Cảm giác lúng túng, choáng váng bỗng choán lấy tôi. Tôi chưa từng có ngày nào như thế này trong cả sự nghiệp. Tôi đã kiệt quệ về mặt cảm xúc.
Là một nhân viên cấp cứu ở thành phố New York, Anthony Almojera đã quen với việc thấy người chết.
Riêng bang New York đã có số ca nhiễm nhiều hơn bất cứ nước nào, trở thành tiền tuyến của cuộc khủng hoảng đại dịch toàn cầu.
Giờ đây, Anthony làm việc 16 giờ mỗi ngày, tới cấp cứu khi người New York gọi điện, đồng thời động viên các đồng nghiệp đang lo lắng cho tính mạng của họ và gia đình.
Anthony, người quản lý nhóm cấp cứu và phó chủ tịch công đoàn các nhân viên cấp cứu (EMS) của Sở Cứu hỏa New York (FDNY) trả lời BBC về một ngày làm việc của ông - ngày 5/4 - mà ông gọi là ngày khó khăn nhất trong sự nghiệp. (Ở thành phố New York, sở cứu hỏa vận hành hệ thống cấp cứu).
"Thỉnh thoảng tôi cũng có ngày bận rộn, nhưng chưa bao giờ thế này", Anthony Almojera (trong ảnh) nói với BBC. Ảnh: Anthony Almojera. |
Cuộc chiến không nhìn được kẻ địch
Tôi vừa có một giấc ngủ ngon, nếu nhìn lại những gì tôi trải qua ngày trước đó. Trọn 5 giờ ngủ. Tôi thức dậy và mở chương trình thời sự lên nghe khi đang tắm. Ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng nhưng thế giới chưa tận thế. Tôi phải chuẩn bị tới cơ quan ở Sunset Park, Brookyn vào 6h sáng, và có ca trực dài 16 tiếng.
Tôi mặc đồng phục, lấy bộ đàm, và bắt đầu tẩy trùng các thiết bị. Chúng tôi phải lau radio, khóa, xe tải, cặp và những thứ khác. Virus có thể sống trên mọi bề mặt. Không có gì an toàn, ngay cả đồng nghiệp.
Trong chiến tranh bạn nhìn thấy đạn bắn, bạn biết kẻ thù là ai. Còn đây là cuộc chiến với viên đạn vô hình - ai bạn tiếp xúc cũng có thể là đạn.
Tôi bắt đầu trực lúc 6h02. Tôi đã có thể kiếm chiếc bánh bagel ăn sáng. Tôi bắt đầu thấy bộ đàm của mình bận rộn lúc 7h sáng. Chúng tôi đã có hơn 1.500 cuộc gọi kể từ nửa đêm. Tôi nhận được một cuộc - một ca đau tim.
Là quản lý, tôi đi cùng các nhân viên, kỹ thuật viên y tế, cấp cứu tới chăm sóc bệnh nhân. Những ngày này, nguồn lực không có dư vì mỗi ngày có hơn 6.500 cuộc gọi.
Thành phố New York có dịch vụ cấp cứu bận rộn nhất trên thế giới, với khoảng trên 4.000 cuộc gọi mỗi ngày. Có những lúc tăng vọt như đợt nóng hay bão, nhưng ngày bận nhất là vụ khủng bố 11/9. Ngày đó chúng tôi có 6.400 cuộc gọi, nhưng đó không phải là 6.400 bệnh nhân, vì hoặc là bạn sống sót, hoặc là bạn thiệt mạng. Nhưng lần này, số cuộc gọi cũng giống như vụ 11/9, nhưng lại toàn là các bệnh nhân, lặp lại như vậy mỗi ngày.
Một nhân viên cấp cứu chờ đợi điều động đi tới các bệnh nhân mới, trong một ca đêm ở quận Queens, năm 2019. Ảnh: New York Times. |
Không đủ người nhưng “vẫn phải chiến đấu thôi”
Chúng tôi bắt đầu thấy số cuộc gọi tăng lên vào khoảng 20/3. Đến ngày 22/3, đã như một quả bom.
