"Khi ông Thaksin Shinawatra còn là thủ tướng từ năm 2001 - 2006, chúng tôi có thể bán gạo với giá cao hơn. Họ nâng đỡ đời sống của nông dân. Tôi hy vọng chính phủ kế tiếp có thể hỗ trợ cuộc sống chúng tôi tốt hơn", lão nông Buadang Nakpornprai chia sẻ.
Nikkei Asian Review nhận định bà cụ Buadang 67 tuổi là một người ủng hộ điển hình của truyền thống chính phủ có nghĩa vụ trợ cấp cho người dân. Tờ báo này nhận định những sự hỗ trợ của chính phủ có thể giúp nông dân trong ngắn hạn, nhưng nếu chính phủ không thực hiện đúng cách, chính người nông dân rồi sẽ trả giá cho những tiện lợi nhất thời.
"Người làm nông sẽ không nghĩ đến việc tăng năng suất hay cắt giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh với các đối thủ", Chookiat Ophaswongse, chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, cảnh báo.
Nhiều chính phủ duy trì chính sách hỗ trợ nông dân Thái Lan nhưng lại làm mất động lực cạnh tranh và tăng năng suất nông nghiệp. Ảnh: Nikkei. |
Mất động lực cạnh tranh
Nhiều người cho rằng kiểu tư duy phổ biến hiện nay khiến Thái Lan sản xuất được ít các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Cụm từ này dùng để mô tả một quốc gia mất đi lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu một khi mức lương trung bình đạt đến một giới hạn nhất định, trong lúc chưa thể đạt được tiến bộ công nghệ cần thiết để cạnh tranh với những nền kinh tế phát triển hơn.
Đây cũng là bài toán khó cho những nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai của Thái Lan. Nhiều người hoài nghi khả năng giới lãnh đạo tập hợp đủ quyết tâm chính trị và duy trì sự ổn định lâu dài để thúc đẩy cải cách cứng rắn, giải quyết những vấn đề dài hạn của đất nước, từ mất cân bằng trong ngành giáo dục đến sự phụ thuộc vào nguồn lao động di cư giá rẻ.
Đã gần một thập niên trôi qua kể từ khi Thái Lan bắt đầu nỗ lực tái cấu trúc khu vực nông nghiệp. Giới lãnh đạo kêu gọi nông dân chuyển dịch khỏi các sản phẩm cấp hàng hóa thông dụng, giảm rủi ro tổn thương do những biến động về giá cả thị trường.
Tuy nhiên, để thâu tóm những lá phiếu của cử tri, nhiều chính phủ trong quá khứ đã tiến hành các chính sách mâu thuẫn lẫn nhau, có lúc đẩy giá sản phẩm nông nghiệp lên cao và hỗ trợ nông dân bằng tiền mặt.
Những cám dỗ chính trị không hề nhỏ. Trong tổng dân số 69 triệu người của Thái Lan, khoảng 30 triệu người làm nghề nông và một nửa số này là nông dân nghèo.
Ví dụ điển hình nhất về "chủ nghĩa dân túy gạo" trong chính trị Thái Lan là chiến thắng áp đảo của bà Yingluck Shinawatra, em gái cựu thủ tướng Thaksin, trong cuộc bầu cử năm 2011. Trong thời gian tranh cử, bà đã hứa với nông dân rằng gạo sẽ được mua với giá 15.000 bath/tấn, tức gấp đôi giá thị trường.
Bà Yingluck Shinawatra giành chiến thắng áp đảo năm 2011 nhờ lấy lòng được cử tri các vùng nông thôn. Ảnh: Reuters. |
Sau cuộc khủng hoảng chính trị và đảo chính quân sự năm 2014, sự kiện làm chấm dứt nhiệm kỳ thủ tướng của bà Yingluck, chương trình trợ giá gạo của bà đã trở thành tâm điểm vụ án thất thoát công quỹ nghiêm trọng buộc bà phải bỏ trốn khỏi Thái Lan năm 2017.
Ngoài những mục tiêu chính trị, nhiều chính phủ Thái Lan trong quá khứ cũng hy vọng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp sẽ tạo ra nguồn vốn để người nông dân đầu tư vào tương lai, như mua thêm thiết bị hiện đại hoặc nâng cao học vấn để tăng năng suất.
Những biện pháp "cho không" này cuối cùng lại làm cho khu vực nông nghiệp thêm trì trệ, theo nhận định của học giả Somchai Jitsuchon thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển Thái Lan.
"Người nông dân không nghĩ gì khác ngoài việc trồng lúa. Đến một ngày, khi chương trình hỗ trợ phá sản, họ không có gì khác trong tay. Họ không thể tự điều chỉnh sang việc sản xuất gạo với chi phí thấp để tăng tính cạnh tranh, hay thậm chí là tạo ra những sản phẩm cao cấp với chất lượng cao hơn", ông cho biết.
Nhu cầu cải cách toàn diện
Đây là một trong những lý do mà kỳ tổng tuyển cử sắp đến sẽ có tác động rất lớn đối với Thái Lan. Cuộc bầu cử bị trì hoãn nhiều năm, được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 24/2, có thể là cơ hội hiếm hoi để "xứ sở chùa Vàng" chọn ra nhà lãnh đạo tận tâm với sự phát triển dài hạn.
Cả ba nhóm tranh cử lớn nhất đều cho thấy mong muốn giải quyết các vấn đề trên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc thực thi chính sách mới là bài kiểm tra thật sự và điều này chỉ sáng tỏ sau bầu cử.
Trong thập niên 1960, Thái Lan từng lôi kéo được những nhà sản xuất ôtô và nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến mở nhà máy. Điều này giúp họ vượt mặt những láng giềng trong khu vực trong lĩnh vực công nghiệp.
Bàn cờ giờ đây đã xoay chuyển. Từ năm 2010-2016, tăng trưởng về năng suất tính trên đầu người của Thái Lan đã bị Việt Nam, Indonesia và Philippines bỏ lại phía sau, theo số liệu của Tổ chức Năng suất Châu Á. Khu vực nông nghiệp của Thái Lan là một phần nguyên nhân dẫn đến tình hình này.
Nhiều học giả đánh giá Thủ tướng Prayut Chan-o-cha thời gian qua là người chọn cách tiếp cận đúng đắn với nông dân Thái Lan.
"Chính phủ hiện nay đã tránh tiến hành những biện pháp mang tính dân túy, thúc đẩy một bộ phận nông dân rời công việc hiện tại, chuyển vào những vùng đô thị và tiếp cận những công việc mang năng suất cao hơn", Akio Egawa, nhà kinh tế của Đại học Momoyama Gakuin, Nhật Bản, nhận định.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong một sự kiện tại tỉnh Chiang Mai ngày 14/1. Ảnh: Nikkei. |
Tuy nhiên, trong giai đoạn tranh cử, cựu lãnh đạo quân đội Thái Lan lại bất ngờ thay đổi, chi ngân sách gần 1 tỷ bath (hơn 31,3 triệu USD) để trợ giá dầu dừa trước tình trạng cung vượt cầu. Gần 14,5 triệu người nghèo được tặng 500 baht tiền hỗ trợ cho mỗi người từ nguồn ngân sách chính phủ.
Tình trạng giảm năng suất lao động có nguồn gốc sâu xa hơn những khoản hỗ trợ nông nghiệp bề mặt. Việc cải cách giáo dục đang là nhu cầu cấp thiết tại Thái Lan. Hệ thống giáo dục và đào tạo của nước này đang tạo ra một số lượng đáng kể những cử nhân không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động.
"Tôi tốt nghiệp từ một trường đại học rất chất lượng tại Bangkok, nhưng giờ không kiếm được bất kỳ công việc nào phù hợp với chuyên ngành của mình", một cử nhân luật 27 tuổi chia sẻ anh đang kiếm sống bằng nghề chuyên viên hỗ trợ khách hàng cho một công ty điện tử.
Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài lẫn Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, dù nhiều người Thái có bằng cử nhân nhưng phần lớn lại thuộc các chuyên ngành xã hội. Trong khi đó, những công việc như kỹ sư điện tử và công nghệ robot mới thúc đẩy đầu tư vào những ngành công nghiệp mới và công nghệ cao, vốn nằm trong kế hoạch phát triển Hành lang Kinh tế Phía đông của chính phủ.
"Rất ít đại học công lập và đại học quốc gia có chương trình khoa học ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều gia đình Thái trong thập niên 2010 có xu hướng không cần con cái theo đuổi giáo dục đại học", ông Egawa cho biết.
Trong khi Thái Lan không có đủ lao động tay nghề cao để thoát bẫy thu nhập trung bình, nước này cũng thiếu hụt lao động phổ thông để đáp ứng cho những ngành công nghiệp xuất khẩu đang chiếm hơn 60% tổng GDP.
Nền kinh tế "xứ sở chùa Vàng" không những phụ thuộc vào du khách nước ngoài mà còn cả lao động nhập cư từ các nước láng giềng. Chính phủ Thái Lan gần đây đã ký bản ghi nhớ với Myanmar tạo điều kiện tuyển dụng gần 50.000 người để bù đắp thiếu hụt lao động trong khu vực ngư nghiệp.
