Hôm 13/7, Indonesia ghi nhận 47.899 trường hợp mắc Covid-19 mới trong 24 giờ, vượt qua Ấn Độ và trở thành tâm dịch lớn nhất châu Á.
Tuần đầu tháng 7, tỷ lệ số người dương tính với virus corona trên tổng số mẫu xét nghiệm ở xứ sở vạn đảo dao động quanh ngưỡng 30%.
Bất chấp các nhà chức trách đang chạy đua để bổ sung giường bệnh, hệ thống y tế Indonesia đứng trước bờ vực sụp đổ.
Trên khắp cả nước, nhiều nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung oxy và phòng cách ly. Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế (IFRC) cho biết các bệnh nhân phải di chuyển hàng giờ để có thể tìm được cơ sở y tế tiếp nhận
“Mỗi ngày, chúng tôi đều thấy biến chủng Delta đẩy Indonesia đến gần hơn bờ vực của thảm họa Covid-19”, ông Jan Gelfand, lãnh đạo IFRC tại Indonesia, cho biết.
Những người đào mộ khiêng quan tài của nạn nhân nghi mắc Covid-19 tại nghĩa trang ở Semarang, Indonesia. Ảnh: Wall Street Journal. |
“Tôi phải chọn bệnh nhân để cứu chữa"
Biến chủng Delta, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn gấp đôi so với chủng Covid-19 ban đầu được ghi nhận ở Trung Quốc, đã có mặt ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện giới chức Indonesia phát hiện các ca mắc Covid-19 liên quan đến biến chủng này trên 4 hòn đảo đông dân nhất nước, bao gồm Java, Sumatra, Sulawesi và Kalimantan.
Trong bối cảnh đó, hệ thống y tế Indonesia phải căng mình để chống chọi với đại dịch.
Cuộc khủng hoảng có thể còn trở nên tồi tệ hơn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số bác sĩ bình quân đầu người ở Indonesia chỉ bằng một nửa so với Ấn Độ - tâm chấn dịch bệnh trước đây.
Là người đứng đầu phòng cấp cứu tại Bệnh viện Muhammadiyah Lamongan ở tỉnh Đông Java, bác sĩ Corona Rintawan cho biết gần đây ông phải lựa chọn giữa 4 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng để đưa vào giường chăm sóc đặc biệt cuối cùng.
Ông phải chọn một người đàn ông 60 tuổi không mắc bệnh nền gì, thay vì một người bị bệnh thận và 2 người già. Hai trong số 3 người sau đó đã chết vì suy hô hấp tại bệnh viện.
“Tôi phải chọn người bệnh có nhiều khả năng được cứu sống nhiều hơn”, ông nói.
Trong khi đó, bác sĩ Ririek Andri cho biết mỗi ngày bệnh viện ở tỉnh Banten nhận được hàng chục cuộc gọi từ các gia đình ở thủ đô Jakarta gần đó. Nhiều người đang khẩn cầu tìm giường bệnh để cứu người thân của họ.
Thế nhưng các bệnh viện đã không còn đủ phòng hồi sức tích cực, trong khi bệnh nhân Covid-19 nằm chật kín ở mọi không gian có thể, ngay cả trên sàn bệnh viện.
"Chúng tôi còn có thể làm gì được nữa?, ông Ririek Andri nói trong bất lực.
Nhân viên y tế chuyển bình dưỡng khí tới một lều điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Mast Irham. |
Bác sĩ Galuh Chandra Kirana Sugianto, làm việc tại bệnh viện tư nhân ở Jakarta, đánh giá tình hình hiện tại là "ngoài tầm kiểm soát". Sugianto cho biết đôi khi cô cảm thấy bất lực khi không thể giúp đỡ bệnh nhân trong tình cảnh thiếu thốn trang thiết bị, đặc biệt là máy thở.
Cô cho hay tuổi tác, tình trạng hôn nhân và tiền sử sức khỏe là những yếu tố được tính đến khi các bác sĩ quyết định ai có thể được dùng máy thở.
"Những người trẻ tuổi sẽ được ưu tiên. Họ sẽ được hỏi xem đã kết hôn hay còn độc thân. Chúng tôi sẽ chọn người trụ cột gia đình, vẫn còn trẻ, không có bệnh nền và có cơ hội phục hồi cao hơn", cô nói với tờ Straits Times. "Chúng tôi phải chọn bệnh nhân để cứu”.
