Gia tộc nhà tôi bốn đời diễn Hầu hý được hơn một trăm năm, tất cả đều chú trọng nghệ thuật văn hóa truyền thống của dân tộc, nghe phụ thân tôi nói, một diễn viên diễn vai Tôn Ngộ Không nếu không quan sát hầu tử trong thực tế thì rất khó diễn tốt được.
Trong gia đình chúng tôi, hầu tử là thầy giáo số một và cũng là thầy giáo quan trọng nhất của tôi. Nó chính là cội nguồn nghệ thuật, cũng là bằng hữu gần gũi nhất của chúng tôi.
Gia đình bắt đầu nuôi hầu tử từ đời cụ của tôi. Khi còn nhỏ, tôi vẫn nhớ trong nhà nuôi rất nhiều hầu tử. Phụ thân của tôi thường xuyên quan sát nhất cử nhất động của chúng.
Có thể nói, những đứa trẻ như chúng tôi được lớn lên cùng hầu tử. Nhưng khi còn nhỏ, tôi lại không thích chúng, bởi vì đám khỉ thường chọc phá. Sau này, vì cần diễn tốt hình tượng Tôn Ngộ Không, tôi bắt buộc phải tiếp xúc, sống hòa đồng, trở thành bạn tốt của chúng.
Bây giờ, chúng ta thường nói con người cần phải sống hài hòa với tự nhiên. Tôi cho rằng con người với hầu tử càng cần phải hài hòa hơn. Tổ tiên của con người chính là loài linh trưởng được tiến hóa từ hầu tử, ở nhiều quốc gia vẫn lưu truyền những câu chuyện liên quan hầu thần.
Triều Hán ở đất nước chúng tôi đã xuất hiện một số vật phẩm tạo hình từ hầu tử. Võ thuật thì có Hầu quyền, Hầu côn. Hý khúc có nghệ thuật Hầu hý.
Chúng ta hãy bắt đầu nghiên cứu từ việc mô phỏng, luyện tập ở mức độ cao, nghệ thuật hóa, nhân vật hóa, tính cách hóa, có như vậy mới có thể phục vụ và khắc họa rõ nét nhân vật.
Nếu không có sự quan sát tốt Hầu tử ngay từ lúc ban đầu, không thể cảm nhận được hết động tác của nó, không hiểu được khi nó đang suy tư, phẫn nộ, đau khổ.
Năm 1982, khi quay bộ phim Tây Du Ký, “Trừ yêu Ô Kê Quốc”, sau khi chiếu thử tôi diễn không lý tưởng lắm, đạo diễn Dương Khiết đã đặc biệt cho phép tôi nuôi một con khỉ, đặt tên là Tiểu Khánh. Trong sáu năm, nó vẫn luôn ở bên, giúp đỡ tôi rất nhiều. Sau một thời gian dài quan sát, những chi tiết nhỏ đã được sử dụng trong bộ phim.
Vì lúc thường nhật, các bạn trông thấy hầu tử trong vườn thú chẳng qua chỉ là sự quan sát nhất thời, chưa thể hiểu hết về thói quen, tập tính của hâu tử. Ví dụ, hầu tử sẽ có dáng vẻ như thế nào vào buổi tối, hoặc giả hầu tử khi tĩnh sẽ trông như thế nào.
Chỉ có sớm tối sống cạnh nó, mới phát hiện có lúc vào buổi tối hầu tử thường mở mắt trừng trừng để nhìn. Đó là một kiểu của trạng thái tĩnh, tập tính này của hầu tử. Tôi vẫn thường xuyên mượn dùng trong tập 4 của phim Tây Du Ký “Khốn tù Ngũ Hành Sơn”, khi Tôn Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, chính là cách mở mắt trừng trừng này.
Một lần, tôi trông thấy Tiểu Khánh ngồi bất động trên cỏ. Thì ra, nó đang nhìn chằm chằm vào một con bướm đang bay lượn cách đó không xa.
Đột nhiên, nhanh như cắt, nó chộp lấy con bướm đó. Nó không vội vàng ăn con bướm này, mà đưa lên mũi để ngửi, tựa như đang đánh giá, tiếp đến cẩn thận bỏ vào miệng để nếm thử mùi vị, tựa như mùi vị rất ngon, cuối cùng mới nhanh ngọn ăn hết chú bướm này.
Tôi đem tình tiết này dùng vào cảnh diễn khi Tôn Ngộ Không ăn trộm tiên đan và ăn trộm đào tiên trong hội Bàn Đào.
Khi Tây Du Ký đi dần đến những tập cuối, Tiểu Khánh và tôi duyên phận đã tận. Là một diễn viên, tôi nay đây mai đó, không thể tiếp tục nuôi dưỡng Tiểu Khánh, chứ chưa cần nói đến chuyện nghiêm cấm tư nhân nuôi dưỡng động vật được bảo vệ ở cấp độ 2 - di hầu.
Tôi quyết định đưa nó đến Vườn thú Hàng Châu, bởi vì quê mình rất gần thành phố này. Mỗi lần về quê, tôi đều thuận đường đến thăm Tiểu Khánh.
Có lẽ bởi vì đã sống với con người trong thời gian quá dài, có lẽ bởi vì không có cách nào chịu đựng được cuộc sống mất đi tự do, có lẽ bởi vì không thể hòa nhập được với bầy khỉ, cuối cùng, Tiểu Khánh chết vào năm thứ hai, tính từ khi được đưa vào vườn thú.
Một số người vì lợi ích của bản thân họ, hoặc giả là vì thỏa mãn lòng tham ăn uống của bản thân, thậm chí còn ăn cả hầu tử. Ví dụ, chúng ta đều có nghe nói đến việc ăn não khỉ. Cá nhân tôi cảm thấy việc này cực tồi tệ, suy cho cùng hầu tử cũng có môi trường sống riêng.
Tôi hy vọng mọi người có thể tôn trọng loài hầu tử, có thể trở thành hảo bằng hữu với hầu tử.