Thị trường bánh trung thu chia hai loại rõ rệt: bánh để ăn và bánh để biếu tặng thường có bao bì đẹp, sang trọng. Giá cả vì thế cũng khác nhau một trời một vực.
Không biếu không được
Giám đốc một công ty chuyên về văn phòng phẩm cho biết, hằng năm đều phải đặt một số lượng lớn bánh trung thu để biếu tặng đối tác. Và kinh phí này đều tăng qua mỗi năm, dù ông yêu cầu văn phòng cắt giảm số lượng để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
“Cô kế toán nói tiền tăng lên do giá bánh tăng chứ không phải số người được biết nhiều hơn. Nếu chuyển qua giá rẻ hơn, hộp tặng lại không đẹp, quà biếu kém trang trọng”, ông này nói.
Theo bà Nguyễn Ngọc Thúy, chủ thương hiệu bánh mứt Thành Long, nhóm khách hàng công ty, xí nghiệp chiếm hơn 60% sản lượng bánh bán ra thị trường của công ty. “Mảng bán lẻ cũng có tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng sức mua lẻ tăng không đều, có địa bàn tăng 30% nhưng lại có nơi giảm đến 20%”, bà Thúy nói.
Còn đại diện bánh kẹo Kinh Đô cho biết, lượng bánh bán ra theo hợp đồng cho các công ty chiếm phần lớn so với tiêu thụ qua kênh bán lẻ ở các cửa hàng, đại lý, siêu thị.
Tại cửa hàng bánh Brodard (Nguyễn Thiệp, quận1, TP HCM), chị Mai Hoa, một khách hàng, đang chọn mua bánh trung thu để làm quà biếu đối tác.
“Mùa này tặng bánh trung thu là hợp nhất nên dù có đắt chút cũng ráng. Quan trọng không chỉ bánh ngon hay dở mà hộp phải đẹp”, chị Mai Hoa chia sẻ sau khi tính tiền cho tám hộp bánh với hóa đơn gần 6 triệu đồng.
Năm nay, theo báo giá mới của các nhà sản xuất, giá bánh trung thu tiếp tục tăng 3 - 12% so với năm ngoái. Giá bánh của các khách sạn 5 sao từ 900.000 - 1,3 triệu đồng một hộp, nhưng bánh thường có trọng lượng nhỏ, 100-150 gam.
Trong khi đó, giá bánh trung thu bình dân trên thị trường dao động từ 36.000-80.000 đồng một cái, loại hai trứng giá khoảng 120.000-160.000 đồng một cái. Đối với các dòng bánh sang trọng, cao cấp, giá từ 600.000-2.200.000 đồng một hộp, có kèm rượu, trà thì giá cũng khác.
Chọn mua bánh trung thu tại điểm bán ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định. |
Đắt do cái... hộp
Theo thống kê, trong tổng số lượng bánh bán ra ở mỗi doanh nghiệp, dòng sản phẩm trung và cao cấp chiếm gần 50%, chủ yếu cho các công ty mua tặng khách hàng và đối tác. Không ít nhà sản xuất sẵn sàng “nổ” ngất trời, “lên đời” cho bánh trung thu lên hàng cao lương mỹ vị, bằng cách kê những nguyên vật liệu “độc, lạ” vào nhân bánh trung thu.
Ngoài các loại bánh truyền thống, người mua có thể tìm thấy những loại bánh trung thu phù hợp với xu thế hiện đại, như bánh trung thu trà xanh quả mơ, bánh đậu đỏ Nhật Bản, có thêm củ cải đường, phô mai và chocolate trắng, bánh nhân ngọt có các loại hạt như mắc ca, hạt dẻ, hạt thông...
Đặc biệt, nhân bánh cao cấp còn được nhà sản xuất quảng cáo làm từ nguyên vật liệu cao cấp như tổ yến, vi cá, bào ngư, trứng cá hồi, hải sâm, hạnh nhân...
Cứ nguyên liệu nào đang “sốt” thì chắc chắn sẽ xuất hiện vào nhân bánh trung thu. Năm nay, khi tỏi đen đang còn tranh cãi về tác dụng, thị trường đã có bánh trung thu nhân tỏi đen, trước đó có bánh trung thu collagen, bánh trung thu trà xanh... Những chiếc bánh vì thế cũng được nâng giá lên bạc triệu, cho dù thực hư tỷ lệ các thành phần trong nhân bánh không nhà sản xuất nào công bố.
