Khi Craig Chung, nhân vật hứa hẹn trở thành uỷ viên hội đồng thành phố Sydney, gặp gỡ các cựu quan chức từ Mỹ, giới truyền thông và cử tri trong địa bàn của ông chẳng mảy may quan tâm.
Tuy nhiên, trong những sự kiện với cộng đồng người Hoa, ông Chung tỏ ra vô cùng thận trọng. Ông nghiên cứu kỹ lưỡng những người tham gia. Ông tránh né việc chụp hình chung cũng như công bố ông đã trò chuyện với những ai. Những lý do này nhằm tránh tạo khả năng ông có thể bị cáo buộc thân thiết với những đầu mối từ Bắc Kinh.
“Đó là nỗi lo sợ chung rằng chúng tôi bị quy chụp là gián điệp cho chính phủ nước ngoài”, ông Chung, 49 tuổi, nói trên New York Times.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến Australia hồi tháng 3. Ảnh: NYT. |
Cuộc săn phù thuỷ
Australia và đặc biệt là cộng đồng người Hoa gặp biến động sau hàng loạt thông tin cho rằng Trung Quốc “mua chuộc” những chính trị gia ở Australia và thao túng bầu cử ở nước này. Các cáo buộc dẫn đến những nỗ lực nhằm giám sát bầu cử để bảo đảm không có bất kỳ âm mưu thao túng nào ở Australia. Song song với đó là nỗi sợ về chiến dịch nhằm làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc có thể trở thành một cuộc “săn phù thuỷ”.
Nhiều năm qua, chính phủ Trung Quốc tìm nhiều cách tác động ở Australia, bao gồm cả dùng những kẻ đại diện, để đánh bóng hình ảnh và quảng bá quan điểm về các vấn đề ưu tiên của Bắc Kinh, như việc thống nhất với Đài Loan hay vấn đề Biển Đông. Các hoạt động này càng được đẩy mạnh dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Tập được cho là muốn lấy Australia làm điểm thử nghiệm các nỗ lực thao túng công luận cũng như tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới.
Nhiều nhà tài phiệt Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết với chính phủ đại lục tận dụng những kẽ hở trong luật vận động tài chính tranh cử của Australia để đóng góp lớn cho các đảng phái ở Australia. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng huy động sinh viên tham gia những cuộc tuần hành hoặc lên tiếng chống lại những quan điểm bài Hoa.
Tuy nhiên, một làn sóng phản đối Trung Quốc dữ dội đang nổ ra ở Australia, và công luận lên án dữ dội những nhân vật, tổ chức được cho là muốn gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Hàng loạt dự luật mới được đệ trình nhằm tăng cường chống gián điệp, loại bỏ việc nhận đóng góp chính trị có yếu tố nước ngoài, và hình sự hoá những âm mưu can thiệp vào tình hình nội bộ Australia.
Nhiều ý kiến lo ngại những thái độ quá khích sẽ khiến tình hình đi sai hướng, những cuộc tranh luận hợp pháp sẽ bị gạt bỏ mà trở thành sự nhắm tới cộng đồng người Hoa. “Vấn đề là có thật, nhưng nó dễ bị thổi phồng”, Hugh White, nhà chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, nói với New York Times.
Sinh viên Trung Quốc tại Đại học Sydney. Ảnh: AFP. |
Ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc
Ông White và nhiều chuyên gia nhận định sự hoài nghi Trung Quốc và cộng đồng người gốc Hoa tại Australia phản ánh mối lo ngại lớn hơn về thực tế địa chính trị đang xảy ra, khi Mỹ ngày càng ít tin cậy trong khi Trung Quốc đang tăng cường vai trò thống trị đối với cả nền kinh tế Australia lẫn sự thay đổi nhân khẩu học.
Trong 5 năm qua, phần lớn người nhập cư mới ở Australia là đến từ Trung Quốc. Hiện hơn 1 triệu người gốc Hoa đang sống ở xứ sở chuột túi, chiếm 5,6% tổng dân số.
Về kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, tiêu thụ đáng kể quặng sắt, than và nhiều mặt hàng khác của nước này. Lượng du học sinh Trung Quốc rất lớn cũng đóng góp đến 18 tỷ USD mỗi năm cho hệ thống các trường đại học Australia.
Do vậy, ảnh hưởng về kinh tế và văn hoá Trung Quốc là chủ đề nhạy cảm ở Australia. “Chúng tôi không biết phải nghĩ thế nào về Trung Quốc. Họ không phải là đồng minh, cũng không phải là kẻ thù. Chúng tôi đang đối mặt với một vấn đề mới so với kinh nghiệm trước đây”, ông White nói.
Nhiều tổ chức Australia cũng chưa bắt kịp “làn sóng Trung Quốc” này. Dù tự hào với nền văn hoá đa quốc gia, các trường học công tại Australia vẫn chưa giảng dạy tiếng Trung Quốc. Những thành phố như Sydney vẫn còn tình trạng tách biệt chủng tộc. Và nếu ví Quốc hội Australia như một vùng thì đây sẽ là khu vực ít đa dạng nhất so với cả nước.
Nghị sĩ Sam Dastyari từ chức do mối quan hệ với một doanh nhân Trung Quốc thân cận với Bắc Kinh. Ảnh: NYT. |
Sống trong sợ hãi
Người Hoa ở Australia không chỉ đến từ đại lục mà còn từ các nơi như Đài Loan và Hong Kong. Họ lo lắng rằng luật chống gián điệp và ảnh hưởng nước ngoài mới sẽ càng khiến sự cô lập rõ nét hơn.
Hôm 19/12, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Melbourne phải đăng “nhắc nhở an toàn” với các sinh viên từ đại lục, cảnh báo họ phòng ngừa sau nhiều “sự cố xúc phạm và tấn công sinh viên Trung Quốc gần đây”.
Nhận thức được nỗi lo lắng, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull phải công khai trấn an rằng các dự luật không nhằm cụ thể vào Trung Quốc hay người Hoa ở Australia. “Chúng tôi chỉ muốn bảo đảm nền dân chủ Australia đủ mạnh mẽ chống lại tất cả mối đe doạ từ bất kỳ đâu”, ông Turnbull nói khi công bố dự luật hôm 7/12.
Sự dè chừng Trung Quốc ảnh hưởng đến chính cả người Australia có liên quan. Thượng nghị sĩ Sam Dastyari mới đây phải từ chức khỏi quốc hội do các cáo buộc ông qua lại mật thiết với một doanh nhân Trung Quốc. Nghị sĩ Dastyari cũng là người có những phát ngôn ủng hộ lập trường của Trung Quốc ở vấn đề Biển Đông.
Nỗi nghi ngại trở nên nóng hơn trong giai đoạn tranh cử. Các đơn vị tình báo Australia bị cho là cố tình rò rỉ thông tin cho truyền thông về những ứng viên “thân Trung Quốc” tại các địa phương và cấp bang. Nhiều “ứng viên Mãn Châu” này tranh cử tại các khu vực đông cử tri là người nhập cư.
“Chúng tôi đang chứng kiến những ‘trò chính trị độc hại’ với an ninh quốc gia, vốn đã tràn ngập ở phương Tây từ sau vụ 11/9. Phản ứng thái quá sẽ dẫn đến nguy hiểm nghiêm trọng”, ông White nói.