Làn sóng chỉ trích ông Trump ngày càng dâng cao ở Washington, sau khi có thông tin ông từng yêu cầu cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey ngừng cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn với Nga.
Những người phản đối tổng thống Mỹ cho rằng hành động này của ông cản trở công lý và sẽ là lý do khiến ông bị luận tội ở Hạ viện. Tuy nhiên, mục tiêu này còn khá xa vời bởi quy trình luận tội phức tạp đòi hỏi sự thông qua của các nghị sĩ và bằng chứng để kết tội ông Trump vẫn còn mơ hồ.
Lá phiếu trong tay đảng Cộng hòa
Quốc hội sẽ là cơ quan tiến hành điều tra những cáo buộc xoay quanh người đứng đầu Nhà Trắng, thông qua công tố viên đặc biệt được chỉ định bởi Bộ tư pháp.
Ngày 18/5, Reuters cho biết Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein đã ký quyết định bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert Mueller giám sát cuộc điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử năm 2016 và có liên hệ với đội ngũ tranh cử của ông Trump.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller sẽ giám sát điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Ảnh: Getty. |
Cuộc điều tra do ông Mueller giám sát nhằm tìm ra bằng chứng và manh mối đầy đủ để buộc tội tổng thống. Những thông tin này sẽ được chuyển tới Ủy ban Tư pháp Hạ viện để cơ quan này biểu quyết thông qua.
“Không ai giỏi theo đuổi mục tiêu như Mueller, ông ấy không bị sức ép từ Quốc hội, tổng thống, truyền thông hay bất cứ ai từ FBI cũng như Bộ tư pháp”, cựu phó giám đốc FBI Philip Mudd khẳng định.
Tuy nhiên, để thu thập đủ thông tin chứng minh tổng thống phạm tội "phản bội, hối lộ hoặc gây ra tội ác", vốn là những cơ sở để luận tội, là điều không đơn giản.
Giáo sư luật Michael Gerhardt tại Đại học North Carolina nói: “Việc xác định hành động cũng như vấn đề thực sự của ông Trump là điều rất khó… Chúng ta không thể dựa vào những lời cáo buộc mang tính chính trị để luận tội ông ấy”.
Khó khăn tiếp theo của đảng Dân chủ xuất hiện trong việc tán thành quyết định luận tội. 24/41 thành viên của Ủy ban Tư pháp Hạ viện đến từ đảng Cộng hòa, điều này đồng nghĩa với việc đảng Dân chủ phải thuyết phục ít nhất 4 thành viên Cộng hòa trong ủy ban này bỏ phiếu luận tội ông Trump.
Quá trình bỏ phiếu sẽ tiếp tục ở Hạ viện, nơi yêu cầu đa phần hạ nghị sĩ, nghĩa là ít nhất 218 người đồng ý luận tội tổng thống. Tuy nhiên, chỉ có 193 thành viên Dân chủ trong cơ quan lập pháp này.
Đảng Dân chủ cần có sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa nếu muốn luận tội Tổng thống Trump. Ảnh: canslerconsulting.com. |
Phần lớn thàng viên đảng Cộng hoà vẫn đang sát cánh với ông Trump, nên rất ít khả năng ông sẽ bị Hạ viện luận tội.
“Miễn là Trump còn được đảng Cộng hoà bảo vệ thì ông ấy không bị gì cả”, David Golove, giáo sư luật tại Đại học New York nói.
Trong trường hợp một số nghị sĩ Cộng hòa đồng lòng chống lại ông Trump, ông sẽ chính thức bị luận tội, nhưng điều này không đồng nghĩa với bị phế truất.
Một phiên tòa sẽ diễn ra ở Thượng viện để các thượng nghị sĩ lắng nghe bằng chứng luận tội và quyết định phế truất tổng thống. Ông Trump chỉ bị phế truất nếu ít nhất 2/3 Thượng viện đồng ý.
Để làm được điều này, đảng Dân chủ phải thuyết phục ít nhất 19 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đứng về phía mình, điều gần như bất khả thi ở thời điểm hiện tại.
“Luận tội một tổng thống là điều rất khó khăn, đó là cách mà quy trình này được định sẵn”, giáo sư Gerhardt nhận định.
Không hoàn toàn bất khả thi
Lịch sử Mỹ từng chứng kiến hai tổng thống bị luận tội ở Hạ viện và đứng trước nguy cơ bị phế truất.
Năm 1868, chỉ 11 ngày sau khi cựu Tổng thống Andrew Johnson sa thải Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị Hạ viện luận tội và phải tham dự phiên tòa Thượng viện.
Gần đây nhất, năm 1998, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng bị luận tội do những bê bối tình ái ở Nhà Trắng.
Bê bối của cựu Tổng thống Clinton đã làm rúng động chính trường Mỹ. Ảnh: AP. |
Ông Clinton bị luận tội với hai tội danh gồm gian dối trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý, sau khi nói dối về cuộc tình vụng trộm với cô thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky rồi bắt cô này khai man.
Tuy nhiên, tại phiên tòa Thượng viện, không một nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu đồng ý phế truất, vì vậy ông Clinton vẫn giữ chức tổng thống tới hết nhiệm kỳ.
Tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ từ chức là Richard Nixon. Khi nhận thấy Ủy ban Tư pháp Hạ viện bỏ phiếu thông qua phán quyết luận tội với sự đồng ý từ cả những thành viên đảng Cộng hòa của mình, ông Nixon tuyên bố từ chức.
Tại thời điểm đó, đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Quốc hội đã hợp sức cùng đảng Dân chủ để luận tội tổng thống.
Đối với trường hợp của ông Trump, một khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa bị gây sức ép hoặc muốn bảo vệ hình ảnh của đảng trước những bê bối của tổng thống Mỹ, họ sẽ sẵn sàng bỏ phiếu chống lại ông.
Euronews khẳng định dù phe Cộng hòa đang chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ, bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm 2018 và là cơn ác mộng đối với ông Trump khi đảng Dân chủ có cơ hội nắm quyền ở cả 2 viện.
Chuyên gia luật hiến pháp Bonifaz khẳng định: "Nhiều nghị sĩ đang cảm thấy có vấn đề. Tôi nghĩ quy trình luận tội ông Trump ở Hạ viện chỉ là chuyện sớm hay muộn, nó chắc chắn sẽ diễn ra".