"Tất cả những vấn đề từ cải cách nông nghiệp và các vùng nông thôn, cải cách giáo dục và bài toán lao động nhập cư đều có mối liên quan chặt chẽ", Kobsidthi Silpachai, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và thị trường của Ngân hàng Kasikornbank, đánh giá.
"Khi chính phủ không thúc đẩy nông dân tăng năng suất hoặc năng lực cạnh tranh, sẽ có ít người trong khu vực nông thôn theo đuổi giáo dục cao hơn. Điều này góp phần khiến chính phủ không mạnh mẽ cải cách giáo dục, tạo ra nhiều nhân tài hơn đáp ứng nhiều ngành nghề khác nhau", ông phân tích.
Tham vọng "Thái Lan 4.0"
Sự bất ổn chính trị dai dẳng tại Thái Lan càng khiến thay đổi thêm khó khăn. Nhiều người vì lý do này đánh giá chính quyền quân sự đã trở thành một động lực tích cực cho cải cách, hay ít nhất đã tạo dựng một phần nền tảng cho phát triển.
Chính phủ của Thủ tướng Prayut thực hiện nhiều bước thúc đẩy công nghiệp chế xuất, triển khai kế hoạch biến Thái Lan thành trung tâm kết nối kỹ thuật số thông minh. Chính quyền Bangkok còn khởi động sáng kiến Hành lang Kinh tế Phía đông, đặt mục tiêu đưa "Internet vạn vật" và các trung tâm sáng tạo đến ba tỉnh công nghiệp, thành vùng tập trung chế tạo ôtô, hóa dầu và thiết bị điện tử lớn nhất châu Á.
Nền kinh tế Thái Lan đang dần phụ thuộc vào lao động nhập cư. Ảnh: Nikkei. |
Chiến lược "Thái Lan 4.0" đầy tham vọng của Thủ tướng Prayut phần nào mở ra hy vọng nâng cao năng suất công nghiệp cho đất nước. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa mục tiêu được đánh giá là vô cùng khó khăn.
Cuộc tổng tuyển cử sắp tới sẽ là "cuộc đua tam mã" giữa đảng Palang Pracharat ủng hộ Thủ tướng Prayut, đảng Pheu Thai có liên kết với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ được nhóm cử tri thành thị ủng hộ.
Chính quyền kế nhiệm dù về tay ai sẽ đối diện với bài toán khó mang tên Khung Chiến lược Quốc gia 20 năm, được Thủ tướng Prayut đặt ra vào năm 2016. Tầm nhìn này bao gồm kế hoạch đầy tham vọng đưa Thái Lan bước chân vào nhóm các nước thu nhập cao trong năm 2036. Mục tiêu này đòi hỏi tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm phải đạt từ 5 - 6%.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Thái Lan từ tháng 6 - 9/2018 chỉ đạt 3,3% so với cùng kỳ. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam dự báo tăng trưởng năm 2019 chỉ đạt 4%.
Tốc độ tăng trưởng thấp sẽ chỉ khiến cho Thái Lan chật vật hơn trong nỗ lực thoát bẫy thu nhập trung bình. Đất nước này đang đối diện với nguy cơ dân số già. Điều này đồng nghĩa rằng cơ hội duy nhất để chính phủ kế nhiệm đạt được mục tiêu đề ra là phải cải thiện được năng suất lao động.
Thời gian không còn nhiều cho Thái Lan. Vậy nhưng cuộc tổng tuyển cử lại đang có nguy cơ tiếp tục bị trì hoãn. Thủ tướng Prayut nhiều lần bóng gió khả năng dời ngày tổ chức bầu cử dù hiến pháp chỉnh sửa quy định tổng tuyển cử phải diễn ra trước ngày 9/5 năm nay.
Dù chưa có thông báo chính thức, hai quan chức cấp cao trong Ủy ban Bầu cử Quốc gia ngày 15/1 tiết lộ với AFP nhiều khả năng sự kiện sẽ được dời từ 24/2 sang ngày 10 hoặc 24/3 vì "không có đủ thời gian để tổ chức".
Phản đối việc trì hoãn tổng tuyển cử, các nhóm hoạt động xã hội ủng hộ chấm dứt chính quyền quân sự đã bắt đầu biểu tình ở Bangkok và nhiều thành phố khác, như một lời nhắc nhở về bất ổn chính trị dai dẳng vốn là lực cản cho cải cách mà Thái Lan chưa tìm ra giải pháp.