàng là một họa sĩ, sống chết với nghệ thuật. Toàn bộ trái tim khối óc, anh chỉ nghĩ đến vẽ. Hoàng đặt người máy Vân xuống căn tầng hầm tăm tối với những giá vẽ. Và Liên, người Hoàng yêu say đắm nhưng không được đáp lại, giờ đây trở thành một người yêu anh, tôn sùng anh, phục vụ anh.
Vân và Liên ở phiên bản người, ngoài đời thực kia, họ đã yêu nhau, cưới nhau và ở bên cạnh nhau. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, Vân bị ghì sát đất, trở thành kẻ sống mòn mỏi, hèn nhát, tìm đến rượu để trốn tránh. Anh không thể vẽ được những bức tranh đẹp như giấc mơ anh đã từng nung nấu. Liên đã từng là người trong mộng của Hoàng, là mối tình đẹp đẽ Hoàng luôn ôm ấp, nhưng Liên giờ đây là người đàn bà tham lam, trong đầu chỉ nghĩ đến tiền.
Hai người không còn cảm nhận được tình cảm tốt đẹp đã từng dành cho nhau nữa.
Vân, Hoàng, Liên mệt mỏi trong đời sống thực với nhiều xấu xa. |
Đời sống của Vân và Liên chính là đời thường của biết bao nhiêu lứa đôi đang sống trong xã hội hiện đại này. Những vấn đề gia đình, ước mơ, hy vọng gần gũi với tâm tư của người trẻ, khiến ai cũng có thể nhìn thấy một phần riêng tư của mình ở đó.
Qua vở kịch, những vấn nạn xấu xí của xã hội hiện đại như hình ảnh đời sống công chức mệt mỏi, với những cuộc họp kéo dài liên miên 6 ngày trong tuần, những bợ đỡ, khua môi múa mép, hay thòi đời giả tạo, hay tệ nạn chặt chém, nhậu nhẹt, bạo hành gia đình…. cũng được thể hiện một cách đầy ý nhị và hài hước.
Điều đẹp đẽ ở ngay trên mảnh đất này
Hoa cúc xanh trên đầm lầy không chỉ phản ánh thực trạng xã hội mà ở đó, Lưu Quang Vũ còn cất lên tiếng nói tha thiết hi vọng của mình về những điều tốt đẹp thẳm sâu tâm hồn mỗi con người.
Sau những dằn vặt, trách móc, những đấu tranh, buồn khổ, trong giây phút Liên đặt xấp tiền mười nghìn đô vào tay Vân, là khoảnh khắc Vân và Liên thấu hiểu nhau hơn, cũng là điều Lưu Quang Vũ trăn trở mong mỏi ở con người.
Cái tốt đẹp không phải là cái ảo vọng xa xôi. Cái tốt đẹp ở ngay trên mặt đất này, giữa đời sống hàng ngày của con người. Như lời Liên nói “chúng ta sẽ biết phải sống như thế nào”, chúng ta thấy những con người dẫu đang mỏi mệt vì đời sống, vẫn đang ngày ngày cố gắng sắp xếp cuộc sống, cố gắng sống sao cho tử tế, đẹp đẽ. Đôi cánh của ước mơ, của khát vọng, dù bị ghì sát đất, vẫn đang cố bay lên.
Vở kịch được nhà hát Tuổi Trẻ trình diễn nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày mất Lưu Quang Vũ. |
Trong vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy, cuối cùng hai phiên bản người máy Vân và Liên đã chết chìm trong đầm lầy hoa cúc. Chứng kiến cảnh ấy, Hoàng đau xót, dằn vặt, nhưng đồng thời hai cái chết ấy cũng đã khiến Hoàng thức tỉnh. Anh nhận ra rằng, anh đã hoài vọng về một đẹp đẽ không tưởng, cũng như chôn chặt kí ức ngày xưa trong lòng mình mà khước từ những người bạn đã trưởng thành, đang phải vật lộn với đời sống. Anh đến gần hơn, cảm thông hơn với họ, cũng chính là mở rộng lòng mình để đón lấy cuộc sống.
Với những ý nghĩa giàu tính nhân văn đẹp đẽ, sâu sắc đã khiến Hoa cúc xanh trên đầm lầy đến hôm nay vẫn được khán giả yêu mến. Một vở kịch đẫm chất thơ, được thể hiện đầy sáng tạo, mới mẻ. Câu chuyện của Hoa cúc xanh trên đầm lầy còn khiến khán giả kinh ngạc trước khả năng dự báo thời đại, những câu chuyện xã hội chưa bao giờ cũ của Lưu Quang Vũ.
Đã 30 năm trôi qua, nhưng trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, là câu chuyện về người máy, về một xã hội vật vã vì đồng tiền, là sự phát triển vượt bậc về công nghệ...
Hoa cúc xanh trên đầm lầy được dàn dựng lần đầu vào năm 1980, do NSND Nguyễn Đình Nghi đảm nhiệm vai trò đạo diễn, dàn dựng cho Đoàn Kịch Hải Phòng. Đến cuối năm 2000, NSƯT Đỗ Kỷ dựng lại cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Và cuối năm 2017, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ.
Phần âm nhạc được nhạc sĩ Tường Văn lựa chọn đưa vào tác phẩm mang lại không khí trẻ trung, sôi động cho nhiều cảnh diễn. Phần sân khấu được họa sĩ Doãn Bằng thiết kế được đánh giá là trung thành với yếu tố giả tưởng của kịch bản bởi từ đầu đến cuối vở diễn người xem được sống trong một không gian của phòng thí nghiệm đầy đủ thiết bị hiện đại.
Lưu Quang Vũ bên cạnh người vợ yêu dấu, nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. |
Lưu Quang Vũ được xem là kịch tác gia lớn của văn học Việt Nam những năm cuối của thế kỷ 20. Với hơn 50 vở kịch, đi sâu khai thác những vấn đề xã hội nóng bỏng, giàu tính hiện thực, nhân văn, chứa đựng những thông điệp sâu sắc mang tính dự báo, ông đã trở thành người đi tiên phong cho nghệ thuật sân khấu dân tộc.
Những vở kịch nổi tiếng nhất của Lưu Quang Vũ có thể kể đến Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, Sống mãi tuổi 17…
Kỷ niệm 30 năm ngày mất nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ, từ 4/8 đến 1/9/2018, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ.