Bài viết Rough Guides (một trong những trang hướng dẫn, thông tin du lịch lớn nhất thế giới, thành lập năm 1982 ở Anh quốc - P.V) cho rằng: “Với 10ha vườn rợp bóng cây cao, công viên Tao Đàn (quận 1) tạo cơ hội cho cư dân TP.HCM thoát khỏi những đường phố tấp nập xe cộ. Nhưng khi mặt trời lặn, nhiều người dân địa phương khó mà thư giãn trọn vẹn tại đây. Người ta đồn rằng hồn ma của một thanh niên bị giết chết trong một vụ thanh toán vẫn còn lởn vởn trong công viên để tìm kiếm người yêu bị thất lạc của mình”. Thực ra thì nơi đây chưa từng xảy ra án mạng. Có chăng là một vụ cướp tài sản từ năm 1989.
Công viên Tao Đàn. |
Trong sách Sài Gòn trong mắt tôi (tác giả Phụng Nghi), có viết về lịch sử công viên Tao Đàn như sau: Nguyên khu đất này thuộc khuôn viên dinh Toàn quyền của Pháp. Năm 1869, người Pháp cho xây con đường Miss Clavell tách khu vườn khỏi dinh. Khu vườn chính thức mang tên Jardin de la Ville, nhưng người Việt quen gọi đó là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô, có lẽ là phiên âm theo préau (tiếng Pháp, nghĩa là “sân lát gạch”).
Sau khi người Pháp rút lui, tên vườn đổi là “Vườn Tao Đàn”, và hiện nay là công viên Tao Đàn. Trong trí nhớ của nhiều bậc cao niên, khoảng năm 1955 - 1960, nơi đây có rất nhiều cây cổ thụ do người Pháp trồng khi xâm lược thuộc địa và các tỉnh, thành tại Việt Nam. Do vậy, ở đây có rất nhiều cây đa và từng có trường hợp tự tử, người khác thì chọn bến sông vắng ở cầu Bình Lợi (giáp ranh quận Bình Thạnh và Thủ Đức) để trốn chạy sự sống chứ không hề có ma quỷ.
Bia mộ. |
Trang tin du lịch này còn đồn thổi ở công viên có một ngôi mộ huyền bí, có ma ám. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu của các nhà khảo cổ, ngôi mộ được xây dựng năm Ất Mão (1795). Người nằm trong mộ là ông Lâm Tam Lang mất vào mùa thu Ất Mão (1795) và bà Mai Thị Xã - vợ ông. Họ Lâm người gốc Quảng Đông.
Tên tuổi của vợ chồng người lưu dân này thì không ai biết. Nhưng chúng ta sẽ nhớ hậu duệ đời thứ tư của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky - Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo lẫy lừng. Hậu duệ đời thứ bảy là ông Lâm Đình Phùng lại không theo nghiệp binh đao, ông bắt đầu sáng tác nhạc vào năm 13 tuổi, bút danh của ông là Lam Phương.
Cổ mộ này được xây dựng rất kỳ công, tinh xảo, gồm nhiều lớp, tường thành, có mái để che bia mà nhiều người đi qua đường Trương Định cũng không hề để ý. 218 năm đã trôi qua, trải qua bao mưa nắng nhưng ngôi mộ không hề bị xuống cấp. Qua nhiều lối đi mô phỏng tường thành, người vào viếng phải cúi đầu qua cổng mộ rồi mới được vào khuôn viên bên trong. Nơi yên nghỉ của vợ chồng ông Lâm nhỏ xíu, giống như những cái mộ xi măng hiện nay. Nét kiến trúc này giống với mộ phần tả quân Lê Văn Duyệt ở khu vực Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), của tướng quân Thoại Ngọc Hầu tại phường Núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang)...
Ngoài ra, “mặt tiền” của bài viết phù phiếm trên trang mạng kia còn ghép hình một người trung niên trồng hoa không liên quan gì đến công viên Tao Đàn, chắc là để minh họa cho một không gian đẹp.
Xóa sổ lời đồn nhảm nhỉ
Là chứng nhân của sự thật, anh Phạm Văn Dũng, bảo vệ của ban quản lý công viên Tao Đàn (thuộc Công ty công viên cây xanh, Sở Giao thông - Vận tải), cho biết, ở đây có 30 nhân viên bảo vệ, chia làm hai ca; ca một bắt đầu từ sáng sớm đến 19h30, ca hai là thời gian còn lại nhưng chưa bao giờ các anh trông thấy ma quỷ.
“Từ sáng sớm, tôi đã thấy người dân đến tập thể dục, chạy bộ, đi quyền, tối đến là lúc các đôi lứa yêu nhau hay gia đình dẫn con đến đây chơi. Có bao giờ thấy ai phàn nàn hay kể chuyện phù phiếm gì đâu?”, anh Dũng chia sẻ.
Anh Dũng cho biết thêm, cách đây năm sáu năm có một cụ khoảng 70 tuổi, dáng người hom hem đi cùng cháu trai, cứ tới rằm hoặc ngày mùng một hằng tháng lại đến cổ mộ để nhang khói và cúng bánh trái; ngày Tết thì đến sơn quét vôi vữa cho ngôi mộ. Lấy làm lạ, anh Dũng hỏi thân phận cụ già thì cụ ấy bảo mình là hậu duệ của vợ chồng ông Lâm. Khi cúng xong, bánh trái cụ đều... mang về nhà chứ không chia cho những người xung quanh để lấy lộc như phong tục của người Việt Nam. Bẵng đi vài năm, cụ già ấy không còn đến nữa.
Anh Phạm Văn Dũng. |
Lê Minh Phương (SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) còn hóm hỉnh kể: “Nhiều đêm khuya, bạn bè em rủ nhau ra đây ngồi dưới ánh đèn công viên học bài, vừa yên tĩnh vừa mát mẻ, lại lãng mạn, chứ thấy gì đâu ngoài cây cối, gió lao xao”.
Anh Trần Văn Thủ (55 tuổi, sửa xe máy phía giao lộ Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai) thì nói rằng, nhiều đêm đợi khách anh ngủ luôn trên chiếc ghế bố ở mái hiên công viên. Nửa đêm đói bụng, anh lò dò dậy tìm bánh mì khi đường phố đã vắng bóng người. Trước mặt anh là cây cối um tùm, thỉnh thoảng lại có công an đi tuần tra, khung cảnh rất nên thơ lại còn an toàn nữa.
Từ những thông tin trung thực trên, có thể khẳng định chiêu “lăng xê” công viên Tao Đàn chỉ là một trong những cách để thu hút du khách của trang du lịch Anh quốc. Thực tế cho thấy, nhiều trang mạng du lịch nước ngoài luôn “nổ” là có những tòa nhà, công viên lâu đời... có ma cà rồng hay hồn trinh nữ để hút khách dù chính các nước ở phía Tây bán cầu từng đi đầu trong việc bài trừ mê tín dị đoan.