Là người "ghét cay, ghét đắng" thất bại, Luis Suarez sẵn sàng làm mọi thứ để chiến thắng, kể cả việc trở thành con quỷ khát máu hay kẻ thù của chính trò chơi mà anh đam mê.
Đánh bại Italy 1-0, Uruguay tiến vào vòng 1/8 World Cup 2014. Người hâm mộ "La Celeste" gào thét trong vui sướng, và những người ở gần đường pitch cố nhoài xuống với hy vọng được chạm vào các người hùng hoặc ít nhất là lôi kéo sự chú ý của họ vào tấm hình selfie.
Tất cả không để ý tới bóng áo xanh đang lê những bước nặng trĩu tiến vào đường hầm. Đó là Luis Suarez. Anh không còn tâm trí để ăn mừng, tương tự như vẻ gượng gạo lúc Diego Godin ghi bàn quyết định. Mọi thứ sụp đổ dưới chân Suarez kể từ phút 79, khi anh lao đầu vào Giorgio Chiellini.
Thoạt đầu không ai hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết rằng cả hai cùng lăn ra sân, người ôm vai kẻ ôm miệng. Cho đến khi Chiellini chìa ra cái vai hằn rõ 4 vết răng - mà Gaston Ramirez cố gắng che đi - thì mọi người mới vỡ lẽ, Suarez chơi trò “cẩu xực” với hậu vệ người Italy, như từng cắn Ivanovic khi ở Liverpool và Bakkal thời khoác áo Ajax.
Khi Suarez mở cửa phòng thay đồ, vợ và con anh ngồi sẵn ở đó. Như đứa trẻ mắc lỗi bỗng vỡ òa lúc nhìn thấy người thân, tiền đạo người Uruguay ôm chầm lấy họ và bật khóc nức nở. Sofia, vợ anh, đã hỏi liệu chuyện cắn người là có thật? Trong làn nước mắt, Suarez chối bay chối biến. Theo như anh giải thích, tình huống ấy chỉ đơn giản là mất thăng bằng, ngã xuống, chạm vào vai Chiellini và để lại vết hằn. Vậy thôi.
Rồi những người khác cũng bước vào. Suarez cố lau nước mắt để chung vui với họ, đồng thời thuật lại những gì trải qua trên sân. Những giây phút chúc tụng cũng qua. Các cầu thủ ngồi xuống và lấy điện thoại. Các bài báo, hình ảnh và cả video đã tố cáo Suarez là kẻ nói dối ti tiện.
Một lần nữa Suarez gục xuống trước mắt vợ, giờ có thêm cả đồng đội, thú nhận tất cả. Như anh nói với Gerard Pique trong cuộc phỏng vấn của The Players Tribune, đó là “khoảnh khắc rất, rất đau đớn” và “lại nhói lên mỗi khi nhớ về”.
Trước World Cup 2014, Suarez phát động chiến dịch lấy lại hình ảnh của mình. Anh muốn cả thế giới nhìn mình bằng con mắt khác, không phải một kẻ phân biệt chủng tộc, cắn người vô tội vạ hay thường xuyên chơi xấu.
“Tôi không tồi tệ như giới truyền thông mô tả. Tôi thực sự muốn làm những điều đúng chuẩn mực”, Suarez nói với Sports Illustrated.
Chuẩn mực theo cách của Suarez khá phức tạp. Bên cạnh ảnh hưởng tuyệt vời trên sân cỏ, như cú đúp vào lưới ở tuyển Anh ở lượt trận thứ hai, một lần nữa lại là những tranh cãi. Cũng trong trận gặp Italy, anh ngã vật xuống sân như một chuối sau cái phẩy tay rất nhẹ từ Andrea Pirlo nhằm câu thẻ. Sau đó, như đã biết, ngoạm lấy vai Chielini khốn khổ.
Suarez không nhận thẻ trong trận đấu đó, nhưng FIFA ra án phạt treo giò 9 trận đấu quốc tế, 4 tháng cấm tham gia các hoạt động bóng đá và số tiền phạt trị giá 100.000 franc Thụy Sỹ. Sau đó, cả thế giới vào cuộc chỉ trích anh. Họ nói, biết ngay mà, hắn ta lại làm chuyện ô nhục một lần nữa. Theo quan điểm của hầu hết mọi người, Suarez là kẻ dị biệt.
Chó cắn, đó là bình thường. Đứa trẻ mới sinh ra, cắn, không sao hết. Nhưng với một người trưởng thành, lại là cầu thủ bóng đá và thực hiện hành vi đó trước cả hàng nghìn người, thật điên rồ xen lẫn bệnh hoạn. Những bê bối trong quá khứ cũng cứ thế mà bị khui ra, hoặc moi móc lại.
Và một số tờ báo tư vấn, có lẽ Suarez nên đến gặp Steve Peters, bác sĩ tâm lý của Liverpool, nơi anh đang khoác áo. Ở đó hy vọng ông ta sẽ khiến anh ta lấy lại cân bằng với ý nghĩ mình ổn, còn cả thế giới có vấn đề.
Tuy nhiên, vẫn có những người bảo vệ Suarez. Rất đông là đằng khác. Họ là những người Uruguay.
HLV Oscar Tabarez trích dẫn thành ngữ Uruguay, rằng giới truyền thông đang làm quá mọi chuyện như “những kẻ núp sau một cái cây để chờ ai đó phạm sai lầm”. "Đài truyền hình Uruguay đá xéo báo giới Anh, lực lượng tiên phong khuếch tán câu chuyện Suarez: “Xem lại mình đi, các người đã vô địch World Cup 1966 với bàn thắng tưởng tượng (trận chung kết gặp Đức)”.
