Tọa đàm “Vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam dưới sức ép phát triển” do Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) tổ chức diễn ra ngày 2/3 tại Hà Nội.
Kỷ cương và luật pháp chưa nghiêm cùng với lợi ích cục bộ của một số người, nhóm người hoặc lợi ích cục bộ của ngành tác động tiêu cực đến môi trường rừng là điều các đại biểu luôn nhắc tới với hai dẫn chứng: xà xẻo rừng bán đảo Sơn Trà và xây resort ở Vườn quốc gia Ba Vì.
Xà xẻo rừng, lấn đất sống của voọc chà vá
TS Vũ Ngọc Thành - ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - cho biết khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà có một loài đặc hữu của Đông Dương, đó là voọc chà vá, chiếm đến 50% số lượng của cả thế giới.
Nhưng theo ông, môi trường sống của loài này đang bị đe dọa bởi dự án xây dựng resort ở bán đảo này.
Ông dẫn ra những số liệu đáng lưu ý: trước đây quy hoạch của khu bảo tồn thiên nhiên tại bán đảo Sơn Trà là 4.000 ha, sau đó vì lý do này lý do khác mà cắt đi hết, hiện nay khu bảo tồn chỉ còn 2.000 ha, trong đó chỉ 1.000 ha là còn rừng.
Nhưng 1.000 ha rừng này cũng không được yên. Theo ông Thành, hiện đã có một công ty đang “chuẩn bị chiếm 142 ha rừng”.
Một góc khu nghỉ dưỡng Le Mont Bavi Resort & Spa trong Vườn quốc gia Ba Vì, Hà Nội. |
Ông bức xúc: “Điều nguy hiểm là dự án này đã được ký cấp phép cách đây hơn 10 năm mà không hề có đánh giá tác động môi trường, vậy mà cứ cắt đất cho làm”.
Việc công ty này xẻo đất rừng làm đường dẫn vô khu 142 ha này gây nên những sự việc lùm xùm và đã có một số cán bộ kiểm lâm bị đình chỉ công tác liên quan đến trách nhiệm cá nhân. Rừng còn ít lại bị xà xẻo, ông Thành lo lắng cho số phận bảy đàn voọc chà vá đang trú ngụ ở đây.
Nêu câu chuyện xây dựng trái phép resort trong Vườn quốc gia Ba Vì đang rất “nóng”, GS Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho biết mấy ngày qua ông được hỏi rất nhiều về việc Vườn quốc gia Ba Vì sai đúng ra sao.
“Cái sai ai cũng thấy là chưa được phê duyệt mà đã xây dựng” - GS Lung nói. Ông cũng bày tỏ băn khoăn về việc lợi ích kinh tế cục bộ đang đe dọa rừng.
Luật chưa nghiêm, kỷ cương lơi lỏng
“Chúng tôi đi xây dựng kế hoạch quản lý khu bảo tồn cho các nơi, nhưng có viết bao nhiêu đi nữa có lẽ cũng chỉ có giá trị trên giấy thôi” - TS Nguyễn Cử, chuyên gia quy hoạch bảo tồn thiên nhiên, người tham gia xây dựng kế hoạch quản lý nhiều khu bảo tồn, nói.
Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, việc sử dụng môi trường tự nhiên của rừng để làm du lịch sinh thái, biến giá trị thiên nhiên của rừng thành phúc lợi xã hội cho mọi người thì ai cũng ủng hộ. Tuy nhiên, ông Lung cho rằng vì luật chưa nghiêm nên mới có việc biến tướng từ du lịch sinh thái chuyển thành “kinh doanh” bất động sản trong rừng.
“Năm 1972, pháp lệnh về việc bảo vệ rừng đã quy định rõ về thưởng phạt, trong đó ai xâm phạm hoặc lơi lỏng quản lý để rừng bị xâm hại hoặc thu lợi bất chính từ rừng là bị phạt tù. Vậy nên phải nghiêm từ luật” - ông Lung đòi hỏi.
Ông cũng chỉ ra sự chồng chéo: Bộ NN&PTNT thì có Vụ Bảo tồn thiên nhiên thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, còn Bộ Tài nguyên - môi trường lại có Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường.
TS Nguyễn Cử cũng cho rằng ngoài luật chưa chặt chẽ, việc thực thi pháp luật trong quản lý rừng cũng chưa nghiêm, kỷ cương buông lỏng: “Thực thi luật không nghiêm nên người ta lờn. Không nghiêm nên ở ngay cạnh thủ đô mà họ vẫn làm liều xây resort khi chưa được phép”.
TS Vũ Ngọc Thành cảnh báo: “Xã hội hóa và cho thuê môi trường rừng là chủ trương đúng thu hút nguồn lực nhưng phải rất thận trọng vì rừng dễ bị tổn thương và không phải thực hiện bằng mọi giá”.