Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với nhất nhiều biến động trong hoạt động kinh doanh quý đầu tiên trong năm.
3 tháng lợi nhuận chỉ bằng 1/5 cùng kỳ
Ba tháng đầu năm, Yeah1 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất của tập đoàn chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Đây cũng là khoản lợi nhuận ròng thấp nhất trong 8 quý gần đây mà Yeah1 ghi nhận được.
Nguyên nhân chính của việc doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm mạnh là giá vốn của Yeah1 quý vừa qua.
Trong khi doanh thu tập đoàn chỉ tăng 17% thì giá vốn lại tăng tới 51% khiến lợi nhuận gộp Yeah1 thu về chỉ đạt 49 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ. Trong đó, giá vốn tăng tập trung chủ yếu ở mảng quảng cáo và chia sẻ nội dung trên nền tảng kỹ thuật số (tăng 101 tỷ đồng) chỉ trong quý I.
Theo lý giải từ ban lãnh đạo Yeah1, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 79% (31 tỷ đồng) chủ yếu do chi phí ban đầu để hợp tác/đầu tư các nội dung chất lượng cao theo định hướng chiến lược phát triển các kênh tự sở hữu và quản lý.
Xuất phát của khoản chi phí này chính là việc Yeah1 bị YouTube chấm dứt thỏa thuận mạng đa kênh (MCN YouTube) trong quý vừa qua, buộc Yeah1 phải chuyển hướng kinh doanh từ quản lý kênh của bên thứ 3 sang khai thác, quản lý kênh do mình sở hữu.
Ngoài ra, việc tăng nhiều khoản chi phí như thuê văn phòng mới, các chi phí liên quan dời văn phòng (xoá sổ tài sản ở văn phòng cũ), tổ chức sự kiện, chi phí truyền thông liên quan đến khủng hoảng mạng đa kênh trên nền tảng YouTube và một số chi phí có liên quan khác đã kéo lợi nhuận ròng của công ty sụt giảm mạnh trong quý.
Với kết quả kinh doanh này, Yeah1 mới chỉ hoàn thành 19% chỉ tiêu doanh thu (2.000 tỷ đồng) và 4% chỉ tiêu lợi nhuận (180 tỷ đồng) cả năm của tập đoàn đề ra trong báo cáo thường niên 2018 trước đó.
Nhiều lãnh đạo chưa mua cổ phiếu như thông báo
Liên quan tới cổ phiếu YEG, báo cáo kết quả giao dich cổ phiếu mới đây của các lãnh đạo và cá nhân/tổ chức có liên quan tới cổ đông nội bộ Yeah1 cho biết hàng loạt lãnh đạo tập đoàn này đã không mua bất kỳ cổ phiếu nào như đăng ký trước đó.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapial (tổ chức có liên quan tới ông Hoàng Đức Trung, Thành viên HĐQT và ông Lâm Quốc Thái, Thành viên BKS) đã không mua cổ phiếu nào trong 100.000 cổ phiếu đăng ký mua.
Ngoài ra, ông Hoàng Đức Trung cũng chưa mua cổ phiếu nào trong 200.000 đơn vị đăng ký.
Đây là lượng cổ phiếu mà các lãnh đạo tập đoàn đăng ký mua vào khi YEG giảm sàn nhiều phiên liên tiếp sau sự cố với YouTube.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT là lãnh đạo duy nhất của Yeah1 mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu như đã đăng ký. |
Ngoài Công ty Quản lý quỹ VinaCapial và ông Hoàng Đức Trung, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT, cũng đăng ký mua 100.000 cổ phiếu; và ông Võ Thái Phong, Phó tổng giám đốc tài chính, đăng ký mua 50.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến nay, chỉ có ông Tống đã mua vào 100% cổ phiếu đăng ký, và ông Phong mua 10% số lượng đã đăng ký trước đó. Còn lại các lãnh đạo, tổ chức có liên quan đều không mua bất kỳ cổ phiếu nào như đã đăng ký trước đó với lý do điều kiện thị trường không phù hợp.
Theo thông báo mới nhất, Yeah1 cho biết đã nhận được hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và sẽ tiến hành các thủ tục trình Đại hội cổ đông để phê duyệt phương án mua cổ phiếu quỹ tại cuộc họp Đại hội cổ đông 2019 dự kiến được tổ chức vào ngày 8/5 tới đây.
Điều này đồng nghĩa với việc dù công bố từ đầu tháng 3, nhưng đến nay Yeah1 cũng chưa tiến hành mua vào cổ phiếu quỹ.
Kể từ thông báo về việc được gia hạn hiệu lực thỏa thuận lưu trữ nội dung với YouTube thêm 2 tuần sau ngày 31/3, đến nay, Yeah1 chưa có thông báo nào về quá trình đàm phán nói trên. Dự kiến, kế hoạch sản xuất kinh doanh điều chỉnh dựa trên kết quả đàm phán với YouTube sẽ là một nội dung quan trọng trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 tới đây của Yeah1.
Khủng hoảng YouTube ở Yeah1
Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đang trải qua cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán đến nay.
Vụ việc khởi phát từ thông tin Yeah1 đưa ra cho hay YouTube xác định SpringMe - công ty có trụ sở tại Thái Lan mà Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93% đã có hoạt động quản lý tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube.
Điều này dẫn tới việc YouTube chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA) có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng YouTube Adsense của mạng đa kênh này. Đồng thời, 2 mạng đa kênh khác thuộc Yeah1 cũng chịu liên đới với chính sách tương tự là Yeah1 Network và ScaleLab.
Yeah1 đã mất hơn 1.100 kênh, cổ phiếu giảm 60% giá trị và bán lại network ScaleLab từng mua giá 20 triệu USD hồi đầu năm 2019. Từ một cổ phiếu có thị giá cao nhất thị trường, hiện YEG đã rơi xuống nhóm cổ phiếu có thị giá tầm trung.