Trả lời đại biểu Quốc hội Phạm Ngọc Ninh (đoàn Ninh Thuận) về vấn đề lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho hay loại hình tội phạm này đang diễn biến phức tạp.
"Lừa đảo đầu tiên là qua mạng viễn thông, qua tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo hay qua thư điện tử. Có rất nhiều trường hợp đề cập chuyện người bị hại được thừa kế nhiều triệu USD và đề nghị phải nộp một số tiền nhất định để được lấy thừa kế", Bộ trưởng Hùng cho hay.
Theo Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, cơ quan chức năng đã xây dựng biện pháp ứng phó chủ động với tình trạng lừa đảo trên mạng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng theo Bộ trưởng, giải pháp ngăn chặn đầu tiên phải là giải pháp kỹ thuật đến từ các nhà mạng.
"Giải pháp ngăn chặn đầu tiên là tập trung vào cùng với các nhà mạng dùng các hệ thống chọn lọc, tự động phát hiện thông minh về mặt kỹ thuật", ông nhận định.
"Tất nhiên trong các trường hợp như đại biểu đề cập, bên cạnh việc cung cấp các thông tin chứng cứ chứng cứ vi phạm của nhà mạng sang Bộ Công an, Bộ TT&TT cũng phải có biện pháp răn đe, xử lý", Bộ trưởng TT&TT nói.
Về cuộc gọi lừa đảo, người đứng đầu Bộ TT&TT cho hay hiện các nhà mạng có quy định rất chặt chẽ về việc cung cấp thông tin cho Bộ Công an, các chi tiết cuộc gọi, thời gian thực hiện.
Với lừa đảo trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết việc chặn lọc sẽ khó khăn hơn, đặc biệt là trên các mạng xã hội nước ngoài vì thiếu công cụ phát hiện.
"Rất may là giờ chúng ta đã xây dựng được một trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia với năng lực xử lý hiện là 100 triệu tin mỗi ngày. Chúng tôi đang nâng cấp, áp dụng trí tuệ nhân tạo để có thể sàng lọc phát hiện được một số biểu hiện của chuyện lừa đảo và tiếp theo đó các biện pháp để xử lý", ông chia sẻ.
Trong nhiều tháng vừa qua, người dùng viễn thông đã tố cáo hàng loạt trường hợp lừa đảo qua cuộc gọi, thư điện tử với hình thức tương tự nhau. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh tổng đài bưu chính, thông báo tới khách hàng về việc khách hàng có bưu phẩm vi phạm pháp luật và sẽ nối máy với công an để phối hợp điều tra.
Sau đó, nạn nhân sẽ được nối máy với một đối tượng giả danh công an, hù dọa nạn nhân và yêu cầu gửi tiền để được bảo lãnh, dừng điều tra. Nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo hàng tỷ đồng thông qua hình thức này.