Cuốn sách được Douglas Stuart thai nghén trong gần mười năm mà chính tác giả từng nghĩ nếu sách không bán được, ông sẽ “rửa tay gác kiếm”, từ bỏ sự nghiệp viết lách.
Nhưng trái với suy nghĩ bi quan của Stuart, tác phẩm đầu tay của ông đã nhanh chóng chiếm được tình cảm của độc giả, bán được 1,5 triệu bản trên toàn thế giới và bất ngờ hơn nữa, giành được giải Booker vào năm 2020.
Shuggie Bain chiếc linh hồn nhỏ là cuốn sách dày gần 700 trang, một bức tranh Glasgow u ám, đầy rẫy tệ nạn dưới thời đại của Magagret Thatcher liệu có gì chạm đến tâm can người đọc?
Tiểu thuyết Shuggie Bain chiếc linh hồn nhỏ của nhà văn Douglas Stuart. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Khi mái nhà không phải là tổ ấm
Mở đầu câu chuyện tô vẽ chân dung cậu bé Shuggie Bain đang làm việc bán thời gian tại một cửa tiệm với mơ ước vào được đại học. Ngược dòng thời gian về năm 1981, độc giả được chứng kiến nơi mà Shuggie đã lớn lên và những thành viên trong gia đình bất ổn của cậu, Agnes - một bà mẹ nghiện rượu, Shug - một người cha lăng nhăng, Catherine - một người chị xa cách và Leek - một người anh ích kỉ. Mỗi người trong số họ đều đang cố gắng trốn thoát, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nỗi khốn khổ bủa vây xung quanh.
Agenes, mẹ cậu không phải là một người phụ nữ truyền thống. Bà được miêu tả ngay từ những trang đầu là một người tối ngày say xỉn, có những lúc tỉnh táo hiếm hoi “thường thoáng qua, khó đoán trước và chưa bao giờ cậu được tận hưởng trọn vẹn”.
Agnes lấy bia rượu để trốn tránh thực tại, hay nói đúng hơn là trốn tránh lựa chọn sai lầm của mình. Bà từng là một cô gái đẹp, với một mái ấm gia đình, một người chồng tốt và hai đứa con xinh xắn, Catherine và Leek. Tuy nhiên, vì phút bồng bột nhất thời mà Agnes chạy theo tiếng gọi tình yêu của Shug, mang theo hai đứa con và những lời hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn tại Cổng Mỏ.
Cuộc sống tại khu mỏ không tốt đẹp như họ nghĩ. Kinh tế suy thoái, thất nghiệp triền miên. Shug lái xe taxi cả đêm, Agnes giật gấu vá vai cũng chẳng đủ ăn. Họ cãi vã, đẩy hôn nhân đến bờ vực thẳm. Đỉnh điểm là việc Shug bỏ đi, mặc kệ sự sống chết của vợ con.
Agnes không còn lựa chọn nào khác, cô dùng mọi cách để duy trì cuộc sống cho những đứa con nhưng dường như chuyện đó nằm ngoài khả năng của cô. Những đứa trẻ lớn lên mà không được yêu thương đúng cách, như những con chim non buộc phải rời tổ khi chưa sẵn sàng. Người mẹ ấy càng lúc càng lún sâu vào bế tắc, ảo tưởng người chồng sẽ quay về và không ít lần muốn tìm đến cái chết.
Tưởng rằng cuộc đời của Agnes toàn những đau khổ nhưng Shuggie Bain đã xuất hiện và đồng hành cùng cô trong chuỗi ngày nghiện ngập và cô độc đó. Cậu bé lớn lên cùng những tổn thương, chứng kiến từng người trong gia đình bỏ đi như một lẽ tự nhiên nhưng cậu vẫn chọn ở bên mẹ.
Kiên cường chống lại thế giới đầy khổ đau
Những đứa trẻ cùng trang lứa coi cậu là thứ ẻo lả, “hai thì”, chúng châm chọc cậu không ngớt. Không ai nói với cậu rằng đồng tính hay không, là nam hay là nữ, được là chính mình mới là điều quan trọng. Cậu khó khăn đi tìm bản dạng giới của mình ở thời đại người ta vẫn còn kì thị đồng tính nặng nề.
Shuggie cứ thế cô độc đấu tranh nhưng chàng trai trẻ không hề thấy mệt mỏi, ngược lại cậu càng thêm mạnh mẽ, và vẫn luôn kề bên người mẹ bất hạnh nghiện ngập. Shuggie đã không lựa chọn bỏ đi như những người trước đã làm, cậu như điểm sáng le lói trong cuộc đời bất hạnh của Agnes, đứa con duy nhất thốt lên “con làm tất cả vì mẹ”.
Đáng thương thay, Shuggie càng trưởng thành lại càng hiểu chuyện, là chỗ dựa cho Agnes đang lún sâu vào bi kịch. Hai con người ấy, hai linh hồn nhỏ nhoi dựa vào nhau, trao nhau hơi ấm giữa một xã hội đầy rẫy bất công và đói nghèo.
Nhà văn Douglas Stuart. Ảnh: The New Yorker. |
Không hẳn là một cuốn hồi ký, Shuggie Bain chiếc linh hồn nhỏ khắc họa một cộng đồng nghèo khó ở thời đại đã qua, một thời đại buồn thương và khắc nghiệt. Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở những tòa nhà tù túng, những đồi than xám xịt, những căn hầm bị bỏ hoang; không gian đặc quánh bám chặt vào từng ngóc ngách, từng hình ảnh sượt qua trên trang sách.
Khung cảnh ấy là nơi bao gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, nơi chôn vùi bao ước mơ của thanh niên. Độc giả sẽ chẳng thể nào quên hình ảnh cậu con thứ Leek buồn bã quên đi tờ giấy thông báo nhập học vào Đại học Mĩ thuật mà cậu hằng mơ ước. Nền công nghiệp suy thoái đã bóp chết họ, đặt dấu chấm hết cho tầng lớp lao động khốn khổ.
“Cũng như với một ngày đẹp trời, sẽ luôn có mưa ở một phía khác”. Hạnh phúc hay khổ đau đều song hành theo quy luật cuộc sống. Cuốn sách không hề tô vẽ hay gieo những mộng tưởng mà chỉ đơn thuần tái hiện lịch sử và gieo một chút niềm tin, hãy cứ nỗ lực tiến về phía trước như hình ảnh cậu bé Shuggie nhảy múa xung quanh những chùm pháo hoa được vẽ trên bức tường của cung khiêu vũ Barroland tọa lạc ngay giữa thành phố Glasgow, Scotland.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.