Với giá bánh dòng cao cấp dùng biếu tặng thường từ 1 triệu đồng trở lên thì chi phí, quảng cáo, marketing, chi phí cố định... chiếm gần 50% giá bán. Trong đó, giá thành cao nhất dành cho vỏ hộp ở dòng bánh cao cấp chiếm tỉ lệ 30%. Cá biệt một số loại sản phẩm của các công ty, giá để làm ra hộp bánh chiếm tới 40% tổng giá trị hộp bánh. Tính ra giá thực của bánh trung thu cao cấp chỉ chiếm khoảng 20% giá bán.
Đồ họa: Tấn Đạt. |
“Bánh 5 sao” dành cho biếu tặng
Người tiêu dùng thường chia thị trường bánh trung thu ra hai loại: loại để ăn và loại để biếu, tặng. Người mua bánh tặng cần chọn thương hiệu nổi tiếng và chấp nhận trả số tiền lớn cho chiếc hộp. Sự khác biệt giữa hãng này hay hãng khác cũng như giữa dòng cao cấp hay bình dân gần như được quyết định bởi vỏ hộp.
Cuộc đua về xu hướng, độ sang của các hãng nằm ở khâu thiết kế vỏ hộp, nên mới có những quảng cáo ấn tượng, như vỏ hộp bằng da Ý nhập khẩu; hộp bánh được thiết kế bằng chất liệu gỗ, sơn mài, hay nhôm dập nổi cao cấp... Và người tiêu dùng đang trả giá cao cho bề ngoài này.
“Nếu đặt một hộp bánh cao cấp của một thương hiệu phổ thông có giá đến 3 triệu đồng một hộp với hộp bánh 1,2 triệu của một khách sạn 5 sao, người tặng vẫn thấy 'bánh 5 sao' sang hơn. Đó là tâm lý tiêu dùng, tâm lý đẳng cấp”, chị Mai Hoa nhận xét.
Cũng chính vì hơn nhau thương hiệu, bao bì mà những mùa trung thu gần đây, thị trường còn có sự góp mặt của một số loại bánh trung thu nhập khẩu của Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... Các khách sạn, nhà hàng nhập bánh từ các nước về rồi làm thương hiệu, không quan trọng ngon dở, có hợp gu hay không, miễn hộp đẹp, gắn thương hiệu 5 sao ắt sẽ bán tốt.
Tuy nhiên, giám đốc kinh doanh của một khách sạn 5 sao tại TP HCM thừa nhận, những loại bánh cao cấp này chủ yếu để biếu, nếu để ăn khách sẽ không chọn mua, bởi giá khá “chát”. Ngoài chuyện giá, nếu mua bánh để ăn, người tiêu dùng sẽ tìm đến thương hiệu quen thuộc với hương vị ưa thích.
Ông Nguyễn Bảo Thiện (huyện Bình Chánh, TP HCM):
Đưa bánh trung thu về giá trị thật
Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1980, mọi học sinh ở quê đều có thể mua được bánh trung thu và cảm nhận được mùa trung thu đúng nghĩa, do những chiếc bánh vừa túi tiền. Còn bây giờ bánh những ngày đầu mùa trung thu đắt quá. Gia đình ở vùng quê đâu dám mua cho con ăn mà phải chờ giá giảm xuống thì mới được thưởng thức hương vị của mùa trung thu.
Chị Nguyễn Thị Nga (quận Phú Nhuận, TP HCM):
Nhớ hương vị truyền thống
Những năm trước, tôi hay lựa mua loại bánh ít béo, ít ngọt vị ngon, mắc một chút cũng được nhưng dù sao vẫn không thể nào ngon bằng vị bánh truyền thống ngày xưa. Năm nay, bạn bè trên Facebook giới thiệu loại bánh với cam kết làm ngon đúng kiểu vị truyền thống ngày xưa, đảm bảo vệ sinh nên cũng muốn mua thử coi sao.
Nhân bánh xuất xứ từ Trung Quốc
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan này vừa bắt giữ một lô nhân bánh trung thu từ Trung Quốc với khoảng 980 kg tại một kho thực phẩm khu vực Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Đắc Lộc, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết, đang làm rõ xem số nhân bánh trung thu dự kiến được giao cho các cơ sở sản xuất bánh nào để xem xét xử lý.
Cũng theo ông Lộc, cơ quan này sẽ tiếp tục phát hiện các vụ buôn lậu, vận chuyển nguyên liệu cũng như mặt hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc.