Nhiệm kỳ khóa XII có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, gồm cả đương chức và đã nghỉ hưu, bị kỷ luật. Riêng năm 2021, 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cũng bị kỷ luật vì vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực (tăng 15 trường hợp so với năm 2020). Bước sang năm 2022, nhiều tướng lĩnh lực lượng vũ trang cùng cán bộ cấp cao tiếp tục được "gọi tên" liên quan đến sai phạm trong nhiều lĩnh vực.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) cho rằng “Rất xót khi xử lý, mất cán bộ, nhưng kiên quyết làm thì người dân mới tin”. Zing ghi lại ý kiến của ông.
Xử lý thật nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam không chỉ gây ra nhiều mất mát về tài sản, sức khỏe người dân, mà còn gây mất mát lớn về cán bộ khi hàng loạt lãnh đạo CDC, lãnh đạo bộ, ngành và cả những nhà khoa học, sĩ quan quân đội.
Mới đây nhất, kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã “điểm danh” nhiều lãnh đạo có trách nhiệm liên đới trong vụ Việt Á.
Trong 113 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật ở nhiệm kỳ khóa XII có 3 ủy viên, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 7 ủy viên, 16 nguyên ủy viên Trung ương; 1 bộ trưởng và 4 nguyên bộ trưởng; 22 thứ trưởng và nguyên thứ trưởng; 12 bí thư và nguyên bí thư tỉnh, thành ủy; 3 phó bí thư và nguyên phó bí thư tỉnh ủy; 15 chủ tịch và nguyên chủ tịch tỉnh, thành; 26 sĩ quan cấp tướng trong quân đội, công an.
Nhiều án kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Đảng được thi hành với hàng loạt sĩ quan cấp tướng và cấp tá của Học viện Quân y - những người thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong đề xuất, thực hiện nghiên cứu, chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á.
Việc này cho thấy tinh thần phòng chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, ai làm sai đến đâu chịu trách nhiệm đến đó, cũng đồng thời khẳng định sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước khi vào cuộc, xử lý kịp thời và nghiêm minh sai phạm để lấy lại niềm tin của người dân.
Bối cảnh dịch bệnh với rất nhiều khó khăn nhưng lại để xảy ra sai phạm lớn như vụ Việt Á là do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Ảnh: Quốc hội. |
Trong tình huống cấp bách khi dịch bệnh hoành hành, tâm lý của cả cơ quan quản lý và người dân là mong có thuốc chữa, kit xét nghiệm hay vaccine càng sớm càng tốt. Nhưng nguyên nhân chủ quan khi những sai phạm trong vụ Việt Á đụng chạm đến nhiều lãnh đạo và cả hệ thống từ cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học chủ yếu do con người, do cán bộ.
Trước sinh mệnh của hàng chục triệu người dân, đáng lẽ cơ quan chuyên môn và quản lý cần đánh giá kỹ lưỡng mọi mặt dù hoàn cảnh cấp bách đến đâu. Nhưng ở đây, họ chưa làm tròn trách nhiệm. Tính phản biện và ý thức trách nhiệm với công việc chưa cao.
Theo lẽ thường, khi một sản phẩm được đưa ra cần đặt vấn đề sản phẩm đó đến từ đâu, do ai làm. Với những thứ liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân thì làm gì cũng phải “chọn mặt gửi vàng”, lựa chọn đơn vị có uy tín. Trong trường hợp này, Việt Á không phải đơn vị đáp ứng được các tiêu chí như vậy.
Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, người dân thường xuyên phải test nCoV để xác định nguy cơ. Ảnh: V. Hùng. |
Điều đáng nói, trong vụ Việt Á, cả hệ thống từ các cơ quan quản lý cho đến cơ quan khoa học đang một bị tổ chức, cá nhân qua mặt và “lừa” một cách ngoạn mục.
Vậy có tư lợi trong vụ Việt Á hay không? Chắc chắn là có.
Minh chứng rõ nhất là hàng loạt lãnh đạo CDC các tỉnh, thành đã nhận khoản tiền hoa hồng rất lớn khi mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, nhiều cán bộ bị lợi ích vật chất xuyên thủng tinh thần trách nhiệm và làm lệch lạc kết quả. Đây là điều cần xử lý thật nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh và để người dân tin vào chế độ.
Cơ hội thanh lọc
Từ bối cảnh thực tại mới thấy thật đau xót. Trong thời bình và trong cả cuộc chiến chống dịch, chúng ta đã mất mát quá nhiều cán bộ, nhưng đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho cả hệ thống. Mỗi mắt xích trong hệ thống quản trị, điều hành có tính liên kết chưa cao. Nếu không làm hết trách nhiệm, chỉ cần qua được này mắt xích sẽ qua được những mắt xích còn lại, tạo ra “lỗi dây chuyền”.
Việc này do công tác kiểm soát nội bộ hoặc kiểm tra, giám sát còn lỗ hổng.
Bài học lớn trong quản trị, điều hành là cơ quan quản lý cần có tính phản biện và kiểm tra chéo. Trong điều hành mà tin nhau quá thì rất dễ bị lừa, bị qua mặt.
Để tránh sai phạm trong tương lai, cách tốt nhất là nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức của bản thân cơ quan làm công tác quản lý, không để xảy ra tiêu cực, sai phạm ngay trong nội bộ.
Còn khâu kiểm tra, giám sát của các cơ quan cũng như Quốc hội cần bảo đảm để hệ thống được vận hành chặt chẽ, giúp tuân thủ đúng “đường ray” pháp luật đặt ra.
Phát hiện, cảnh tỉnh từ đầu thì sai phạm sẽ không xảy ra. Nhưng quan trọng là các cơ quan phải thực hiện tốt chức trách.
Từ phía Quốc hội, bằng mối quan hệ sâu sát với địa phương và nhiều nguồn thông tin, đại biểu phải luôn theo dõi, giám sát quá trình chống dịch và có ý kiến khi cần thiết. Nhiều đại biểu và cơ quan của Quốc hội đã có ý kiến, văn bản gửi đến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Chính phủ và Bộ Y tế để góp ý cho nhiều vấn đề quan trọng.
Trong thời bình và trong cả cuộc chiến chống dịch, chúng ta đã mất mát quá nhiều cán bộ, nhưng đó cũng là bài học cảnh tỉnh cho cả hệ thống
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An
Để tránh “mất bò mới lo làm chuồng”, “mất cán bộ mới lo tìm giải pháp”, công tác quản lý, điều hành phải luôn công khai, minh bạch, điển hình là trong hoạt động đấu thầu, đấu giá. Đi kèm với đó cần sự kiểm tra, giám sát và tăng cường trách nhiệm của từng cấp, từng cán bộ.
Việc xử lý sai phạm phải làm ngay và làm thật quyết liệt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn sớm sai phạm bằng hàng rào pháp luật đầy đủ cùng giải pháp kiểm tra, giám sát để làm sao không phải xử lý cán bộ.
Rất xót khi xử lý, mất cán bộ, nhưng kiên quyết làm thì người dân mới tin. Đó là phép thử cho cả hệ thống và cũng là cơ hội thanh lọc cán bộ.
Góp ý thêm về giải pháp ngăn chặn các sai phạm tương tự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng cần nâng cao chất lượng công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án hình sự, nhất là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; đặc biệt, cần chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật.
Về hoạt động giám sát của các cấp cũng như của Quốc hội, ông Hà lưu ý thành viên đoàn giám sát nên là người đại diện cho tổ chức nhưng phải có chuyên môn, am hiểu lĩnh vực giám sát. Quan trọng hơn nữa là phải có bản lĩnh và "dám nói".