Luật Cư trú được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
Nội dung cuốn sách gồm 7 chương, 38 điều, quy định về việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú.
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Cư trú 2020, cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã (sau đây gọi chung là đơn vị hành chính cấp xã).
Nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú
Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định các nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú bao gồm:
Bìa sách Luật Cư trú. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. |
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật
- Bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
- Trình tự, thủ tục đăng ký cư trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà; việc quản lý cư trú phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
- Thông tin về cư trú phải được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của pháp luật; tại một thời điểm, mỗi công dân chỉ có một nơi thường trú và có thể có thêm một nơi tạm trú.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký, quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú
Theo Điều 7 Luật Cư trú 2020, các hành vi sau đây sẽ bị nghiêm cấm:
- Cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú.
- Lạm dụng việc sử dụng thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật.
- Thu, quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký cư trú trái với quy định của pháp luật.
- Tự đặt ra thời hạn, thủ tục, giấy tờ, tài liệu, biểu mẫu trái với quy định của pháp luật hoặc làm sai lệch thông tin, sổ sách, hồ sơ về cư trú.
- Cố ý cấp hoặc từ chối cấp giấy tờ, tài liệu về cư trú trái với quy định của pháp luật.
- Lợi dụng việc thực hiện quyền tự do cư trú để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.
- Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú.
- Giải quyết cho đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú khi biết rõ người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.
- Đồng ý cho người khác đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú không sinh sống tại chỗ ở đó.
- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Cẩm nang pháp luật về cư trú
Bìa sách Cẩm nang pháp luật về cư trú. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật. |
Cuốn sách Cẩm nang pháp luật về cư trú do luật sư Phạm Thanh Hữu biên soạn sẽ giúp bạn đọc nắm được những thông tin, quy định pháp luật một cách nhanh chóng, thuận tiện về những vấn đề gần gũi, quan trọng và liên quan trực tiếp đến mọi người dân như: hồ sơ, thủ tục, các trường hợp đăng ký thường trú, tạm trú, lưu trú; hồ sơ, thủ tục, các trường hợp khai báo tạm vắng cùng một số thủ tục hành chính khác về cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú.
Cuốn sách gồm 7 chương, được biên soạn trên cơ sở Luật Cư trú do Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021; Nghị định số 62/2021/NĐ-CP, ngày 29/6/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú; Thông tư số 55/2021/TT-BCA, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú; Thông tư số 56/2021/TT-BCA, ngày 15/5/2021 của Bộ Công an Quy định về biểu mẫu trong đăng ký, quản lý cư trú...
Cuốn sách là tài liệu hữu ích, giúp người dân hiểu và thực hiện đúng các quy định về cư trú; tránh xảy ra rủi ro pháp lý, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Tủ sách Pháp luật mà Zing News giới thiệu sẽ giúp độc giả tìm hiểu sâu hơn về các luật, bộ luật hiện hành cũng như dễ dàng tiếp cận các quy định về phạt tiền, khiếu nại, tố cáo, hòa giải, đăng ký tạm trú, xử phạt hành chính…