Theo đại diện Viettel, nhà mạng này đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng mọi nguồn lực và cam kết mang lại chất lượng dịch vụ vượt trội, kể cả khi nhu cầu tăng đột biến.
Vị này chia sẻ, một tuần trở lại đây, nhu cầu sử dụng dịch vụ dữ liệu của nhà mạng này tăng gần 50% so với ngày thường. Lưu lượng dịch vụ thoại chất lượng cao VoLTE cũng tăng từ 30-50% so với các tháng trước. Bên cạnh dịch vụ di động, doanh nghiệp đã triển khai đồng loạt những giải pháp đảm bảo chất lượng ở tất cả hệ thống dịch vụ như điện thoại cố định, Internet, truyền hình…
Các nhà mạng cho biết đã tăng cường năng lực mạng lưới để phục vụ nhu cầu liên lạc tăng cao trong cao điểm Tết, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng như bệnh viện, sân bay, bến xe ... Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Do ảnh hưởng của dịch nên Tết Âm lịch năm nay, số lượng thuê bao di chuyển sớm hơn so với năm ngoái, bắt đầu hình thành rõ rệt từ giữa tháng 12 Âm lịch, thay vì sau ngày 23 tháng Chạp như mọi năm. Tính đến ngày 8/2, hệ thống của Viettel ghi nhận các tỉnh có lượng thuê bao di chuyển đến nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, An Giang. Một số địa phương có lượng khách hàng di chuyển đi lớn nhất là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh.
Với MobiFone, nhà mạng này cho biết đã chuẩn bị mạng lưới phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh công tác phát triển mạng 4G, nâng tổng số trạm 4G lên 37.000 trạm, đảm bảo chất lượng mạng 4G rộng khắp trên toàn quốc và dung lượng mạng lưới đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ khách hàng.
Đồng thời, nhà mạng này cũng tăng cường vùng phủ sóng 4G đến khu vực nông thôn và miền núi để phục vụ nhu cầu của khách hàng khi di chuyển từ đô thị, thành phố về quê ăn Tết với việc phát sóng thêm gần 1.000 trạm 4G trong vòng một tuần trước Tết. Toàn hệ thống của nhà mạng đã sẵn sàng cho cao điểm Tết, kể cả trong trường hợp lưu lượng sử dụng tăng 200-300%.
VNPT VinaPhone cũng khẳng định đã chuẩn bị mạng lưới đảm bảo chất lượng dịch vụ cho Tết Nguyên đán 2021. Ngoài việc chuẩn bị hạ tầng mạng di động, VNPT nâng tốc độ Internet lên mức tối thiểu 50Mbps tại các địa phương đang bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Các địa phương được nhà mạng tăng tốc truy cập sẽ bao gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Bình Dương, Hòa Bình, Bắc Ninh.
Năm 2020, Viettel, Mobifone và VNPT đều ghi nhận doanh thu ở mức hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng cùng lợi nhuận tốt dù chịu ảnh hưởng của Covid-19. Với Viettel, tổng doanh thu của doanh nghiệp tại Việt Nam và 11 thị trường quốc tế đạt 264.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với 2019, đạt 102,4% kế hoạch năm.
Doanh thu cả năm của Mobifone ước đạt gần 30.500 tỷ đồng, giảm khoảng 7,2% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế công ty mẹ giảm hơn 20% khi ước chỉ đạt 4.600 tỷ đồng.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), công ty mẹ của VinaPhone, nhà mạng này đạt tổng doanh thu 162.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 43.000 tỷ, đạt 96% kế hoạch. Doanh nghiệp ước tính nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2.000 tỷ đồng thì vừa đủ hoàn thành kế hoạch doanh thu.
Lợi nhuận VNPT trong năm 2020 đạt 7.100 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.100 tỷ đồng, bằng 102,2% kế hoạch. Doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước 5.200 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 10,4%.