Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lời kể của những người chiến thắng trầm cảm

"Real Stories Of Dealing With Depression" là câu chuyện của những người dũng cảm đã vượt qua trầm cảm để sống tiếp một cuộc đời vui vẻ và hạnh phúc.

Benh tram cam anh 1

Năm 2017, Chester Bennington (cựu thủ lĩnh của nhóm nhạc Linkin Park) qua đời ở tuổi 41 vì tự sát. 36 giờ trước khoảnh khắc định mệnh, một video ghi lại cảnh anh ngồi cạnh con trai và chơi trò kẹo thổi. Khi đó, Chester hoàn toàn vui vẻ. Không ai nhận ra anh đau buồn hay đang chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.

Thực tế, những người mắc trầm cảm không có nhiều biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng thẳm sâu bên trong, họ bế tắc trước cuộc sống, không tìm được lý do để tồn tại. Cuốn sách Real Stories Of Dealing With Depression do Amrita Tripathi và Arpita Anand biên soạn là lát cắt nhỏ, đi sâu vào những suy nghĩ của người mắc trầm cảm.

Cuốn sách chia thành 4 phần: Sống chung với trầm cảm; Những liệu pháp; Trầm cảm sau sinh và Cách tự chăm sóc bản thân. Mỗi phần là ghi chép thực tế từ câu chuyện của những người đã và đang đối mặt trầm cảm; lời khuyên của các chuyên gia y tế, bác sĩ tâm lý.

Chuyện của Unnati, Arya, Deepa và “Anon”

Bốn nhân vật đầu tiên của phần Sống chung với trầm cảm là Unnati, Arya, Deepa và “Anon”. Họ mang mảnh ghép nhỏ về thế giới tăm tối mà người mắc trầm cảm phải đương đầu. Nhưng may mắn, Unnati, Arya, Deepa và “Anon” đều vượt qua.

Mở đầu là lời kể của Unnati với những trải nghiệm tuổi thơ khó quên. Điều đó góp phần tạo nên tính cách, tâm trạng và con người cô khi trưởng thành. Cuộc chiến với bệnh trầm cảm bắt đầu từ khi Unnati nhận ra bản thân thường nghĩ về nỗi buồn, sự cô đơn và cảm giác tăm tối. Phải mất vài năm, người phụ nữ này mới chấp nhận cảm giác xa lạ và tìm cách thoát khỏi nó.

Còn với Arya, cô rơi vào nỗi u uất bởi định kiến xã hội, cảm giác sợ hãi trước mỗi lời chế giễu hoặc tẩy chay. Sau khi trải qua cơn suy nhược thần kinh đầu tiên do áp lực học tập, Arya được chẩn đoán mắc trầm cảm. Cô sẽ không có cuộc sống bình thường vì căn bệnh này.

Nhưng Arya đã chứng minh bác sĩ sai. Ngọn lửa sống mãnh liệt đã chỉ lối cho Arya, giúp cô thoát khỏi tình cảnh phụ thuộc vào thuốc chống trầm cảm hay yếu kém mỗi khi nghe lời phê bình từ người khác.

Benh tram cam anh 2

Những người bị trầm cảm thường khó chia sẻ. Họ có thể tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc nhưng sâu thẳm bên trong là cảm giác vụn vỡ, cô đơn cùng cực. Ảnh: Medium.

Deepa cũng phải đối diện một cuộc đấu tranh tương tự. Sau vài năm sống trong sự phủ nhận, cuối cùng cô tìm đến các bác sĩ tâm lý. Nhưng điều đó không dễ dàng, bởi Deepa và nhiều người mắc trầm cảm khác khó mở lòng, tin tưởng ai đó để giãi bày tâm sự, trút gánh lo âu.

Nhân vật thứ 4 trong cuộc chiến với trầm cảm là “Anon”. Giống Chester Bennington, bên ngoài Anon là người hoạt bát và đầy năng động. Thẳm sâu bên trong, nỗi buồn lớn dần, tạo thành áp lực, Anon có góc nhìn tiêu cực. Cảm giác này đến từ các sự kiện đau buồn liên tiếp mà Anon gặp phải như người thân qua đời vì tự tử.

“Tôi chỉ hy vọng ai đó đọc được những chia sẻ của mình và tìm thấy chút an ủi. Bạn không đơn độc bởi tôi và nhiều người khác hiểu cảm giác của bạn. Chúng ta cần được giúp đỡ”, Anon chia sẻ trong cuốn sách và khuyến khích những người mắc trầm cảm cởi mở hơn.

Có những người không may mắn như Unnati, Arya, Deepa và “Anon”. Mỗi ngày, trầm cảm đẩy họ tiến dần tới vực thẳm và cái chết. Những cá nhân trên kể về câu chuyện của mình trong Real Stories Of Dealing With Depression. Họ mong mỏi bất kỳ ai gặp tình trạng tương tự sẽ mạnh mẽ vượt qua. Đây cũng là thông điệp của cuốn sách: Bạn không đơn độc, hãy để chúng tôi lắng nghe bạn.

Phần thứ 2 của cuốn sách được đưa ra dựa trên những kinh nghiệm của bác sĩ tâm lý Ratna Golaknath - người từng điều trị cho nhiều cá nhân mắc trầm cảm. Nhà trị liệu Ratna Golaknath cho hay nguyên tắc đầu tiên của những ai nghi ngờ hoặc có triệu chứng mắc trầm cảm là không sử dụng “bác sĩ Google” để tự chẩn đoán.

Còn với Shubhrata Prakash - nhân viên của Sở Thuế vụ Mỹ (IRS), tác giả cuốn sách The D Word - ghi lại kinh nghiệm khi đối mặt chứng trầm cảm sau sinh. Prakash cho hay việc trị liệu rất quan trọng. Những người mắc trầm cảm thường khó tự vượt qua mà cần đến lời khuyên từ các chuyên gia. Quan trọng là bệnh nhân tìm được nhà trị liệu mà họ tin tưởng, sẵn sàng kể hết mọi khúc mắc trong lòng.

Trong phần Những liệu pháp, đồng tác giả của cuốn sách Real Stories Of Dealing With Depression - Arpita Anand - đã đưa một số hướng dẫn cụ thể giúp người mắc trầm cảm tìm ra bác sĩ tâm lý phù hợp.

Benh tram cam anh 3

Áp lực sau sinh khiến nhiều bà mẹ rơi vào bế tắc, dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Ảnh: Uwmedicine.

Trầm cảm không loại trừ ai

“Khi mở mắt, tôi thấy mình nằm trên bàn mổ. Chồng dang tay và trao đứa con kháu khỉnh cho tôi. Trong khi đó, bác sĩ phẫu thuật khâu lại cửa mình sau sinh. Cảm giác mọi thứ rất kỳ lạ. Tôi muốn thấy hạnh phúc, muốn xúc động khi đón nhận đứa trẻ từ tay chồng, nhưng chẳng có gì, ngoài sự bối rối”, Prerna Uppal mở đầu cuộc chiến lâu dài của mình với chứng trầm cảm sau sinh.

Đây là chứng rối loạn thường gặp ở những phụ nữ sau khi sinh con. Ở một số người, trầm cảm sau sinh biểu hiện bằng sự tức giận hoặc thất vọng với đứa con chính mình sinh ra. Số khác cảm thấy tội lỗi vì đáng lẽ “họ phải hạnh phúc khi con chào đời” nhưng bên trong chỉ có sự trống rỗng.

Prerna kể lại quá trình mang thai và những thay đổi trong tâm trạng sau sinh. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đồng hành ở giai đoạn này. Bởi chỉ một thay đổi nhỏ cũng khiến các bà mẹ đi vào ngõ cụt, tìm đến các biện pháp tiêu cực, thậm chí tự sát hoặc làm tổn thương con.

Còn với Sarover Zaidi, bà mẹ này trầm cảm và bế tắc bởi áp lực khi chăm con. Gánh nặng mà những phụ nữ sau sinh phải đối mặt gây nên cảm giác căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực tới cảm xúc của họ.

“4 năm sau khi bố tôi mất vì đột quỵ, mẹ tôi trầm cảm. Em gái tôi cũng rất bối rối và mắc bệnh tương tự. Thời điểm đó, tôi sinh con. Tâm trí bị bủa vây bởi hàng loạt mất mát rồi hạnh phúc. Mọi thứ như một mớ hỗn độn, dày đặc đau buồn và áp lực”, Sarover Zaidi bắt đầu kể. Sau đó, cô chia sẻ về chặng đường mình đến gặp bác sĩ tâm lý, tìm cách gỡ rối ra sao.

Prerna và Sarover gửi gắm thông điệp ở phần một của cuốn sách nhấn mạnh: “Bạn không đơn độc, hãy tìm sự giúp đỡ”.

Trong 4 phần của cuốn sách, Amrita Tripathi và Arpita Anand cố gắng hướng tới lời khuyên cụ thể cho độc giả. Cuốn sách đưa ra câu trả lời hữu dụng ở các vấn đề: Làm thế nào nhận biết bạn đang bị trầm cảm? Quá trình điều trị sẽ ra sao? Và đặc biệt, nó thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những trái tim lạc lối.

Real Stories Of Dealing With Depression như đúng tên gọi của nó là góc nhìn chân thật về cuộc chiến của những bệnh nhân trầm cảm. 10 nhân vật và câu chuyện của họ là mười lát cắt về những gì người trầm cảm phải vượt qua. Nó cảnh báo chúng ta rằng trầm cảm không bỏ qua ai. Chúng ta cần có góc nhìn nhạy cảm hơn trước những thay đổi bất thường của người xung quanh.

Cách phát hiện người có ý định tự tử

Tự tử bắt nguồn từ tình trạng trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, lo âu, tâm lý bất ổn. Nếu quan sát kỹ một người, chúng ta có thể ngăn chặn được tình trạng này.

Thiên Nhan

Bạn có thể quan tâm