Nhận xét của thuyền trưởng đội bóng JFL Selection rõ ràng mang tính ngoại giao. Và tất nhiên, chẳng ai tin vào những gì ông Mochizuchi hào sảng trong phòng họp báo, vì suy cho cùng, đấy cũng là cách đối thủ tự tôn vinh bản thân sau chiến thắng.
U23 Việt Nam trận này “chỉ” thua 1 bàn và cầm chân đối thủ đến tận phút 78 mới thủng lưới. Nếu xét về tính logic, họ đã tiến bộ thật. Ít nhất, đội bóng của HLV Miura cũng tỏ ra hiệu quả khi giảm thiểu được bàn thua.
Nhưng vấn đề là không nhiều người hy vọng vào sự tiến bộ ấy. Một đội bóng cấp Tuyển chỉ biết cố gắng thua ít hơn sau khi thua đậm ở trận trước và chấp nhận nghe lời khen của HLV đội hạng 4, có vẻ… hơi nản. Một đội bóng trong hai trận, công thành được 3 lần, còn lại là bế tắc và rối rắm.
U23 Việt Nam thua trong cả hai lần đối đầu với đội bóng hạng 4 Nhật Bản. Ảnh: Tùng Lê. |
Những người chứng kiến trận đấu quá quen với cách thử nghiệm của ông thầy người Nhật Bản. Dù vậy, họ vẫn hy vọng các cầu thủ sẽ thể hiện được điều gì đó tích cực. Thế nhưng, 90 phút của trận lượt về cũng chẳng khác mấy so với trận lượt đi. Pha bóng gây tiếng ồ duy nhất được tạo bởi Văn Toàn. Trận trước, khung thành của JFL Selection còn chao đảo… 2 lần.
Tổng kết lại, sau 180 phút có lẻ, U23 Việt Nam vẫn kém thế và không có cửa tấn công trước đối thủ chỉ có vỏn vẹn 16 người kể cả đá chính lẫn dự bị. Nếu trừ đi 2 thủ môn, cả đội tuyển, tất tần tật tương lai gần của nền bóng đá thua 14 cầu thủ bán chuyên đến từ Nhật Bản. Đích thân HLV Mochizuchi xác nhận, 100% các cầu thủ đến Việt Nam không phải… nghề cầu thủ. Họ làm những công việc khác, theo đuổi lý tưởng khác và chỉ chơi bóng đá ở hạng 4 như một cách tiếp cận rèn luyện sức khỏe. Nói không quá, họ đá hạng đấu ấy mà chẳng màng đến chuyện lên hạng, xuống hạng nhưng vẫn đủ sức đả bại U23 Việt Nam hai trận liên tiếp thì quả là… chúng ta yếu quá!
Trước đó, HLV Miura gây bất ngờ khi tâm sự với nhiều tờ báo nước ngoài về công việc ở dải đất hình chữ S. Ông không ngần ngại chỉ ra điểm yếu của các học trò nói chung, sẵn sàng đưa ra phê phán sự chênh lệch giữa tập luyện ở CLB và ở tuyển, nhưng việc cần làm là khắc phục điều ấy thì chẳng thấy ông đả động?!
HLV Miura (trái) thường tìm cách đổ lỗi sau mỗi thất bại của U23 hay tuyển Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê. |
Ai đó bảo, nhà cầm quân sinh năm 1963 luôn im lặng trước dư luận và báo chí Việt Nam để tập trung vào chuyên môn. Nhưng thực tình, sự im lặng của ông có phải do tôn trọng đất nước đang trao cho mình công việc hay không thì chẳng ai kiểm chứng nổi. Chỉ biết, mỗi lần đăng đàn là một lần ông vạch ra khuyết điểm của học trò như thể lực yếu, phòng ngự không biết, nêu ra hạn chế về sân bãi và nhiều thứ khác để lý giải những trận thua.
Cách đây chưa lâu, ĐT U21 Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Phạm Minh Đức đá giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên. Đội bóng ấy trẻ hơn các học trò HLV Miura hiện nay, họ cũng không có các nhân tố xuất sắc như U23 Việt Nam đang sở hữu. Nhưng lối chơi và tinh thần còn có cái để khen để chê. HLV Phạm Minh Đức cũng biết cách tạo ra mảng miếng rõ ràng, xem họ đá dù thua cũng còn có nét, cũng còn có cửa bật lại. Đằng này, U23 Việt Nam chỉ có lý do duy nhất là “tập nặng” là có thể dùng để đổ tội cho những màn trình diễn kém thuyết phục.
Trước đó, U19 HAGL với tướng quân Graechen được tặng biệt danh “vua về nhì”. Cá nhân HLV người Pháp bị cho là “không biết cầm quân trận tiền”. Nhưng có lẽ, ông thầy bị HAGL truất ngôi và không biết gì về đánh trận ấy, vẫn có cái để người ta yêu quý, vẫn có cái để hy vọng hơn là đội tuyển U23 được dẫn dắt bởi “chiến tướng Miura” hiện nay!