Theo Variety, Søren Haraldsted và Daniel Karpantschof - hai chuyên gia vũ khí của công ty Copenhagen Industries - từ lâu đã cho ra đời Violette, thiết bị chứa khí oxy, propan có khả năng tạo tia lửa, tiếng nổ, độ giật vật lý.
Violette được gắn bên trong khẩu súng giả. Hay như cách Haraldsted và Karpantschof gọi nó là đạo cụ giả được mô phỏng theo đồ thật. Thiết bị này mang lại cảm giác tương tự khi diễn viên bắn súng thật trên phim trường.
Hai nhà phát minh đã giới thiệu công nghệ độc quyền cho giới lãnh đạo phim ảnh, các ngôi sao, đem ra bàn luận ở hội nghị, triển lãm thương mại và mời chào nhà đầu tư.
"Với Violette, chúng tôi loại bỏ tất cả hạn chế của việc dùng súng thật và thay thế bằng công nghệ mới cho diễn viên, đạo diễn và giám đốc hình ảnh. CGI ngày càng phát triển, đó là sự thật, nhưng hiệu ứng thực tế ở trường quay sẽ đem đến hiệu quả tối ưu hơn", Karpantschof phát biểu.
Hành trình gian truân của Violette
Søren Haraldsted nảy ý tưởng chế tạo Violette sau khi đảm nhận vị trí kỹ thuật viên và bậc thầy vũ khí cho phim Flame & Citron (2008).
Phim lấy bối cảnh trong thời kỳ Đức Quốc xã chiếm đóng Đan Mạch vào Thế chiến 2. Haraldsted có nhiệm vụ chuyển vũ khí từ Copenhagen đến điểm quay ở Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, anh đã bị cảnh sát truy nã về tội buôn bán vũ khí.
Kết quả điều tra cho thấy do nhân viên hải quan không gửi giấy xác nhận mục đích sử dụng của vũ khí là để quay phim, nên khiến Haraldsted chịu trận. Trải nghiệm khó quên này làm Haraldsted nghĩ tới cách lưu trữ thiết bị thông minh hơn để không bị "sờ gáy". Và sau đó, Violette, một loại vũ khí giả, ra đời.
Daniel Karpantschof - CEO kiêm đồng sáng lập công ty Copenhagen Industries. Ảnh: The Development of Violette. |
Mùa thu năm 2015, Haraldsted và Karpantschof chuẩn bị đạo cụ demo và đoạn video giới thiệu về Violette. Họ đặt mục tiêu huy động 5 triệu USD vốn với tham vọng biến Violette thành tiêu chuẩn mới của ngành phim ảnh, thay thế cho súng thật.
Trong hơn 4 năm, hai người đàn ông đã đưa sản phẩm đến tay Disney Accelerator (mô hình phát triển công nghệ cho Disney), Netflix, Smith Family Circle (công ty của vợ chồng Will Smith) và Millennium Films. Tuy nhiên, các công ty đều chung câu trả lời: "Chúng tôi muốn sản phẩm, chúng tôi không muốn tài trợ".
Sau bữa tiệc năm 2019 ở Los Angeles, Karpantschof gặp nam diễn viên Harrison Ford và John Plunkett - Giám đốc sáng tạo của Wired Magazine, người nổi tiếng trong các khoản đầu tư kỳ quặc.
Karpantschof nhớ lại lần đó: "Tôi kể với Ford rằng bản thân vất vả nhiều năm để sáng chế vũ khí an toàn 100% cho diễn viên và nhân viên đoàn phim. Ford nghe xong liền đáp: 'Những gì bạn miêu tả không thể hiện thực hóa. Nhiều người đã thử nhưng không thành công'".
Ngay cả khi Karpantschof cho ngôi sao Indiana Jones 5 xem clip giới thiệu cách Violette hoạt động, anh cũng nhận được câu trả lời phũ phàng: "Thứ bạn cho tôi xem không có thật. Đó là kỹ xảo CGI".
