Psychological Science đưa tin các nhà tâm lý của Đại học Harvard thực hiện một thử nghiệm để kiểm ra mức độ trung thực của con người trong các buổi của một ngày. Họ yêu cầu một nhóm thanh niên (gồm cả nam và nữ) đếm những chấm khi chúng xuất hiện bên phải hoặc bên trái màn hình máy tính. Sau đó họ phải báo cáo về việc số lượng chấm xuất hiện nhiều hơn ở bên phải hay bên trái. Hoạt động đếm vào báo cáo diễn ra nhiều lần.
Nếu muốn biết sự thật, chúng ta không nên hỏi người khác vào buổi tối. Ảnh: sheknows.com. |
Sau mỗi lần nhóm nghiên cứu lại đưa cho họ một số tiền. Đây không phải là phần thưởng cho những người trả lời chính xác số lượng chấm bên nào nhiều hơn. Thay vào đó, những người nói số lượng chấm bên phải lớn hơn sẽ nhận khoản tiền gấp 10 lần những người nói số lượng chấm bên trái lớn hơn. Cơ chế trao tiền này khuyến khích nhóm thanh niên nói dối để nhận nhiều tiền.
Khi thử nghiệm diễn ra vào buổi sáng, số người nói dối thấp hơn rõ rệt so với khi thử nghiệm diễn ra vào buổi chiều.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy mức độ trung thực của con người phụ thuộc vào từng thời điểm trong một ngày. Quy luật này thể hiện rất rõ rệt ở những người trung thực", nhóm nghiên cứu nhận xét.
Để kiểm tra xem những tình nguyện viên thực sự suy nghĩ nhiều về đạo đức vào buổi sáng và buổi chiều hay không, nhóm nghiên cứu yêu cầu họ điền những chữ thiếu trong hai từ trên giấy. Hai từ này gồm E_ _ _ C _ _ và _ _ RAL.
Đa số những người điền từ vào buổi sáng có xu hướng đoán hai từ là ETHICAL và MORAL (đều có nghĩa là "đạo đức"). Ngược lại, đa số người điền từ vào buổi chiều đoán hai từ là EFFECTS (tác động) và CORAL( san hô). Như vậy, rõ ràng vào buổi sáng con người nghĩ nhiều tới phạm trù đạo đức hơn so với buổi chiều.