Khi tôi thấy số cuộc gọi tăng vọt, tôi biết hệ thống cấp cứu không được thiết kế cho trường hợp này. Chúng tôi nghĩ bụng: “Làm thế nào đây với nguồn lực hiện có. Và phải nghĩ ‘cứ chiến đấu thôi’”.
Đây là cuộc chiến với viên đạn vô hình - ai bạn tiếp xúc cũng có thể là đạn.
Ngay lúc này, khoảng 20% nhân viên cấp cứu đang nghỉ ốm. Nhiều thành viên của chúng tôi nhiễm Covid-19, có những người đang chăm sóc đặc biệt (ICU) - tôi có hai nhân viên đang phải thở máy. Chúng tôi đang theo dõi sức khỏe của 700 nhân viên có triệu chứng.
Khi tới nhà người bệnh, tôi đeo khẩu trang, găng tay và mặc áo bảo hộ.
Nhiều xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York ngày 10/4. Ảnh: New York Times. |
Bệnh nhân là một người đàn ông. Gia đình nói ông đã sốt và ho 5 ngày nay. Chúng tôi bắt đầu hô hấp nhân tạo. Tôi thấy các nhân viên cấp cứu đưa ống thở vào cổ ông để giúp ông thở, và bắt đầu truyền tĩnh mạch.
Chúng tôi cố cứu ông trong 30 phút trước khi phải báo ông đã tử vong. Tôi hỏi xem các nhân viên của mình có ổn không, rồi quay lại xe, trước tiên là tẩy trùng mọi thứ. Tôi lại bấm nút để tiếp tục nhận ca mới.
20 phút sau, tôi nhận được một ca đau tim khác. Cũng triệu chứng vậy, các bước cấp cứu như vậy, và kết quả vẫn vậy. Virus này không chỉ tấn công phổi, vì khi bạn không có đủ ôxy trong phổi, các cơ quan khác bắt đầu bị ảnh hưởng và bị suy.
Chúng tôi lại bấm nút, lại đến một ca khác.
Rồi lại bấm nút, lại một ca khác.
Chỉ một bệnh nhân mà chúng tôi tới chăm sóc là không nhiễm Covid-19, mà là tự tử. Bạn thử tưởng tượng xem, tôi ở đó, và trong đầu tôi cảm thấy nhẹ người. Người này vừa mới chết, và là một vụ tự sát! Tôi lại cảm thấy nhẹ đi, vì như vậy mới giống ngày làm việc bình thường.
Nhân viên cấp cứu đang đưa bệnh nhân lên xe cứu thương ở quận Bronx. Ảnh: New York Times. |
Cha mẹ tử vong trong vòng ba ngày, nghi Covid-19
Bây giờ đã là 11h và tôi đã đến nhà của 6 ca đau tim.
Nếu bình thường, một nhân viên cấp cứu tới 2-3 ca đau tim mỗi tuần, có thể là vậy. Có ngày bận rộn hơn, nhưng chưa bao giờ thế này. Chưa bao giờ thế này.
Ca thứ 7 khiến tôi buồn nhất.
Tôi đến, và có một phụ nữ đang nằm trên sàn nhà. Tôi nhìn thấy con gái đang hô hấp nhân tạo cho mẹ mình. Người con gái nói bà đã ngừng thở và trước đó cũng có “các triệu chứng”.
Chúng tôi bắt tay ngay vào việc và cố cứu bà ấy. Các nhân viên của tôi làm các thao tác, còn tôi đến chỗ con gái bà. Con gái bà kể rằng bà đã bị ốm nhiều ngày nay. Gia đình không được xét nghiệm, nhưng nghĩ rằng bà “đã bị nhiễm”.
Tôi hỏi “cô có phải gia đình duy nhất ở đây không?” Cô gái nói đúng là vậy, nhưng cô nói chúng tôi (các nhân viên cấp cứu) đã ở đây vào ngày 2/4 và cấp cứu cho cha cô. Cha cô cũng có các triệu chứng. Ông cũng qua đời.
Nói tới đó, cô gái trông tê tái.
Số cuộc gọi cấp cứu ở thành phố New York những ngày này ngang với sau vụ khủng bố 11/9. Ảnh: New York Times. |
Tôi quay trở ra, và hy vọng các nhân viên sẽ báo rằng có dấu hiệu sinh tồn. Nhưng cô nhân viên cấp cứu ngẩng lên nhìn tôi. Tôi hiểu được cái nhìn đó, sau 17 năm làm việc. Trong mắt cô đã có câu trả lời là không.
Vậy là tôi sẽ phải nói với cô con gái rằng mẹ cô cũng đã qua đời, như vậy là cả cha và mẹ cô đã qua đời, chỉ trong ba ngày.
Cha của cô gái còn chưa được mai táng. Vậy là cô gái này sẽ phải làm lễ tang kép, đấy là nếu cô may mắn đặt được lễ tang, vì giờ đây làm lễ tang rất khó.
Sau ca đó, tôi ra ngoài, tôi cần không khí trong lành. Chúng tôi ngồi một phút và cố hồi phục lại, vì chúng tôi đều cảm thấy. Cũng lạ, chúng tôi không nói gì nhiều. Nhân viên cấp cứu là như vậy.
Chúng tôi phải sẵn sàng cho cuộc gọi kế tiếp. Và tôi lại bấm nút.
“Những gì chúng tôi trải qua trong công việc nhiều khi rất khó rũ bỏ”, Anthony nói với BBC. Ảnh: Anthony Almojera. |
“Giá mà tôi cho họ thấy được cảm xúc của mình”
Chúng tôi nhận được ca tiếp theo, rồi ca tiếp theo, ca tiếp theo. Đồng hồ đã chỉ 18h và tôi vừa kết thúc ca thứ 10.
Đó là một gia đình người gốc Á. Họ không thể tin nổi người chú đã tử vong. Tôi nhìn thấy trong mắt họ, là họ không tin nổi. Họ cầu xin tôi làm gì đó, hãy đưa tới viện. Tôi nói chúng tôi không thể, dù chúng tôi có muốn. Bệnh viện không khám cho người không còn dấu hiệu sinh tồn.
Họ van nài tôi “hãy cứu ông ấy, hãy cứu ông ấy”. Người con trai hỏi vì sao tôi không thể “kích” cho tim đập trở lại.
Đeo khẩu trang, che nửa mặt làm mọi chuyện khó hơn. Tất cả anh ta đang nghe chỉ là lời của tôi. Giá mà tôi cho họ thấy được khuôn mặt mình, để gia đình thấy được cảm xúc đằng sau lớp khẩu trang.
Bây giờ, họ chỉ thấy mắt của tôi, và đôi mắt tôi đang kinh hãi vì không biết làm sao thuyết phục anh thanh niên rằng chúng tôi không làm gì được nữa.
Giá mà tôi cho họ thấy được khuôn mặt mình, để họ thấy cảm xúc đằng sau lớp khẩu trang.
Tôi đến ca này với cùng các nhân viên đã cùng tôi tới nhà cô gái vừa mất cả cha lẫn mẹ. Cũng chính họ vừa bước ra ngoài và thấy tôi đang ngồi trên bậc thềm.
Tôi đã phải nói với 10 gia đình rằng chúng tôi không làm gì được nữa.
Gần 500 nhân viên FDNY đã nhiễm Covid-19, theo FDNY. Ảnh: AP. |
“Chưa có ngày nào như vậy trong sự nghiệp”
Cảm giác lúng túng, choáng váng bỗng choán lấy tôi. Tôi chưa từng có ngày nào như thế này trong cả sự nghiệp. Tôi đã kiệt quệ về mặt cảm xúc.
