Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lương của chồng có thể chuyển sang tài khoản vợ từ năm 2021

Từ ngày 1/1/2021, người lao động có thể ủy quyền hợp pháp cho người khác nhận lương. Theo đó, tiền lương của chồng có thể chuyển sang tài khoản của vợ.

Đây là quy định được đưa ra tại khoản 1, Điều 94, Bộ luật Lao động 2019. Cùng với đó, nhiều điểm mới về nguyên tắc, hình thức và kỳ hạn trả lương cũng được quy định rõ ràng tại bộ luật này.

Cụ thể, người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng họ có thể trả cho người được ủy quyền hợp pháp.

Theo quy định này, lương của chồng có thể chuyển thẳng vào tài khoản của vợ nếu người chồng ủy quyền hợp pháp cho vợ mình nhận lương thay.

Giải thích rõ hơn quy định này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đại diện cơ quan soạn thảo bộ luật) khẳng định việc lương của chồng chuyển thẳng vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp nếu có sự thỏa thuận.

"Kể cả lương của vợ tôi cũng có thể chuyển cho tôi, cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi. Việc này nhằm tránh tình trạng lương của tôi sau khi nhận lại tiếp tục chuyển khoản cho vợ”, ông Dung nói và chia sẻ thêm ông thấy thuận lợi khi áp dụng quy định mới.

luong chong chuyen sang tai khoan vo anh 1

Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương thay. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Dù vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động và tránh bị kẻ gian lợi dụng, nhiều doanh nghiệp từ chối trả lương vào tài khoản không phải của người lao động làm việc cho mình. Trong trường hợp này, công ty hoặc doanh nghiệp cũng không vi phạm quy định của Bộ luật Lao động.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Về kỳ hạn trả lương, trường hợp có lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn một tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Các quy định trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Nữ lao động được thêm tiền lương khi làm việc ngày 'đèn đỏ'

Nghị định mới nhất của Chính phủ quy định nữ lao động làm việc đủ thời gian trong ngày "đèn đỏ" sẽ được hưởng thêm tiền, ngoài tiền lương đã thỏa thuận với doanh nghiệp.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm