Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lợn béo xuất đi, bò lậu dắt về

Trong khi thương lái Trung Quốc đang lùng sục thu mua lợn mỡ từ Việt Nam mang về nước tiêu thụ thì bò từ Ấn Độ đang theo đường bộ đổ vào Việt Nam.

Trung Quốc rất ưa chuộng loại lợn mỡ dày của Việt Nam

Tình trạng xuất khẩu lợn mỡ (lợn có trọng lượng từ 110-130kg/con, có lớp mỡ dày) sang Trung Quốc đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Đáng nói, việc nhập khẩu lợn mỡ chỉ qua đường tiểu ngạch.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thông tin, báo cáo từ một số Sở NN&PTNT (chủ yếu ở phía Nam) cho thấy, thời gian qua, nhiều thương lái ngoài Bắc tìm về các địa phương trong Nam để thu gom lợn mỡ, xuất đi Trung Quốc tiêu thụ, phần lớn qua Cao Bằng. 

Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai, nhiều thương lái phía Bắc vào đây nằm vùng để thu gom lợn mỡ từ tháng 8 đến nay. Ngày nào cũng có hàng đoàn xe tải mang BKS Phú Thọ, Thanh Hóa, Bắc Giang... tìm về Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau... để thu gom lợn mỡ.

Tình trạng này đã đẩy giá lợn tại khu vực Nam bộ tăng lên từng tuần, hiện ở mức trung bình từ 45.000-47.000 đồng/kg (lợn hơi), cao hơn thời điểm cách đây 1 tháng từ 3.000-4.000 đồng/kg. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi ngày, Việt Nam đang xuất khoảng 600 con lợn sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. 

Việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua lợn mỡ giúp giá lợn tăng cao, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy vậy, người tiêu dùng trong nước lại phải tiêu dùng thịt lợn với giá cao hơn giá trị thật.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công lý giải, nguyên nhân thị trường Trung Quốc hút hàng là do nước này bị thiếu nguồn cung.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc hiện chưa mở cửa nhập khẩu chính thức lợn từ Việt Nam vì nước ta vẫn còn dịch lở mồm long móng và tai xanh. Nhưng do thiếu hàng nên Trung Quốc vẫn cho phép nhập tiểu ngạch. 

Tuy nhiên, việc mua bán lợn với phía Trung Quốc phần lớn chỉ là thỏa thuận miệng nên thiếu sự ràng buộc, không bền vững.  

Sở NN&PTNT các tỉnh Đồng Nai, Cà Mau đã có văn bản khuyến cáo người dân chăn nuôi một cách khoa học, đừng vì lợi trước mắt, nuôi đại trà lợn mỡ, tạo nên tình trạng cung vượt cầu. Khi phía Trung Quốc ngừng mua, giá lợn sẽ giảm đột ngột, người chăn nuôi sẽ bị thua lỗ. 

Mối lo dịch bệnh từ trâu, bò nhập khẩu

Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, thời gian gần đây, đã xảy ra hiện tượng bò được “dắt bộ” từ Ấn Độ về Việt Nam để giết mổ, tiêu thụ.

“Ngoài việc nhập lậu trâu, bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan, còn có hiện tượng đưa bò từ Ấn Độ đi qua các nước về Việt Nam tiêu thụ. Mỗi lần, họ dắt từ vài chục con, đi vài tháng về đến Việt Nam, giao cho người dân nuôi một thời gian rồi giết mổ. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh rất dễ xảy ra”, ông Tống Xuân Chinh cảnh báo. 

Theo Cục Chăn nuôi, cùng với việc tăng số lượng đàn trâu bò ở trong nước, năm nay, Việt Nam đã nhập trên 347.000 con trâu, bò sống về nuôi, hiện đang sẵn sàng giết mổ và cung ứng ra thị trường với giá cả và chất lượng khá tốt.

Vài năm gần đây, danh sách những quốc gia xuất khẩu thịt sang Việt Nam ngày càng dài. Ban đầu chỉ có Mỹ, Australia, Brazil, Hàn Quốc, thì nay có thêm Nga, Canada, Ba Lan… Một số nước trong Liên minh châu Âu cũng đang tìm cách quảng bá rầm rộ sản phẩm thịt bò, thịt lợn của họ tới người tiêu dùng Việt Nam. 

Gần đây, thịt bò Pháp đã được xuất khẩu trở lại Việt Nam sau nhiều năm bị “cấm cửa” vì bệnh bò điên. Được biết, kế hoạch ban đầu của các doanh nghiệp nước này là đưa thịt bò đông lạnh sang giới thiệu ở thị trường Việt Nam. Dự kiến, mức giá thịt bò Pháp sẽ tương đương với bò Mỹ, Australia.

Cùng với việc gia tăng nhập khẩu thực phẩm có nguồn gốc động vật từ các nước thì mối lo về kiểm soát ATTP, dịch bệnh cũng tăng lên do hệ thống kiểm soát của chúng ta còn yếu. Đơn cử, việc bò lậu tràn vào qua biên giới đã diễn ra nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.  

Kiến nghị tiêu hủy gia súc, gia cầm có chất cấm

UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh quy định, áp dụng hình thức buộc tiêu hủy đối với các trường hợp phát hiện gia súc, gia cầm có sử dụng chất cấm thay vì lưu giữ 3-15 ngày như hiện nay.

UBND TP.HCM cho rằng, việc lưu trữ gia súc sau khi có kết quả xét nghiệm định tính để chờ kết quả phân tích định lượng gặp nhiều bất cập như nguy cơ phát sinh dịch bệnh lớn, diện tích chuồng lưu nhỏ hẹp, không đủ trang thiết bị cho chăn nuôi.

Bên cạnh đó, lưu trữ kéo dài có thể khiến gia súc mệt, chết dễ xảy ra dịch bệnh. Do đó, áp dụng biện pháp tiêu hủy gia súc có sử dụng chất cấm sẽ hạn chế tối đa tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đồng thời hạn chế mầm bệnh lây lan, phát tán.       

                                                                                                Hải Dương


http://anninhthudo.vn/xa-hoi/lon-beo-xuat-di-bo-lau-dat-ve/653080.antd

Theo Tuyết Nhung/An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm