Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo được viết bởi tác giả, bác sỹ tâm lý Mộ Nhan Ca. Cuốn sách là góc nhìn khác về cuộc đời và lòng người. Bởi cuộc đời của mỗi người mỗi khác, ai ai cũng phải tự mình trải qua, tự rút ra bài học nhân sinh cho bản thân.
Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích một phần cuốn sách gửi tới độc giả.
Bạn nên tốt bụng nhưng cứng rắn
Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.
Tôi có một người bạn làm dự án giáo dục mầm non ở Bắc Kinh, anh thường phải bay đến nhiều thành phố trên cả nước công tác từ lúc sáng bảnh mắt. Tinh mơ hôm ấy, tôi bắt đầu lướt WeChat theo thói quen, thấy anh vừa đăng một status thế này:
"Hổn hà hổn hển bắt kịp chuyến tàu sớm nhất, lưng áo ướt đẫm. Khó khăn lắm tôi mới tìm được chỗ của mình, một ông cụ tuổi ngoài tám mươi đã ngồi ở đó.
- “Ông ơi, vé của ông không phải là ghế này đúng không ạ?”.
- “Ừ, đi gấp quá, tôi đã mua vé đứng. Bắt kịp chuyến tàu nào thì đi chuyến đó thôi".
- “Ông xuống tàu ở đâu ạ?”.
- “Thạch Gia Trang, cũng không xa lắm. May quá, tàu sắp chạy rồi mà ghế này vẫn chưa có ai ngồi".
Tôi muốn nói lại thôi, lặng lẽ rời đi, cứ để ông cụ yên tâm ngồi vậy".
Nhân tính ẩn giấu một thứ cảm xúc dịu dàng mà mạnh mẽ là lòng tốt, có thể khiến những người xa lạ chưa tin tưởng nhau hạ hàng rào cảnh giác và phòng bị trong lòng xuống.
Lòng tốt là một loại lương tri, một loại bản tính, nó đứng trên cả đạo đức. Ảnh: TinyBuddha. |
Đúng như Viktor Rozov (Nhà văn, nhà viết kịch người Nga, tác giả kịch bản của bộ phim kinh điển Khi đàn sếu bay qua) đã nói: “Dòng chảy ấm áp đầy xúc động từ lòng tốt của nhân loại có thể chữa lành các vết thương tâm hồn và thể xác”.
Lòng tốt là một loại lương tri, một loại bản tính, nó đứng trên cả đạo đức. Thế nhưng, tôi cũng không chỉ một lần gặp phải những tình cảnh khác.
Ví dụ, thầy giáo đánh giá học sinh là “Em ấy rất tốt tính”, nào ngờ, phụ huynh của đứa trẻ trả lời với vẻ dửng dưng: “Trong xã hội hiện nay, tốt tính có tác dụng gì chứ? Chỉ có kẻ bất tài nhất hạng mới tốt tính thôi!”.
Tôi muốn nói rằng, không phải tốt bụng không hay, mà là phương thức đối xử với lòng tốt hiện nay của chúng ta chưa đúng, đến nỗi có một thời gian, câu danh ngôn của Emerson:
“Lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo, nếu không chẳng khác nào con số không tròn trĩnh” tràn ngập trên WeChat. Loáng cái nó đã chọc trúng chỗ đau ngầm của ngần ấy con người.
Tôi quen một gia đình nọ. Họ chưa bao giờ xung đột và tranh chấp trực tiếp với ai, cũng chưa bao giờ tùy tiện mở miệng tìm người giúp, nhưng quen giúp người.
Câu cửa miệng nhà đó là “Tôi hiểu, tôi biết”, họ chưa bao giờ từ chối yêu cầu của người khác, kết quả thường là dễ dãi với người khác, làm khó chính mình.
Do đó, cách hiểu của tôi đối với “lòng tốt cũng cần đôi phần sắc sảo” là: Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Như vậy mới tránh khỏi dễ dãi với người khác, lại có thể bảo vệ bản thân.
Một người càng tốt bụng, thì ngưỡng giới hạn trong đối nhân xử thế càng phải cao. Ảnh: HealthLine. |
Tốt bụng nhưng phải hiểu biết và cảm thông
Tôi lại kể câu chuyện của một người bạn. Cô làm việc trong ngành chứng khoán, trông có vẻ rất dịu dàng, nhưng đằng sau nét dịu dàng lại ẩn giấu sự cứng rắn.
Cô làm việc nghiêm túc, đối nhân xử thế cũng vô cùng thỏa đáng. Ví như, khi đồng nghiệp nhờ giúp đỡ, cô sẽ tìm hiểu tình hình cụ thể trước, sau đó nói:
“Tớ rất muốn giúp cậu, nhưng tớ cho rằng nếu bây giờ giúp đỡ, thật ra là hại cậu. Những chuyện này đều là thứ cậu cần phải học. Cho nên, cậu tự giải quyết đi, tớ tin rằng cậu làm được".
Lúc nói những lời này, thái độ cô thành khẩn, giọng điệu cũng hết sức chân thành, đồng nghiệp nghe xong không hề oán trách, ngược lại sau đó còn cảm kích cô.
Khi có người vay tiền, thông thường nếu chưa hiểu rõ ý đồ của đối phương, cô sẽ từ tốn nói: “Vậy à, để tớ về nhà bàn bạc với người nhà trước đã nhé, có được không?”.
Sau khi tìm hiểu tình hình cụ thể, nếu đối phương muốn vay tiền để đầu tư, cô sẽ từ chối: “Xin lỗi nhé, tớ quả thực không rành về hạng mục đầu tư mà cậu thực hiện, chút ít tiền mà tớ có thể cho vay thật sự cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Hơn nữa, cậu cũng biết hoàn cảnh gia đình tớ rồi đấy, có người già có trẻ con, phải giữ lại khoản dự phòng, không dư dả để giúp cậu nhiều được. Tớ tin rằng cậu sẽ thông cảm".
Thông thường đối phương đều không dây dưa nữa, cũng không cảm thấy mất mặt. Nếu đối phương thật sự gặp chuyện cấp bách cô sẽ đồng ý cho vay.
Đồng thời, cô còn thỏa thuận trước với đối phương về kỳ hạn và phương thức hoàn trả. Cô cho rằng đó là cách làm có trách nhiệm đối với bản thân và người khác.