Sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Ngoài đề cập đến sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật, ông Nhạ cũng thông tin về các quy định được bổ sung, đổi mới.
Vì sao cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục?
Luật Giáo dục được ban hành năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quá trình thực hiện và tổng kết thi hành Luật Giáo dục cho thấy quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một số quy định hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, chưa thu hút, phát triển được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bộ trưởng GT&ĐT cũng chỉ ra một số quy định chưa phù hợp về chính sách đối với học sinh, sinh viên cũng như việc phân định quản lý nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều. Theo người đứng đầu Bộ GD&ĐT, dự thảo luật đã bao quát hầu hết vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Theo đó, luật sửa đổi, bổ sung quy định học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, dự thảo bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học và trình độ đào tạo...
Chồng chéo quy định về đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động để luật phù hợp và khả thi.
Theo ông Bình, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn là những quy định chung chung. Các quy định về vai trò, điều kiện, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo còn chồng chéo.
Ủy ban đề nghị ban soạn thảo cần bám sát nghị quyết của Đảng để thể chế hóa chính sách lương đối với nhà giáo trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương.
Về quy định liên quan người học, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng tín dụng sư phạm theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.
Một số đại biểu đề nghị giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm. Dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí thì theo ông Bình cũng cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.