Năm con lợn rừng được tìm thấy đã chết trong tháng này bên trong hoặc gần khu vực biên giới ngăn cách Triều Tiên với Hàn Quốc. Chúng được kết luận có mang virus tả lợn, theo các quan chức Hàn Quốc.
Khu vực biên giới rộng 4 km ngăn cách hai miền bán đảo Triều Tiên này vốn là nơi cư ngụ của một hệ động vật hoang dã phong phú, nhưng những phát hiện trên cũng làm dấy lên nỗi lo virus tả lợn có thể đã bùng phát tại Triều Tiên và có nguy cơ lây lan sang Hàn Quốc.
Các báo cáo không chính thức cho thấy căn bệnh này đang lan ra ngoài tầm kiểm soát ở Triều Tiên.
Bà Lee Hye-hoon, chủ tịch ủy ban tình báo của Quốc hội Hàn Quốc cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi đã lan sang phần lớn các khu vực của Triều Tiên và lợn ở tỉnh miền Tây Bắc Pyongan gần như đã bị chết sạch”.
Hàn Quốc phát báo động đỏ
Cơ quan kiểm dịch Hàn Quốc đã đưa ra báo động đỏ vào cuối tuần vừa qua sau khi phát hiện các trường hợp lợn rừng mới mắc phải bệnh tả lợn châu Phi gần biên giới chung với Triều Tiên, Korea Times đưa tin.
Ngày 13/10, các quan chức kiểm dịch đã xác nhận thêm hai trường hợp nhiễm virus trong những con lợn chết được tìm thấy ở Cheorwon, tỉnh Gangwon, cách Đường giới hạn phía Nam của Khu phi quân sự liên Triều (DMZ) 5 km đến 10 km.
Nhiều người lo ngại virus bệnh đã lây lan quá rộng ở phía bắc. Ảnh: Yonhap. |
“Các xác chết được tìm thấy ở gần nơi một con lợn rừng khác mang virus tả lợn được tìm thấy vào ngày 11/10, quan chức của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (NIER) Jung Won-hwa nói. "Có khả năng nhiều xác chết bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện ở đây."
Mặc dù vô hại với con người, virus tả lợn châu Phi gây tử vong ở lợn. Căn bệnh này đã tàn phá các trang trại lợn ở châu Á kể từ khi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm ngoái. Trung Quốc vẫn đang vật lộn để ngăn chặn virus này và đã mất khoảng 40% số lợn trong năm qua.
Kể từ khi trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên của Hàn Quốc được xác nhận vào giữa tháng 9, 14 trường hợp nhiễm bệnh khác đã được tìm thấy tại các trang trại lợn ở khu vực phía bắc của tỉnh Gyeonggi và Incheon. Các nhà chức trách đã tiêu hủy hơn 150.000 con lợn tại hàng chục trang trại trong bán kính 3 km từ các địa điểm được xác nhận nhiễm bệnh để đề phòng dịch bệnh lây lan.
Dịch tả lợn châu Phi có thể được lan truyền qua thức ăn bị nhiễm virus, tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã hoặc thiết bị nông trại có mang virus. Do vị trí của các ổ dịch gần các khu vực phía bắc giáp biên giới với Triều Tiên, các quan chức Hàn Quốc nghi ngờ virus này có thể đã xâm nhập từ quốc gia láng giềng phía Bắc này, nơi đang bị tả lợn hoành hành.
Sau khi phát hiện ra các trường hợp nhiễm bệnh mới vào hôm 14/10, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố sẽ dùng một dải đất dài dọc theo DMZ như một khu vực ngăn chặn đặc biệt. Những con lợn rừng trong khu vực này sẽ bị săn lùng sau khi bẫy và hàng rào được thiết lập.
Trang Bloomberg cho biết Hàn Quốc sẽ cử các tay súng bắn tỉa và thợ săn đến biên giới phía Bắc của mình vào ngày 15/10 để loại bỏ những con lợn mang mầm bệnh lây nhiễm từ Triều Tiên.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ sử dụng máy bay không người lái có cảm biến nhiệt để tìm kiếm những con lợn nhiễm dịch tả châu Phi gần đường kiểm soát dân sự, một vùng đệm gần dải đất phân chia bán đảo Triều Tiên. Các biện pháp tăng cường này nhằm mục đích tiêu diệt lợn hoang ở các khu vực Incheon, Seoul, Goseong và sông Bukhan.
Các nhân viên của cơ quan kiểm dịch đến để tiêu hủy lợn tại một trang trại được xác nhận nhiễm dịch tả lơn châu Phi ở Paju, Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại virus tả lợn có thể đã lây lan rất xa ở các khu vực phía bắc do khoảng cách lớn giữa các trường hợp mắc bệnh được tìm thấy. Hai trong số năm con lợn rừng bị nhiễm bệnh đã được tìm thấy ở Yeoncheon, cách Cheorwon, nơi ba con còn lại được tìm thấy, 60 km về phía tây.
Theo số liệu của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia 2019 được bà Kim Hyun-kwon của Đảng Dân chủ Hàn Quốc tiết lộ, số lượng xác lợn rừng được tìm thấy đã tăng vọt trong nửa cuối năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 6, chỉ có 17 trường hợp và trong khi từ tháng 7 đến tháng 10 đã có 81 xác lợn rừng được phát hiện.
An ninh lương thực của Triều Tiên bị đe dọa
Việc lây lan dịch tả lợn châu Phi có thể khiến an ninh lương thực của Triều Tiên rơi vào tình trạng khó khăn.
“Thịt lợn chiếm khoảng 80% lượng protein Triều Tiên tiêu thụ và với các lệnh trừng phạt toàn cầu đang được áp dụng, thật khó để đất nước tìm được nguồn protein thay thế”, ông Cho, nghiên cứu viên tại Good Farmers, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển thu lợi nhuận thông qua các hoạt động nông nghiệp, cho biết.
Sự thiếu năng lực ngăn chặn dịch bệnh này là mối đe dọa đối với toàn bộ bán đảo Triều Tiên, nơi virus có thể lan rộng khắp nơi. Điều đó sẽ khiến việc dập tắt dịch bệnh bằng các biện pháp thông thường như cách ly và tiêu hủy vật nuôi bị bệnh trở nên khó khăn hơn. Từ đây, dịch cũng có thể lan sang các nước láng giềng như Trung Quốc và Nga.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật đeo mặt nạ lợn tổ chức một cuộc biểu tình tưởng niệm những con lợn bị tiêu hủy do sốt lợn châu Phi ở Seoul. Ảnh: AP. |
Hàn Quốc đã triển khai bảy máy bay trực thăng để khử trùng nhiều khu vực của hàng rào biên giới dài 250km. Gần khu vực này đã có hơn 10 ổ dịch tại các trang trại kể từ khi bệnh dịch này được phát hiện lần đầu tiên cách đây một tháng.
Các quan chức đã tiêu hủy 154.548 con lợn tại 94 trang trại kể từ ngày 14/10, theo Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc.
Seoul đã nhiều lần yêu cầu Bình Nhưỡng tham gia một nỗ lực tập thể để chống lại việc lan truyền bệnh dịch. Tuy nhiên, quốc gia láng giềng phía bắc không đưa ra phản hồi về đề nghị này.