Sau hơn một tuần chật vật, cổ phiếu của United Continental, công ty mẹ của United Airlines, vẫn loanh quanh ở mức 69 USD một cổ phiếu. Như vậy, hãng hàng không này vẫn mất 1 tỷ USD giá trị sau khủng hoảng kéo lê khách hàng David Dao khỏi máy bay do thiếu chỗ.
Giá trị cổ phiếu của công ty mẹ United Continental vẫn chưa thể phục hồi về mức trước khủng hoảng kéo lê khách hàng. Đồ họa: Google. |
Không chỉ bị ảnh hưởng vì khủng hoảng kéo lê khách, cổ phiếu của hãng còn gặp khó khi báo cáo tài chính quý I/2017 của United Airlines cho thấy lợi nhuận của hãng đã giảm tới 69%. Hai nguyên chính được đưa ra là giá nguyên liệu đầu vào cùng chi phí lao động tăng cao.
Cụ thể, giá nhiên liệu máy bay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lương cho nhân viên của hãng cũng tăng do các thỏa thuận giữa hãng với nghiệp đoàn.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại khủng hoảng kéo lê khách hàng sẽ còn đáng lo hơn là lợi nhuận một quý sụt giảm.
United Airlines hiện có 84.000 nhân viên, khai thác 5.500 chuyến bay mỗi ngày. Hãng từng có nhiều vụ việc lùm xùm trong quá khứ liên quan đến chất lượng dịch vụ và mới đây nhất là sự việc hành khách David Dao, 69 tuổi, một người Mỹ gốc Việt bị kéo lê khỏi máy bay của hãng.
Do máy bay không còn ghế trống, hãng đã chọn ngẫu nhiên một số người xuống máy bay để nhường chỗ cho phi hành đoàn dự bị. Ban đầu đại diện của hãng đã đề nghị trả 1.000 USD cho các hành khách đồng ý nhường ghế.
2 trong 3 hành khách được lựa chọn đã đồng ý với đề nghị này. Tuy nhiên, người còn lại, ông David Dao không chấp thuận. Khi đó, máy bay đang chuẩn bị cất cánh từ thành phố Chicago đến Louisville.
Ông Dao sau đó đã rời máy bay với gương mặt đầy máu và bị lôi khỏi máy bay.
Đoạn video ghi lại cảnh tượng trên đã lan truyền trên mạng, khiến United Airlines rơi vào khủng hoảng truyền thông.