Tôi đã phải nói với 10 gia đình rằng chúng tôi không làm gì được nữa.
Những gì chúng tôi trải qua trong công việc nhiều khi rất khó rũ bỏ. Và sau những ngày thế này, con người ta sẽ khác đi. Đa số nhân viên cấp cứu EMS của New York sẽ không thể nào đi qua đợt này mà vui vẻ, nhẹ nhàng được nữa.
Có thể một số họ sẽ có những khoảnh khắc nhìn thâu suốt cuộc sống, và cảm nhận được bông hoa hay mặt trời mọc, nhưng đối với đa số chúng tôi, khi chúng tôi nhắm mắt lại, đó sẽ là những gì hiện ra.
Họ bước ra ngoài, thấy tôi, rồi bước tới và ngồi cạnh tôi. Họ quàng lấy vai tôi và chúng tôi động viện cho nhau.
Tất cả chúng tôi biết cảm giác của nhau. Chúng tôi ngồi đó, cùng nhau cảm nhận trong giây lát. Rồi chúng tôi lại bấm nút.
Đã là 21h30 - nửa tiếng trước khi hết ca trực. Lại một ca đau tim, vẫn các triệu chứng tương tự - sốt và ho nhiều ngày liền.
Một nhân viên cấp cứu đưa bệnh nhân vào bệnh viện Wyckoff ở Brooklyn ngày 6/4. Ảnh: AFP. |
“Cảm giác kiệt quệ về tâm hồn đọng lại trong bạn”
Tôi độc thân, không con cái. Và đây là lần duy nhất trong đời mà tôi cảm thấy mừng vì đang độc thân, vì tôi sẽ không lây cho ai ở nhà. Nhưng đây là nỗi lo của nhiều người.
Khi chúng tôi nhắm mắt lại, đó sẽ là những gì hiện ra.
Tôi đã đi theo một công việc có thể khiến tôi đổ bệnh và chết. Gia đình của các nhân viên cấp cứu biết và chấp nhận những người thân yêu của họ có thể ốm, chết vì công việc này. Nhưng gia đình không được chuẩn bị cho khả năng người thân của họ sẽ về lây bệnh cho chính họ, như lần này.
Bây giờ, một số nhân viên của chúng tôi ngủ trên xe vì họ không muốn lây cho gia đình.
Nỗi lo sợ của họ cũng làm tôi khổ tâm - chính là nỗi lo họ có thể chết vì công việc, rồi gia đình họ không ai chăm lo.
Một số nhân viên cấp cứu ngủ trên xe vì họ không muốn lây cho gia đình. Ảnh minh họa: New York Times. |
Tôi đã được tư vấn tâm lý 16 năm nay, tôi là người theo đạo Phật, và tôi cũng ngồi thiền, vậy mà tôi vẫn khó có thể thanh thản được. Cảm giác kiệt quệ về tâm hồn trong những ngày này đọng lại trong bạn, vì bạn biết rằng ngày hôm sau bạn sẽ làm 16 tiếng nữa, sẽ lại tiếp tục như vậy.
Các nhân viên cấp cứu sống sót qua cả một sự nghiệp vì chúng tôi luôn hy vọng rằng, dù không cứu mạng được người này, nhưng chúng tôi sẽ cứu được người sau. Chúng tôi khá giỏi trong việc cứu mạng người.
Nhưng con virus này lại lợi thế hơn chúng tôi. Hy vọng cứ mất dần khi phải chiến đấu với nó. Chúng tôi đang chiến đấu với kẻ thù vô hình đang đánh gục các đồng nghiệp - và bây giờ, hy vọng trở nên mong manh.
Đó là điều đang diễn ra trên khắp thành phố New York.