Vài giờ sau khi thông tin trung úy Nguyễn Văn Bắc (cảnh sát khu vực Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội) công khai xin lỗi chị Trần Tú Anh (24 tuổi) được Zing.vn đăng tải vào sáng 12/4, bài viết đã nhận được hơn hàng nghìn lượt thích và chia sẻ trên Facebook.
Phần lớn bạn đọc đều cho rằng, "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại" nên việc cảnh sát xin lỗi dân là hành động đáng hoan nghênh và "mọi việc có thể khép lại" để người cảnh sát tiếp tục phục vụ người dân tốt hơn.
Bạn đọc Nguyễn Tăng chia sẻ, việc công an biết sai, biết đúng, biết nhận lỗi, còn cô gái biết vị tha là điều đáng quý. Những gì đáng tha thứ thì hãy tha thứ vì cuộc sống mỗi người chẳng có ai hoàn hảo. Ai cũng mắc một sai lầm dù lớn hay nhỏ. Chỉ có sự chân thành mới tồn tại với thời gian.
Bạn Trần Nguyễn tiếc nuối khi bày tỏ quan điểm "Nếu anh công an nhận ra lỗi ngay từ dầu thì mọi chuyện có thể kết thúc nhanh hơn". Hy vọng qua vụ việc này anh ta sẽ rút kinh nghiệm trong công tác để hợp lòng dân hơn.
Hình ảnh trung úy Nguyễn Văn Bắc được nhiều người đánh giá cao, song, đòi hỏi viên cảnh sát cần có hành động sửa sai cụ thể. Ảnh: Anh Tuấn. |
Mặc dù đồng tình với việc trung úy Bắc đã công khai xin lỗi chị Tú Anh nhưng nhiều bạn đọc vẫn đòi hỏi phải có những xử lý nghiêm khắc trước hành động thiếu chuẩn mực của người thực thi công vụ. Công an là những người thực thi luật pháp, vì vậy phải là người hiểu luật, cần nghĩ kỹ trước khi nói.
"Xin lỗi là tốt, nhưng phải biết hành động đúng mực với dân, chứ đừng xin lỗi cho qua chuyện. Cần nghiêm khắc với những hành vi như thế này để những cán bộ khác rút kinh nghiệm" - Trần Dũng chia sẻ.
Còn theo độc giả Trần Ngọc, nếu sự việc không được báo chí đăng tải rộng rãi thì hành động xin lỗi nhiều khả năng không có khả năng xảy ra. Vì vậy, bên cạnh việc xin lỗi, người công an cần phải chấn chỉnh lại hành vi, tác phong của mình khi tiếp xúc với người dân. Bình luận của Trần Ngọc nhận được hàng trăm lượt thích (like) trên trang fanpage của Zing.vn.
"Nhà nước đào tạo ra một cán bộ để làm việc cho dân thì chuyện tiếp dân như thế nào là nằm trong chuyên môn của họ, không thể tùy tiện. Vì thế sai phải xin lỗi và không chỉ xin lỗi mà phải chịu hình phạt thích đáng với hành vi đó" - Nguyễn Phương bình luận dưới bài viết Xin lỗi dân khi sai là chuyện đương nhiên.
Dẫn lại câu chuyện ca sĩ Trang Trần đã có hành vi không đúng mực với công an, dù đã xin lỗi nhưng cô vẫn bị khởi tố do chống người thi hành công vụ, Dũng Nguyễn cho rằng mọi người đều công bằng trước pháp luật.
"Anh Bắc đương nhiên phải xin lỗi nhưng cũng đồng thời phải chấn chỉnh hành vi của mình khi tiếp xúc với công dân. Nội bộ ngành phải tiến hành kiểm điểm để rút kinh nghiệm cho các cán bộ khác" - Dũng Nguyễn nêu.
Đồng tình với ý kiến trên, Ngọc Mai chia sẻ: "Công an cũng là con người, cũng có lúc không kiềm chế được cơn nóng giận. Nhưng tại sao anh ấy được phép nóng giận khi làm việc không đúng nguyên tắc, thiếu chuyên nghiệp, đó mới là nguyên nhân của sự việc".
Vì thế Ngọc Mai cho rằng, để không xảy ra trường hợp tương tự giải pháp là mọi người cần tuân thủ pháp luật, người thực thi công vụ lại càng phải thượng tôn pháp luật. "Cán công lý có hai quả cân. Quả cân treo nặng nhẹ về bên nào là do người cầm quả cân đó có cư xử đúng pháp luật hay không. Nếu sai lầm quả cân có thể rơi đúng vào chân họ".