Lợi nhuận đáng kinh ngạc của ngành điện
Năm 2012, trong khi hàng ngàn doanh nghiệp ngưng hoạt động và bị thua lỗ kéo dài thì các doanh nghiệp sản xuất điện đạt được lợi nhuận đáng kinh ngạc.
Công ty cổ phần (CTCP) nhiệt điện Bà Rịa (BTP) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4/2012. Tính chung cả năm 2012, dù doanh thu chỉ đạt 1.423,25 tỉ đồng, giảm gần 40% so với năm 2011 nhưng lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 175,77 tỉ đồng, tăng 110,6% so với năm trước. Còn CTCP thủy điện Cần Đơn (SJD) thì gia tăng cả doanh thu và lợi nhuận: tổng doanh thu năm 2012 đạt 344,82 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2011; lợi nhuận trước thuế đạt 156,97 tỉ đồng, tăng 56,9% so với năm 2011. Tương tự, dù chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm 2012 nhưng CTCP nhiệt điện Ninh Bình tính đến hết tháng 9.2012 cũng đạt lợi nhuận trước thuế là 35,46 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ năm 2011 công ty này bị lỗ 421,68 tỉ đồng)…
Theo thống kê, hiện có 15 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh điện đang niêm yết trên thị trường chứng khoán và đa số đều có kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua. Trong đó có hơn một nửa DN trực thuộc tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN). Theo phân tích của công ty chứng khoán Phú Gia, nhìn chung biên lợi nhuận gộp của các DN thủy điện trong năm 2012 đều ở mức cao, trung bình ngành đạt mức 55%. Ngoài ra, một số DN có biên lợi nhuận ròng vượt trội hơn mức trung bình như CTCP thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh và CTCP đầu tư điện Tây Nguyên. Năm 2012, do lượng nước về hồ tăng nên sản lượng các DN thủy điện gia tăng. Đồng thời giá bán điện bình quân trong năm qua đã gia tăng (tháng 7.2012 tăng 5%) nên lợi nhuận các DN ngành này tăng đột biến. Điều này cũng diễn ra tương tự với các DN nhiệt điện do đã ký được giá bán điện mới trong năm 2012.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất điện năm 2012 lãi lớn chủ yếu nhờ giá điện tăng cao |
Ưu thế độc quyền
Theo ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán Maybank Kim Eng, việc tăng giá bán điện của EVN chắc chắn sẽ gia tăng doanh thu của các DN sản xuất điện trong năm 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận của từng DN có gia tăng hay không còn phụ thuộc nhiều vào tình hình quản trị, chi phí hoạt động và đầu tư.
Đồng quan điểm trên, TS.Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa tài chính ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM) phân tích: các DN ngành điện trong năm 2013 có nhiều lợi thế khi giá điện đã được Chính phủ duyệt tăng. Điều quan trọng nhất của các DN ngành này là phải quản trị điều hành tốt để giảm thiểu tỷ lệ hao hụt và giảm chi phí dừng vận hành sản xuất. “Để giảm được chi phí sản xuất của ngành điện, Chính phủ phải đưa ra định mức về tỷ lệ hao hụt và chi phí dừng vận hành bất thường trong sản xuất. Từ đó DN không thể kêu ca rằng phải trích dự phòng chênh lệch tỷ giá ngoại tệ hay chi phí đầu vào gia tăng… Vì tất cả những chi phí đó đều đã được hạch toán vào kế hoạch tính giá thành khi sản xuất của bất kỳ DN nào”- TS.Thuận nói.
Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cũng cho rằng những lý giải khi tăng giá điện của EVN vừa qua chưa thể thuyết phục được người tiêu dùng. Bởi xét cho kỹ thì tỷ lệ thất thoát điện năng của VN hiện tới 9% là quá cao. Đây là trách nhiệm của EVN nói chung vì phân phối điện cũng đang là độc quyền của tập đoàn này. Hơn nữa, giá bán điện của VN hiện tại tuy còn thấp hơn một số quốc gia trong khu vực nhưng cũng không còn gọi là rẻ nữa. Vì vậy, điệp khúc bị lỗ phải tăng giá là điều không thể chấp nhận.
Theo Thanh Niên