Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lỗi lớn nhất của hàng không VN là tư duy 'Tôi không có lỗi'

"Có Cục Hàng không mà từ giá cả một bát mỳ tôm ở sân bay cũng phải đến Bộ trưởng giải quyết, vậy Cục Hàng không làm gì?", Bộ trưởng Thăng gay gắt trong cuộc họp sáng 11/7.

Sáng nay 11/7, tại Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trụ trì cuộc họp về nguyên nhân tình trạng chậm hủy chuyến bay thời gian qua.

Tỷ lệ hủy chuyến rất cao - 25%

Tỷ lệ hủy chuyến của các hãng hàng không rất cao trong 6 tháng đầu năm, khoảng 25%, trong khi cùng kỳ năm 2013 chỉ khoảng 15%, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN cho biết.

Đơn cử như chuyến bay của Jetstar Pecific Airlines (JPA) xuất phát từ Cam Ranh sáng qua (10/7) chậm tới 8 tiếng đồng hồ. Theo lịch, máy bay cất cánh vào lúc 11h trưa nhưng đến 19h30 tối mới có thể khởi hành, ông Thanh ví dụ.

các hãng cam kết sẽ cố gắng tránh tình trạng hủy chuyến ngay trong năm nay
Các hãng cam kết sẽ cố gắng tránh tình trạng hủy chuyến ngay trong năm nay

Cuộc họp sáng nay “nóng lên” khi ông Thanh đưa ra rất nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng này. Ngoài nguyên nhân khách quan do yếu tố thời tiết phức tạp, dự báo thời tiết chưa chính xác, quy chế cất cánh... thì nguyên nhân chủ quan là do các hãng hàng không khi không có biện pháp thay thế với các hỏng hóc phát hiện trước chuyến bay, không bố trí tàu bay dự bị, vật ngoại lai gây hư hỏng lốp tàu bay; chim va đập trong quá trình hạ cất cánh....

Ông Thanh cũng đánh giá tuy tỷ lệ hủy chuyến của Việt Nam là khá cao nhưng so với một số nước như Lào, Campuchia, tỷ lệ hủy chuyến này vẫn thấp hơn.

Bộ trưởng Thăng bác bỏ ngay ý kiến này, Bộ trưởng đặt câu hỏi:“Tại sao không so sánh với chính mình. Năm 2013 nhiều khó khăn hơn, năm nay máy bay thừa, điều kiện sân bay tốt hơn tại sao tỷ lệ hủy chậm chuyến lại tăng?”.

"Ông Thanh chưa nhận ra được khuyết điểm của mình và ngành Hàng không thì chưa thể có giải pháp được. So sánh phải nhìn lên, thấy người ta hơn mà học hỏi. Còn, một khi tình trạng hàng không như hiện nay mà ông vẫn  vui vẻ, vô cảm thì còn chậm còn hủy và rồi hòa cả làng, không ai chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng đánh giá.

Cam kết giảm hủy chuyến ngay trong năm

Không thực sự đồng tình lý do cục Hàng không đưa ra, đại diện các hãng hàng không cho rằng hiện nay hệ thống làm thủ tục chưa đồng bộ, việc tiếp xăng dầu chuyến bay chậm, khả năng cung cấp dịch vụ khai thác mặt đất cũng chậm, bên cạnh đó việc bố trí hạ cất cánh chưa khoa học. Đại diện Vietjet Air còn cho rằng hãng này không có mặt bằng ngoài ga để bố trí phòng họp, nhà chờ.

"Đừng lúc nào cũng có tư tưởng chê trách mấy hãng hàng không mà không nghĩ được họ kinh doanh phải lăn lộn như thế nào. Các anh phải nhảy vào cùng với doanh nghiệp mới biết được. Cứ ngồi trên bờ rồi bảo doanh nghiệp bơi đi, họ không bơi được thì bảo lỗi tại doanh nghiệp” - Bộ trưởng Đinh La Thăng.

Thừa nhận trình độ quản lý điều hành kỹ thuật bay còn kém so với các hãng lớn, đại diện của Vietjet Air, ông Lưu Đức Khánh, thay mặt hãng nhận trách nhiệm về tình trạng hủy, chậm chuyến. Đồng thời hãng này cũng hứa sẽ tìm mọi cách để đưa tỷ lệ về đúng giờ.  Cụ thể, trong tháng 7-8 sẽ giảm 50% tỷ lệ máy bay chậm hủy chuyến, cố gắng từ tháng 9 giảm 95%.

