Đọc sách cho trẻ mang lại rất nhiều lợi ích cho thế hệ tương lai. Ảnh: Today's Parent. |
Đọc sách mang lại rất nhiều ích lợi cho độc giả ở mọi lứa tuổi. Càng tiếp xúc với sách sớm, trí tưởng tượng và óc sáng tạo của trẻ càng được kích thích phát triển hơn. Đọc thường xuyên cũng có thể giúp tăng khả năng tập trung, phát triển vốn từ vựng và một số kỹ năng xã hội khác.
Kỹ năng hữu ích
Theo nghiên cứu được thực hiện về khả năng đọc viết của trẻ em do Đại học Michigan thực hiện, những lợi ích của việc đọc sách cho trẻ em chuyển thành năm kỹ năng thiết yếu.
Đầu tiên là kỹ năng “nhận thức âm vị” - khả năng nghe, nhận dạng các âm riêng lẻ trong lời nói. Đây được xem là yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng đọc sau này.
Tiếp theo là “ngữ âm”. Đây là khả năng kết nối các chữ cái của ngôn ngữ viết với âm thanh của ngôn ngữ nói.
Một kỹ năng khác cần được rèn luyện là về khía cạnh “từ vựng”. Đây là yếu tố quan trọng, cần được tích lũy dài lâu để hỗ trợ trẻ trong việc giao tiếp hiệu quả sau này.
Bên cạnh đó, kỹ năng “đọc hiểu” cũng sẽ được trau dồi đáng kể. Đây là khả năng hiểu và nhận thức đúng được ý nghĩa từ những gì đã đọc.
Cuối cùng là kỹ năng “đọc lưu loát” các văn bản một cách chính xác và nhanh chóng.
Năm kỹ năng trên rất quan trọng trong việc giúp trẻ có thể trở thành một bạn đọc tự tin, độc lập. Để đạt được điều đó, cha mẹ và người thân có thể đặt nền tảng ban đầu thông qua việc đọc to, rõ ràng các câu chuyện phù hợp với lứa tuổi cho trẻ.
Các kỹ năng đọc quan trọng sẽ hình thành dần dần trong quá trình lớn lên của trẻ. Ảnh: ReachOutnRead. |
Lợi ích lớn trong nhiều giai đoạn phát triển
Dù trong giai đoạn trẻ sơ sinh hay đã đến tuổi vị thành niên, việc đọc sách cho trẻ em mang lại rất nhiều lợi ích. Theo American Academy of Pediatrics, ngay cả trước khi trẻ sơ sinh biết nói, chúng có thể được hưởng lợi từ việc được đọc sách hàng ngày.
Bằng cách cho trẻ làm quen với sách tranh hoặc truyện màu có độ tương phản cao cùng văn bản có vần điệu, cha mẹ có thể giúp xây dựng kiến thức về các mẫu ngôn ngữ thông thường và giới thiệu cho các bé về khái niệm sách - như một loại đồ vật hữu ích.
Trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc tương tác với sách một cách thích thú (kể cả khi xuất hiện các hành động mang tính vật lý với sách), trẻ cũng sẽ hình thành khái niệm đọc như một việc con người thường làm để thưởng thức và trải nghiệm những điều mới mẻ. Điều này sẽ giúp xây dựng mong muốn nghe chuyện và cuối cùng là đọc một cách độc lập cho các bé.
Khi trẻ bước sang tuổi mẫu giáo, lợi ích của việc đọc sách cho các em vẫn được tiếp tục. Việc này hỗ trợ sự phát triển nhận thức, giúp trẻ em nhìn ra cách giải quyết vấn đề trong hành động và có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Ngoài ra, các buổi đọc sách thường xuyên sẽ cho phép trẻ em làm quen với ngôn ngữ của sách và chữ viết - những điều khác với những gì chúng nghe thấy trong các cuộc trò chuyện bình thường hàng ngày.
Điều này giúp trẻ có cơ hội xây dựng vốn từ vựng cũng như bắt đầu hiểu các khái niệm về cấu trúc và trình tự văn bản, hai khái niệm học thuật quan trọng để củng cố khả năng đọc hiểu sau này.
Trong những năm học đầu của lứa tuổi học sinh, các lợi ích của việc đọc sách cho trẻ vẫn tiếp tục phát triển ngay cả khi chúng đang dần học được thói quen đọc độc lập. Đọc sách cho trẻ không chỉ làm giảm căng thẳng mà việc đọc to còn giúp các bé tiếp cận được với những từ, khái niệm mới - những chi tiết xa lạ nhưng có thể học được từ người lớn.
Trẻ em cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc đọc đối thoại. Trong các buổi đọc sách cho trẻ, người lớn có thể đặt câu hỏi liên quan tới nội dung sách để cùng tương tác với các bé; từ đó gợi mở các chủ đề mới. Nếu tạo lập điều này thành thói quen sẽ tạo ra cơ hội cho cha mẹ và con cái thảo luận về những gì chúng được nghe, được kể.
Các buổi đọc sách gia đình có giá trị dài lâu. Ảnh: LoveToKnow. |
Đối với thanh thiếu niên, các buổi đọc sách của gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng khi thúc đẩy tương tác giữa hai bên; định hướng về các quan điểm tích cực thông qua việc thảo luận, đối thoại.
Đọc sách cùng nhau cũng giúp gia đình và trẻ xây dựng cảm giác đồng cảm, cho phép các cô bé, cậu bé trẻ tuổi - những người đang mới chập chững vào đời - có thể tìm được cách mà thế hệ trước hoặc các trường hợp đặc biệt khác xung quanh đối mặt với khó khăn mới trong cuộc sống, đem đến cảm giác kiên định, tự tin. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, thu hẹp khoảng cách thế hệ.
Chính những lợi ích trên đã khẳng định được tầm quan trọng của việc giao tiếp thông qua sách - đọc sách cho trẻ - của các bậc cha mẹ và người thân.