Về dấu răng lưu lại trên vai Chiellini, người dân Uruguay tin đó là sản phẩm của trí tưởng tượng, và các bức ảnh đã được chỉnh sửa. Đội trưởng Diego Lugano tuyên bố chỉ những kẻ ngu mới tin vết cắn đó là thật. Tổng thống Uruguay cũng vào cuộc. Ông gọi FIFA là “bọn chó đẻ” và “phát xít” với án phạt nặng nề dành cho Suarez.
Việc này khiến người ta nhớ lại, rằng vài năm trước, một phóng viên của ESPN đã đến Uruguay để tìm hiểu về câu chuyện Suarez lúc còn trẻ đã húc đầu vào một trọng tài, khiến ông ta “gãy mũi và máu ồng ộc chảy ra như con bò bị chọc tiết”.
Thế nhưng, khắp nơi trên đất nước Uruguay, mọi người một mực che chở Suarez. Khi phỏng vấn, những người liên quan đều nói họ không nhớ tí gì về chuyện đó. Lục tìm tài liệu, kể cả thư viện quốc gia, tất cả cho biết hồ sơ đã bị thất lạc. Phải mất cả tháng trời kiên trì, cuối cùng vị phóng viên kia mới tìm ra danh tính của vị trọng tài nạn nhân. Khi tìm gặp, bản thân ông trọng tài lại bác bỏ và nhấn mạnh, đó chỉ đơn giản là một tai nạn.
Có sự đồng thuận đáng kinh ngạc của một quốc gia chỉ có 3,5 triệu người trong việc bảo vệ Suarez. Và kinh ngạc hơn, họ làm việc đó một cách tự nhiên, với tình yêu thuần khiết dành cho “Răng thỏ”.
Suarez lớn lên trong một gia đình 7 anh em ở Salto, cách Montevideo gần 500 cây số về phía bắc Uruguay. Với ông bố làm bảo vệ cho nhà máy bánh quy (rồi bỏ đi khi Suarez 12 tuổi) cùng bà mẹ quét dọn ở trạm xe bus, anh thậm chí không có tiền để mua giày và trong những năm tháng đầu đời, phải chơi chân trần trên con đường rải sỏi.
Hành trình vươn lên của Suarez là nguồn cảm hứng bất tận cho người dân Uruguay. Họ ngưỡng mộ ý chí và nghị lực mạnh mẽ của anh, trước khi say mê theo bước chạy cũng như các bàn thắng. Đến khi biết nhiều hơn, tất cả dễ dàng sa vào tình yêu với anh, một người không màu mè, không học vấn, lớn lên trên sân cỏ và sống theo bản năng nhiều hơn là lý trí.
Chính vì theo bản năng, Suarez không ngần ngại dùng tay cản lại cú đánh đầu của Dominic Adiyiah bên phía Ghana ở tứ kết World Cup 2010. Cả thế giới sỉ vả Suarez và gọi đó là hành vi đáng xấu hổ, thiếu fair-play. Nhưng anh đâu quan tâm.
Chỉ mất 30 giây buồn tủi vì nhận thẻ đỏ, Suarez đã nhảy cẫng lên như đứa trẻ khi cú sút phạt đền của Ghana chạm xà ngang. Cho đến tận bây giờ, anh vẫn luôn cho rằng mình hành động đúng. “Chả có gì sai trái ở đây cả. Tôi không đá ai cũng chẳng chơi xấu ai. Cuối cùng, việc Ghana sút hỏng cũng đâu phải lỗi của tôi”, Suarez nói với vẻ khoái trá.
Cả đất nước Uruguay gọi Suarez là người hùng dân tộc sau khoảnh khắc ấy. Họ sống trong cảm giác mắc nợ, để rồi tha thứ cho bất cứ sai lầm nào sau đó.
Suarez ra sân 8 trận ở 2 lần tham dự World Cup, không ít nhưng cũng chẳng quá nhiều. Nhưng mỗi lần xuất hiện, anh đều trở thành trung tâm gây tranh cãi và bão chỉ trích. Đó là lý do mà nhiều người tự hỏi, tiền đạo người Uruguay sẽ lại gây ra sự vụ gì ở nước Nga?
Ai mà biết được. Bởi như đã nói, Suarez là mẫu người hành động theo bản năng. Và sau khi có những hành vi không đúng mực, bằng mọi cách tìm ra lý do để an ủi bản thân và giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng.
Ví dụ việc cắn người, dù nhận sai, Suarez vẫn cho rằng “cắn là vô hại”, giỏi lắm nó chỉ hơi nhói một chút chứ không đến nỗi rách da rách thịt “như Mike Tyson đã làm với Evander Holyfield”. Mặc dù mô tả sự kiện ở World Cup 2014 là tồi tệ nhất cuộc đời, song rất ít người đặt cược anh ta sẽ không lặp lại việc tương tự.
“Cuộc sống của tôi là sự khát khao, thèm muốn vươn tới đỉnh cao và một chuỗi các mục tiêu. Nếu không đạt được, tôi sẽ phát điên”, Suarez bộc bạch. Anh ta ghét cay ghét đắng cảm giác thua cuộc để sẵn sàng làm mọi thứ vì chiến thắng, kể cả việc trở thành kẻ thù của chính trò chơi mà anh đam mê.
Thật may là trên con đường này, Suarez không cô độc. Anh bước đi với cả dân tộc phía sau. Đất nước Uruguay sẵn sàng chống lại cả thế giới nếu thế giới chống lại người hùng của họ.