Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng loạt lãnh đạo ‘dính chàm’ vụ Việt Á: Họ chỉ thấy mối lợi vật chất

Đại biểu Quốc hội nhìn nhận vụ Việt Á là tình trạng rất đáng báo động về đạo đức cán bộ, đặc biệt là những người có chức quyền khi trong đại dịch vẫn bằng mọi thủ đoạn để trục lợi.

Hang loat lanh dao ‘dinh cham’ vu Viet A anh 1

“Các cá nhân này được xác định có trách nhiệm liên đới trong vụ Việt Á có lẽ không phải điều bất ngờ”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long nói với Zing.

Không bất ngờ bởi ngay tại thời điểm khi vụ Việt Á được phanh phui, trong lần trả lời phỏng vấn Zing hồi tháng 12/2021, đại biểu Nguyễn Công Long đã khẳng định “có trách nhiệm rất lớn của Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ”, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm này.

Trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH&CN rất lớn

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng với một công trình nghiên cứu lớn nhưng không đảm bảo chất lượng, đáng lẽ các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước phải phát hiện được nhưng sai phạm vẫn bị bỏ qua. Như vậy, trách nhiệm của Bộ Y tế và Bộ KH&CN là rất lớn.

Vụ Việt Á từng gây rúng động khi Tổng giám đốc Phan Quốc Việt thừa nhận dùng 800 tỷ đồng để “bôi trơn” cho việc mua bán kit xét nghiệm trong suốt 2 năm xảy ra đại dịch. Khi ấy, nhiều câu hỏi đặt ra “thế lực nào giúp Việt Á lộng hành như vậy?”, và câu hỏi đó đã dần được giải đáp khi tên của các cá nhân, tổ chức liên quan lần lượt được “điểm danh”.

Ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế).
Hang loat lanh dao ‘dinh cham’ vu Viet A anh 3
Ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế).
Hang loat lanh dao ‘dinh cham’ vu Viet A anh 2

Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo bộ và đơn vị sai phạm trong phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y.

Sai phạm tương tự trong đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á có trách nhiệm Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương còn chỉ ra trách nhiệm của ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế; ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và một số lãnh đạo, cán bộ khác.

Những lãnh đạo này phải cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm nêu trên, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những cán bộ này chỉ nhìn thấy mối lợi vật chất và bằng mọi thủ đoạn để trục lợi.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long

Đánh giá “sai phạm nghiêm trọng” trong vụ việc này gây bức xúc, thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị xem xét kỷ luật 4 lãnh đạo trên.

Ngoài ra, Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y và thiếu tướng Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, cũng bị đề nghị kỷ luật.

“Điều cần nhấn mạnh ở đây là sự tha hóa, biến chất của một số cán bộ, lãnh đạo. Trong hoàn cảnh dịch bệnh nguy cấp, với tư cách là những nhà khoa học, sĩ quan quân đội... lẽ ra họ phải thể hiện cao nhất tinh thần xả thân, tận tâm, tận lực cống hiến để chống dịch, cứu dân, nhưng những cán bộ này chỉ nhìn thấy mối lợi vật chất và bằng mọi thủ đoạn dối trá để trục lợi”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long nói và đề nghị pháp luật cần nghiêm trị.

Hang loat lanh dao ‘dinh cham’ vu Viet A anh 4

Đại biểu Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Hồng Phong.

Ông Long gọi đây là tình trạng rất đáng báo động về đạo đức cán bộ, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cũng nhìn nhận vụ Việt Á cho thấy sự trắng trợn và bất chấp đạo lý của một bộ phận cán bộ có quyền quyết định trong đấu giá, đấu thầu kit xét nghiệm Covid-19. Xét cho cùng, theo ông, mọi sai phạm do cán bộ mà ra.

“Nguyên nhân do lòng tham của con người trỗi dậy, và đó là người nắm giữ chức vụ, quyền hạn nhất định, có khả năng thực hiện hành vi trục lợi, bất chấp đạo lý và pháp luật”, ông Vân nói.

Lỗi do con người, không phải vì thể chế

Nhấn mạnh không thể đổ lỗi cho thể chế, cơ chế trong trường hợp này, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết 2 nhiệm kỳ gần đây, các bất cập trong quy định của pháp luật thường xuyên được điều chỉnh và sửa đổi kịp thời, thậm chí “chưa bao giờ Quốc hội sửa nhiều luật như thế”. Vì thế, lỗi sai không thể do thể chế.

Theo ông Vân, để tạo ra lợi ích nhóm phải là những người có chức có quyền. Vì thế, việc lựa chọn những người ngồi vào các vị trí này phải được làm theo quy trình rất chặt chẽ.

Hang loat lanh dao ‘dinh cham’ vu Viet A anh 5

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách). Ảnh: Thuận Thắng.

Chia sẻ với sự quan tâm của cử tri trong vụ Việt Á, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết tâm lý cử tri có 2 trạng thái tâm lý rõ nét. Một là phấn khởi, tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng.

Ngược lại, cử tri cũng có tâm lý thất vọng, mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ, không chỉ cán bộ vi phạm bị xử lý mà cả những cán bộ “ngồi không hưởng lương”, không chịu làm gì.

“Đã đến lúc thực tiễn đặt ra yêu cầu chấn chỉnh nhân sự để xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân. Vì thế, đi đôi với cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực phải rà soát lại đội ngũ cán bộ và công tác nhân sự”, ông Vân nhấn mạnh cần đợt tổng rà soát lại công tác cán bộ cũng là đề xuất được ông nhiều lần đề cập trước Quốc hội.

Cũng qua sự việc này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long cho rằng cần rút ra bài học lớn về vai trò của công tác giám sát. “Dù là hoàn cảnh cấp bách cũng không thể lơ là giám sát, không thể nói là đã giao cho một cơ quan có uy tín, có bề dày thành tích và truyền thống như Học viện Quân y, Bộ Y tế, Bộ KH&CN là có thể yên tâm”, ông Long nêu quan điểm.

Việc lựa chọn nhân sự phải được làm theo quy trình rất chặt chẽ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Long cho biết cử tri rất bức xúc về vụ việc này.

Trong vụ việc này, quan điểm của Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp là cần làm rõ tại sao một công trình nghiên cứu quan trọng như vậy lại độc quyền giao cho một doanh nghiệp khai thác và thu lợi rất lớn thay vì giao cho các cơ sở sản xuất quốc doanh nhằm triển khai trên diện rộng, đáp ứng nhu cầu cấp bách lúc bấy giờ.

Từ đó, ông cho rằng cử tri có quyền đặt câu hỏi về lợi ích nhóm trong vụ việc và lỗ hổng trong cơ chế quản lý đã tạo điều kiện cho lợi ích nhóm lộng hành. Ông cũng nhìn nhận có lợi ích trong trong cả một quy trình khép kín từ nghiên cứu, triển khai và đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường.

Đề cập đến vai trò giám sát, ông Long thiết nghĩ cần tăng cường giám sát qua nhiều hình thức, không nhất thiết Quốc hội phải thành lập đoàn giám sát mà cá nhân đại biểu Quốc hội có thể theo dõi, giám sát và gửi ý kiến đến cơ quan có thẩm quyền, nêu ra diễn đàn Quốc hội hoặc trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bài liên quan

Hoài Thu