Hàng loạt lều được dựng tạm ở Jakarta và các vùng khác trên đảo Java, như Bekasi ở Tây Java, Solo ở Trung Java, khi các bệnh viện không còn đủ chỗ để điều trị bệnh nhân.
Nền tảng dữ liệu công dân LaporCovid-19, ứng dụng giúp mọi người tìm giường bệnh, cho biết họ không thể tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ nữa, vì các tình nguyện viên rất khó khăn để tìm kiếm giường trống.
Cuối tháng 6, các tình nguyện viên của LaporCovid-19 đã gọi đến 95 bệnh viện ở khu vực Jakarta để tìm giường chăm sóc đặc biệt cho một người đàn ông 59 tuổi cần máy thở.
Vì không bệnh viện nào có thể tiếp nhận nên bệnh nhân này tử vong ngay sau đó.
Trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải, nhiều gia đình đã phải tự mua bình oxy để chăm sóc người thân
Chính phủ Indonesia cũng xúc tiến phương thức khám chữa bệnh từ xa cho các ca mắc Covid-19 cách ly tại nhà.
Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin khuyến cáo những bệnh nhân Covid-19 với triệu chứng nhẹ nên ở nhà vì rủi ro lây nhiễm virus tại bệnh viện thường cao hơn thông thường.
"Nếu bệnh nhân có độ bão hòa oxy trong máu trên 95%, không bị khó thở, và không có bệnh lý nền, tốt hơn là vẫn nên tự cách ly tại nhà", vị bộ trưởng nói.
Bệnh nhân nghỉ ngơi tại căn lều dựng tạm bên ngoài bệnh viện ở Bekasi, ngoại ô Jakarta. Ảnh: Reuters. |
Săn tìm vaccine
Trong bối cảnh đó, việc triển khai tiêm vaccine, lá chắn giúp bảo vệ người dân chống Covid-19, lại gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn cung.
Sự xuất hiện của biến thể Delta đang gieo rắc nỗi kinh hoàng tại Indonesia, trong khi nhu cầu về tiêm chủng ngày càng cao.
Ở Tangerang, ngoại ô thủ đô Jakarta, hàng dài người từ khắp nơi đã tụ tập bên ngoài một trung tâm tiêm chủng vào cuối tháng 6. Cảnh sát phải có mặt để yêu cầu đám đông tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Chính quyền địa phương sau đó cũng tuyên bố vaccine sẽ chỉ được cung cấp cho cư dân trong khu vực, khi họ tìm cách ngăn cản luồng di chuyển của người dân từ các nơi lân cận.
Hiện Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, mới có khoảng 5,5% trong tổng số 270 triệu dân được tiêm chủng đầy đủ.
Trong khi đó, hàng loạt y bác sĩ đã tiêm vaccine vẫn mắc bệnh và qua đời. Chính phủ cho biết họ sẽ tiêm liều vaccine thứ ba, của Moderna, cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế bắt đầu từ tuần này.
Ngày 13/7, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), bà Penny Lukito, cho biết nước này đang xem xét cấp phép sử dụng thêm nhiều loại vaccine, bao gồm Pfizer và Sputnik-V.
Đầu tháng 7, Nhật Bản cũng thông báo viện trợ Indonesia 1 triệu liều vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca. Mỹ cũng cam kết tặng 4 triệu liều Moderna giữa lúc quốc gia đông dân thứ tư thế giới rơi vào khủng hoảng vì dịch bệnh.
Một phụ nữ khóc bên ngôi mộ người thân qua đời vì Covid-19 ở nghĩa trang Rorotan, Jakarta. Ảnh: AP. |
Bộ Y tế Indonesia cho biết chính phủ nước này dự kiến đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, để đạt mục tiêu tiêm chủng ít nhất một liều vaccine cho 181,5 triệu người vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Sadikin cảnh báo tiêm chủng không hoàn toàn bảo vệ con người khỏi nguy cơ mắc Covid-19, nhưng có thể giúp cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể, qua đó tăng hiệu quả trong ứng phó với dịch bệnh.
"Mọi người vẫn có nguy cơ mắc Covid-19 sau khi tiêm chủng, nhưng nhờ hệ miễn dịch cơ thể hoạt động hiệu quả hơn, người mắc Covid-19 sẽ chỉ bị bệnh nhẹ, hay thậm chí không có triệu chứng", ông Sadikin cho biết.