Sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020, lượng nước tại lưu vực sông Mekong tiếp tục giảm dù đã bước vào mùa lũ.
Ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nhận định người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn sớm và gay gắt trong mùa khô năm nay, đồng thời trải qua mùa lũ với mực nước thấp kỷ lục.
Lũ thấp nhất kỷ lục
Theo ông Long, do ảnh hưởng của bão số 5, khu vực trung lưu sông Mekong có mưa rất lớn. Lượng mưa tập trung chủ yếu trong ngày 19/9 khiến mực nước tại các trạm trung lưu lên nhanh với biên độ 1,5-2,5 m. Tuy nhiên, mực nước này vẫn thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 1,15-2 m.
Dựa trên việc phân tích khí quyển có xu hướng chuyển sang pha lạnh (La Nina, trạng thái nước biển lạnh hơn một cách bất thường), ông Long dự báo cuối tháng 9 và đầu tháng 10, lượng nước trên lưu vực sông Mekong có thể được cải thiện.
Người dân ở ĐBSCL có thể đối diện với mực nước lũ thấp kỷ lục trong 10 năm qua. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Tuy nhiên, vào đầu mùa lũ, các hồ chứa bắt đầu tích nước theo quy trình. Có sự gia tăng đóng góp dòng chảy của mưa nhưng nền tài nguyên nước trên lưu vực nửa đầu mùa lũ đang ở mức rất thấp, nên mực nước dọc dòng chính sông Mekong không thể tăng cao. Các hồ chứa vẫn phải tích nước để đảm bảo phát điện trong mùa khô tới.
Chuyên gia dự báo những tháng tiếp theo, vùng hạ lưu sông Mekong tiếp tục có mưa; tuy nhiên, tổng lượng mưa trên toàn lưu vực sông vẫn thiếu nhiều so với trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long được dự báo ở mức thấp, dưới báo động 1 và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10, sau đó giảm nhanh.
Theo đánh giá sơ bộ, tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% so với trung bình nhiều năm, thiếu 130 tỷ m3 nước và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%.
Chuyên gia dự báo ĐBSCL có thể trải qua mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long lên theo triều, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3. Một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt là thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long vẫn có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.
Xâm nhập mặn gay gắt
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy những tháng mùa khô 2020-2021 từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thiếu hụt 20-35% so với trung bình nhiều năm và tương đương năm 2019.
"Tình trạng thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và gay gắt", ông Vũ Đức Long nói.
Dù vậy, dự báo khí quyển cho thấy xu hướng chuyển sang pha lạnh (La Nina) có thể gây mưa trái mùa dồn dập cho ĐBSCL. Lượng mưa trong các tháng mùa khô tại khu vực có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm và tình hình xâm nhập mặn cũng ít khốc liệt hơn năm 2019.
Chuyên gia dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL ít khốc liệt hơn năm 2019 nhưng vẫn đến sớm và gay gắt. Ảnh: Việt Tường. |
Theo ông Long, xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có thể xuất hiện sớm từ khoảng đầu tháng 12 và tập trung vào tháng 2/2021, cụ thể các ngày 10-14/2/2021 và 24-28/2/2021. Riêng các sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn, xâm nhập mặn tập trung vào tháng 3 và 4.
"Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở ĐBSCL, đặc biệt tại một số huyện ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh", ông Long cho biết.
Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, chuyên gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.
Trường hợp cực đoan, mưa trái mùa xảy ra ít, kết hợp với việc sử dụng, khai thác tài nguyên nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập vùng thượng nguồn gia tăng thì tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra tương tự mùa khô năm 2019-2020 và có thể còn gay gắt hơn.