Karpantschof khẳng định Violette tạo ra tia lửa vô hại, không làm ảnh hưởng tới con người nhưng không ai tin anh. Ảnh: The Development of Violette. |
Buồn, thất vọng vì bị từ chối nhưng hai người đàn ông Đan Mạch không nản lòng. Họ tiếp tục gửi sản phẩm đến giám đốc sản xuất của studio danh tiếng và được khen hiệu ứng ánh sáng Violette đem lại.
Vị giám đốc kết luận Violette là chọn lựa lý tưởng cho cảnh quay đêm đối với nhiều diễn viên, ví dụ như trong kịch bản quân sự. Dẫu vậy, cách thức hoạt động của thiết bị cần thời gian để hoàn thiện hơn.
Trả lời Variety, Karpantschof cho biết anh hoan nghênh phản hồi từ người trong nghề. Công nghệ của Violette tính theo đơn vị, mỗi đơn vị 3.500 USD. Mô hình sản xuất Violette cần nhiều tiền để phát triển.
Violette được đón nhận sau tai nạn trên phim trường Rust
Theo Variety, cặp bài trùng người Đan Mạch đã thu nhỏ tham vọng gọi vốn xuống còn một triệu USD, nhằm thu hút nhà đầu tư rót tiền vào Violette. Tuy nhiên, họ tiếp tục bị thờ ơ.
Tháng 12/2020, Karpantschof và Haraldsted đóng cửa công ty Copenhagen Industries do không huy động được vốn. Mãi đến ngày 21/10, khi vụ Alec Baldwin vô tình bắn chết Halyna Hutchins gây chấn động Hollywood, hai chuyên gia vũ khí mới trở lại tham vọng sản xuất Violette.
"Tai nạn xảy ra vào ban đêm ở Copenhagen. Lúc đó, những người bạn từ Mỹ đã nhắn tin và gửi link bài viết cho tôi. Tôi nghĩ chuyện này từng liên quan đến mình, nhưng giờ không còn nữa", Karpantschof chia sẻ.
Đến 7 giờ sau, Karpantschof bất ngờ nhận được hàng loạt email từ các nhà đầu tư tiềm năng. Và anh tự nhủ: "Không đời nào tôi bỏ qua cơ hội này".
Alec Baldwin không giữ được bình tĩnh sau vụ tai nạn trên phim trường Rust ngày 21/10. Ảnh: Thewhitonline. |
Variety đưa tin hồi tuần trước, công ty của Karpantschof và Haraldsted được một gia đình ở châu Âu tài trợ một triệu USD để phát triển Violette. Họ sẽ nhận thêm 4 triệu USD trong vài tuần nữa.
Hiện tại, công ty của họ dự kiến kéo dài quy trình sản xuất Violette từ 6 đến 9 tháng để nhà làm phim có thời gian suy nghĩ, trước khi quyết định nên thay súng thật bằng thiết bị này hay không.
Karpantschof nêu quan điểm: "Vũ khí luôn là thứ không thể thiếu trong cách kể chuyện trên phim, dù đó là thanh kiếm Holy Lance hay búa của Thor. Nhưng nó quá đắt, cồng kềnh và nguy hiểm. Nếu làm việc với vũ khí dễ dàng và an toàn hơn, chúng ta sẽ khai thác được nhiều khía cạnh hay ho cho tác phẩm".
Hai người đàn ông đến từ Copenhagen cho rằng sự phát triển không ngừng của vũ khí khiến vấn đề giữ an toàn và tuân thủ quy trình kiểm tra, sử dụng súng ngày càng phức tạp, từ đó phát sinh rủi ro. Vụ Alec Baldwin bắn chết người là ví dụ.
"Cơn ác mộng của nhà sản xuất phim điện ảnh và truyền hình là không chắc chắn trong vấn đề bảo đảm an toàn súng", Karpantschof nói.
Qua đây, Karpantschof và Haraldsted củng cố thêm niềm tin rằng thiết bị Violette mang tính khả thi hơn cả. Karpantschof nhấn mạnh: "Sáng kiến của chúng tôi cho phép người dùng xem Violette như công cụ sáng tạo, thay vì loại vũ khí nhiều hạn chế".