Người Việt ta từ xưa nay không quen duy lý, giữa cái lý (rành rẽ, logic) và cái tình thì cái tình bao giờ cũng được đặt lên trên. Truyện trinh thám của ta từ đầu thế kỉ 20 đến nay (khi chữ quốc ngữ được sử dụng một cách chính thức và hệ thống) cũng vậy, so với tiểu thuyết đề tài khác như tâm lý, tình cảm, xã hội, đường rừng, phiêu lưu… thì còn kém xa.
Trước chỉ có Thế Lữ, Phạm Cao Củng… đạt được một số thành tựu về truyện trinh thám với hai nhân vật chính là Lê Phong và Kỳ Phát. Với Thế Lữ thì nhân vật chịu ảnh hưởng nhiều của nhà văn Arthur Conan Doyle với nhân vật huyền thoại Sherlock Holmes; với Phạm Cao Củng thì nhân vật, tình tiết vụ án, cảnh sắc, lời thoại Việt hơn.
Trinh thám mang màu sắc huyền thoại, văn hóa Champa
Nói thế không có nghĩa trinh thám không tạo được dòng chảy cho riêng mình trong cả thế kỷ qua. Dù nhỏ, nhưng luôn có những người khơi cho dòng trinh thám tiếp tục chảy, và Giản Tư Hải là một nhà văn như thế.
Với nhân vật Kì Phương, ở Minh Mạng mật chỉ, nhất là Mật mã Champa cho thấy với những biến cố lịch sử đã có việc tạo được một câu chuyện trinh thám hay là điều hoàn toàn có thể.
Tiểu thuyết Mật mã Champa mới được NXB Thanh Niên tái bản, có bổ sung nội dung. |
Mật mã Champa mở đầu với việc viên kiến trúc sư người Pháp tên Paul Morierre cùng người vợ của mình cùng nhau khám phá thánh địa Naga (Campuchia). Nơi đây họ đã gặp rắn thần, các bức tượng vàng, điêu khắc cổ, cùng các bẫy rập phải khéo léo lắm mới có thể vượt qua.
Nhưng chỉ trong tích tắc sơ sẩy tranh cãi vì một linh vật, người vợ chạy đi vướng phải bẫy chết, lời nguyền của hội kín Naga gieo xuống, cạnh nửa thân người vợ có một cánh tay cũng vừa bị cắt đứt không rõ của ai. Người đàn ông Pháp sợ hãi chạy trốn, mang theo linh vật mà vợ ông đã cố giành để mang về thánh địa Mỹ Sơn (Việt Nam) chôn.
Mười hai năm sau, sắp đến ngày chu kỳ mà cánh cửa nơi thánh địa Naga mở, Paul Morierre quyết định thông tin về một cuộc khai quật vô tiền khoáng hậu chưa từng có trong lịch sử khảo cổ thế giới, địa điểm khai quật từ Việt Nam kéo dài sang Campuchia. Mà điểm khởi đầu là linh vật, cùng tấm bản đồ da dê mà ông đã chôn ở Mỹ Sơn mười hai năm trước.
Tiếp đến, từ tấm bản đồ đó họ sẽ nhanh chóng tiếp cận được thánh địa Naga trong truyền thuyết vào đúng kỳ hạn nó mở cửa. Nhưng mọi sự chẳng suôn sẻ như ông ta đã tính toán, dự kiến.
Trước ngày thông báo khảo cổ, ông bị giết ở chính nơi ông đã chôn linh vật xưa. Cái chết của ông là cái chết man rợ mang nội dung hiến tế với kim đâm vào động mạch cổ cho máu chảy đến chết. Đồng thời nó còn là sự ngăn chặn không cho khai quật kho báu mà hội kín Naga đã giữ từ nhiều thế kỷ.
Cùng lúc này con gái ông là Thi Nga từ Pháp về, người đi đón từ sân bay không ai khác là Kì Phương - học trò cưng của ông. Họ không tìm thấy ông trong khách sạn, nơi ông để lại mẩu giấy đầy các ký tự báo nơi ông sẽ đến.