Về phía JPA, ông Lê Hồng Hà cũng thừa nhận hiện hãng có 6 máy bay, do quy mô nhỏ nên ảnh hưởng rõ đến việc chậm hủy chuyến. Hiện hãng vừa đưa vào sử dụng máy bay thứ 7, trong tuần tới sẽ tăng lên 8 máy. Hãng sẽ tăng quy mô 10 chiếc vào cuối năm 2014, đồng thời hứa sẽ giảm 85% tình trạng chậm hủy chuyến vào cuối năm nay.

Đại diện các hãng cũng thừa nhận việc xin lỗi đền bù nhiều khi cũng không giải quyết được vấn đề, điều hành khách cần là đúng giờ.  Do đó các hãng đều khẳng định sẽ cố gắng tìm mọi cách để đưa tỷ lệ về đúng giờ.

bộ trưởng Thăng cho rằng không thể để
Bộ trưởng Thăng cho rằng không thể để "thượng đế" ăn trực nằm chờ ở sân bay.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, lỗi lớn nhất tồn tại trong ngành hàng không hiện nay là luôn cho rằng “tôi không có lỗi gì mà là lỗi người khác”. Nếu còn vô cảm, còn bàng quan, còn đổ lỗi trách nhiệm thì không thể khắc phục được.

"Các hãng hàng không đừng tham bát bỏ mâm, đừng vì mục đích lợi nhuận mà bỏ qua lợi ích khách hàng dẫn đến chậm hủy chuyến, đấy mới là làm ăn lâu dài, bền vững. Các hãng cần đoàn kết, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, mất thương hiệu là mất thương hiệu hàng không Việt Nam chứ không phải một hãng nào cụ thể", Bộ trưởng khuyên các doanh nghiệp.

Yêu cầu đổi mới triệt để cục Hàng không

Không thể để khách hàng, vốn được coi là thượng đế ăn cơm nắm, nằm chờ, lang thang ở nhà ga chỉ vì máy bay không đến đúng giờ, các cơ quan phải nghiêm khắc với chính mình, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng tư duy quản lý Nhà nước hiện còn theo kiểu đá bóng. “Đầu tiên anh Thanh phải nhận trách nhiệm của mình đến đâu, trách nhiệm của Cục Hàng không VN đến đâu? Giải pháp đầu tiên để giảm tình trạng chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện Cục Hàng không VN, đây là giải pháp số một. Có Cục Hàng không mà từ giá cả một bát mỳ tôm ở sân bay cũng phải đến Bộ trưởng giải quyết, vậy Cục Hàng không làm gì?".

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định các hãng hàng không, đã mang thương hiệu hàng không Việt Nam, đều phải thấy xấu hổ khi tình trạng chậm hủy chuyến gia tăng.

Bộ trưởng yêu cầu, Tổng công ty Cảng cần đầu tư nâng cấp hạ tầng tại sân bay. Dịch vụ phi hàng không cục Hàng không phải kiểm tra lại, giá cả, làm rõ có hay không việc độc quyền trong kinh doanh. Một mặt hàng phải có ít nhất 3 nhà cung cấp, độc lập nhau.

Phải coi chậm hủy chuyến là lỗi chung của cả ngành, là sự xấu hổ chung của toàn ngành. Bộ trưởng yêu cầu cần đổi mới triệt để cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ quy trình, nếu tiếp diễn sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh. Cục Hàng không phải thực hiện ngay giám sát việc chậm hủy chuyến trong quý III, nội dung, quy trình giám sát phải công bố công khai.

Ngoài ra, cục Hàng không phải làm đề án đổi mới, Tổng Công ty Cảng phải làm đề án, đáp ứng được yêu cầu, nâng cao chất lượng dịch vụ, báo cáo trong tháng 7.

Chúng ta phải nhận thức được rằng, dù là hãng nào cũng đều mang thương hiệu hàng không Việt Nam, đều phải thấy xấu hổ khi tình trạng chậm hủy chuyến gia tăng. - Bộ trưởng Đinh La Thăng.

 

 

 

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm