Theo báo cáo của Chứng khoán VNDirect tính, đến ngày 3/11, toàn thị trường có 717 công ty công bố kết quả kinh doanh quý III, tương đương với 86% giá trị vốn hóa trên tất cả các sàn.
Lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng bình quân là 17,8% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi ròng của riêng các công ty trên sàn niêm yết lớn nhất là HoSE có kết quả khả quan hơn với mức tăng 22,6%.
Đây là kết quả trên có phần khá bất ngờ khi GDP quý III giảm 6,2% trong bối cảnh giãn cách xã hội trên toàn quốc nghiêm ngặt. Phần lớn các công ty niêm yết có lợi thế về quy mô và hoạt động ổn định hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế.
Dù vậy, tăng trưởng lợi nhuận của khối công ty niêm yết cũng giảm tốc đáng kể so với đầu năm, khi con số của quý I đạt đến 92% và quý II là 72,3%. Theo đó tăng trưởng lãi ròng lũy kế 9 tháng đầu năm chỉ còn đạt 54,6%.
Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết. Nguồn: VNDirect Research. |
Về nhóm ngành, các doanh nghiệp dịch vụ tài chính (chủ yếu là công ty chứng khoán) ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao 119,3% trong bối cảnh thị trường tăng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Doanh nghiệp thép hưởng lợi từ cả việc sản lượng tăng và giá bán bình quân cao hơn.
Trong khi đó, lợi nhuận khối ngân hàng giảm tốc khi chỉ đạt mức tăng 13,1% do tăng trưởng tín dụng chậm lại và tăng trích lập dự phòng. Lợi nhuận ngành bất động sản cũng giảm tốc, chỉ tăng 6% trong quý vừa qua.
Các biện pháp đóng cửa và hạn chế di chuyển khiến ngành đồ uống, ôtô, bán lẻ, vận tải ghi nhận thiệt hại nặng nề trong quý với mức giảm lãi ròng lần lượt là -65%/-54%/-53%/-18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra còn có một số ngành khác tăng trưởng lợi nhuận âm bao gồm xây dựng và vật liệu (-32%), ngành khai khoáng (-37%).
Giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh tác động trái chiều đến các doanh nghiệp niêm yết. Các ngành hưởng lợi là nhóm hóa chất (tăng 172,1% so với cùng kỳ) và nhóm lâm nghiệp, giấy. Nhóm thực phẩm phân hóa, khi doanh nghiệp gạo và đường có lợi nhuận tốt nhưng doanh nghiệp sữa, thức ăn chăn nuôi, dầu ăn, thịt… gặp áp lực về giá đầu vào cao.
Xét theo cơ cấu vốn hóa, trong quý III, các doanh nghiệp thuộc nhóm VN30 và vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ.
Một số công ty trong nhóm VN30 tăng trưởng khả quan như PV Power (360%), Hòa Phát (174%) và Vinhomes (84,3%). Ngược lại PNJ, Vingroup và Vincom Retail là những cái tên sụt giảm mạnh nhất do bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội và hạn chế vận tải trong quý III.