Họ đến nơi mà mẩu giấy ghi, Kì Phương phát hiện ra thầy mình đã chết, anh giấu Thi Nga, làm cô nghĩ cha mình có thể đã bị bắt cóc, hoặc đã đi Campuchia tìm kho báu. Họ lập tức lên đường sang Campuchia trong sự truy nã gắt gao của cảnh sát mà đứng đầu là Thiếu tá Lê Đại Hắc.
Sang Campuchia họ tiếp tục chạy trốn sự truy nã của sánh sát bên này, đứng đầu là Đại úy Thet Manet. Bắt buộc họ phải liên lạc với vua đồ cổ Simha để tránh sự truy lùng của cảnh sát, đồng thời đến được thánh địa đúng thời khắc cánh cửa sẽ mở.
Để lấy được lòng tin của Simha, Kì Phương đã đưa cho anh ta xem cuốn sổ ghi chép và những bức ảnh mà cha của Thi Nga đã chụp trong lòng thánh địa Naga khi xưa. Simha tin tưởng đưa họ về nhà, nơi y sống cùng bố nuôi (chính là ông ngoại của Thi Nga, người đã mất một cánh tay mười hai năm trước ở Naga).
Nơi thư viện chứa nhiều pho sách cổ, Simha cho họ xem những sách vở, tư liệu y thu thập được về Naga, thứ tưởng chừng đã bị tiêu hủy từ đầu thế kỉ. Bản thân Simha cũng chịu sự chi phối, sai khiến của một kẻ có biệt danh Cả sư.
Cùng lúc đó có một người cũng có bản sao tấm bản đồ là tiến sĩ Phú Thành Tài lên đường sang Campuchia với mong ước tìm được kho báu. Nhưng ông ta chưa kịp vui mừng vì kẻ cạnh tranh của mình là Paul Morierre đã qua đời, thì cái chết đã tìm đến ông, khi ông ta quyết định bán bí mật của mình lấy ba mươi triệu đô. Trong lúc đàm phán thì người của Cả sư phái đến đã vào tận phòng khách sạn giết y.
Kẻ bí ẩn lại là người thân cận
Thi Nga, Kì Phương, Simha cùng lên đường đến thánh địa, cái họ có là tên căn phòng thật cùng thời khắc mà cánh cửa sẽ mở. Vừa đi họ vừa phải trốn tránh sự truy đuổi của cảnh sát hai nước Việt, Cam và một kẻ thù vô hình mang tên Hội kín Naga mà đứng đầu là Cả sư.
Vào được bên trong thì vì cứu Thi Nga, Simha bị rắn thần ăn thịt. (Rắn thần là một loài bò sát lớn, từng được nhắc đến trong các tác phẩm của Sơn Nam hay toàn quyền Paul Doumer).
Tác giả Giản Tư Hải chuyên viết tiểu thuyết trinh thám gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa. |
Họ khám phá, và phát hiện ra Cả sư - người của Hội kín Naga không phải kẻ xa lạ. Ông nội Thi Nga cùng kiến trúc sư người Pháp Paul Morierre cũng là người của hội kín. Bản thân Thi Nga cũng đã biết tất cả mọi việc của cha mẹ mình xưa nhưng cô giấu Kì Phương, bởi sợ anh không muốn giúp cô tìm ra sự thật. Nhưng khi sự thật sáng tỏ, thì Kì Phương, Thi Nga phải tự tìm ra con đường sống cho mình...
Với cốt truyện liền mạch, cuốn hút, Mật mã Champa đã đưa người đọc khám phá nhiều bí ẩn, huyền thoại của người Champa cổ xưa. Ở thể loại trinh thám, tác giả Giản Tư Hải mang lại cho người đọc sự chờ đợi không chỉ ở những tình tiết trong tác phẩm mà cả sự chờ đợi ở tác phẩm trinh thám tiếp theo, bởi nhà văn Việt viết trinh thám đã ít, những người chỉ chọn trinh thám cho sự viết của mình càng ít hơn.
Nhất là ở đây, Giản Tư Hải đã có ý thức xây dựng Kì Phương thành một nhân vật xuyên suốt trong series tác phẩm trinh thám giàu yếu tố văn hóa, lịch sử của mình.