Ngày 27/1, Tập đoàn H&M báo cáo lợi nhuận quý IV/2022 giảm mạnh hơn dự kiến. Nguyên nhân nằm ở chi tiêu của người tiêu dùng suy yếu và chi phí tăng cao. Năm tài chính của H&M được tính từ ngày 1/12 đến ngày 30/11 năm sau.
Lợi nhuận hoạt động trong quý IV tài chính của tập đoàn bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới đạt 821 triệu krona (tương đương 79,7 triệu USD), giảm mạnh so với mức 6,26 tỷ krona cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của H&M cũng thua xa mức dự báo 3,67 tỷ krona của các nhà phân tích được Refinitiv khảo sát.
H&M thiệt hại khoảng 5 tỷ krona do dừng kinh doanh tại Nga; chi phí nguyên liệu thô, vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu tăng cao; tác động từ việc chuyển đổi tiền tệ và tái cơ cấu. Ảnh: Bloomberg. |
Cùng ngày, gã khổng lồ bán lẻ thời trang cho biết từ ngày 1/12/2022 đến ngày 25/1 (những tuần đầu tiên của năm tài chính 2023), doanh số bán hàng tính bằng nội tệ đã tăng 5%. Trong quý IV/2022, doanh số bán hàng của hãng đi ngang.
"Lợi nhuận sụt giảm trong quý IV so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do các yếu tố tiêu cực bên ngoài, lợi nhuận hoạt động tại Nga bốc hơi, chi phí một lần (one-time cost) của chương trình chi phí và hiệu quả", H&M khẳng định trong một tuyên bố.
Bà Helena Helmersson - Giám đốc điều hành H&M - cho biết hãng thiệt hại khoảng 5 tỷ krona do dừng kinh doanh tại Nga; chi phí nguyên liệu thô, vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu tăng cao; tác động từ việc chuyển đổi tiền tệ và tái cơ cấu.
Hơn nữa, theo bà, thay vì chuyển toàn bộ chi phí cho khách hàng, H&M chọn "củng cố hơn nữa vị thế của mình trên thị trường".
Môi trường tiêu dùng ảm đạm đang đè nặng lên các tập đoàn thời trang như H&M và Inditex - công ty chủ quản của Zara. Ảnh: Bloomberg. |
"Tỷ suất lợi nhuận gộp của H&M thấp hơn dự kiến", Reuters dẫn lời các nhà phân tích tại Credit Suisse bình luận. "Rõ ràng, công ty đã quyết định không chuyển toàn bộ mức tăng chi phí đầu vào cho khách hàng", nhóm chuyên gia nói thêm.
Tuy nhiên, đội ngũ phân tích tại Credit Suisse cho rằng tính đến nay, doanh số quý I/2023 đang rất cao. Nguyên nhân là thời tiết giá rét bao trùm châu Âu trong tháng 12.
Tháng 9 năm ngoái, hãng thời trang Thụy Điển phát động chiến dịch cắt giảm chi phí 2 tỷ krona mỗi năm. Kế hoạch bao gồm sa thải nhân viên và các biện pháp khác dự kiến được triển khai từ nửa cuối năm nay.
Rõ ràng, công ty đã quyết định không chuyển toàn bộ mức tăng chi phí đầu vào cho khách hàng
Đội ngũ phân tích của Credit Suisse
Hồi tháng 11, tập đoàn cho biết sẽ cắt giảm giảm 1.500 việc làm và chi khoảng 800 triệu krona trong quý IV/2022 cho kế hoạch tái cơ cấu.
Năm ngoái, hãng bán lẻ thời trang tuyên bố dừng kinh doanh tại Nga sau khi Moscow phát động cuộc chiến tại Ukraine.
Nga là thị trường lớn thứ 6 của H&M. Công ty này thậm chí từng triển khai kế hoạch tăng số lượng cửa hàng tại Nga dù cắt giảm hoạt động ở nhiều thị trường khác.
H&M đề xuất mức cổ tức trong năm 2022 là 6,5 krona/cổ phiếu, tương đương năm trước và sát với dự báo của giới quan sát.
H&M đang chật vật đuổi kịp đối thủ lớn nhất Inditex - công ty chủ quản của Zara. Hồi tháng 12/2022, Inditex công bố lợi nhuận tăng vọt trong 9 tháng tính tới tháng 10. Tuy nhiên, hãng thừa nhận tăng trưởng doanh số bán hàng đã chậm lại trong 3 tháng cuối cùng bởi nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Hôm 27/1, Superdry của Anh cũng cắt giảm dự báo lợi nhuận trong năm nay vì mảng kinh doanh bán buôn ảm đạm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.