Khi Taliban lần đầu tiên đặt chân tới Kabul 25 năm trước, nhóm này tuyên bố rằng họ không trả thù. Thay vào đó, họ đề nghị ân xá cho bất cứ ai từng làm việc cho chính phủ cũ, Atlantic dẫn lại một bài báo năm 1996 của Irish Times.
“Tailiban sẽ không trả thù. Chúng tôi không có thù oán cá nhân”, một chỉ huy Taliban nói.
Mohammad Najibullah, vị tổng thống bị lật đổ, không có phản ứng gì vào thời điểm đó. Theo Al Jareeza và một số báo cáo, Najibullah đã bị Taliban thiến, kéo lê đằng sau một chiếc xe tải và treo cổ trên đường phố Kabul.
Sau chiến thắng ngày 15/8, Taliban một lần nữa tuyên bố ân xá, yêu cầu mọi người làm việc bình thường và chuẩn bị xây dựng một chính phủ Taliban theo luật Hồi giáo. Atlantic tỏ ra nghi ngờ tuyên bố của Taliban, nếu so sánh với những lời hứa và hành động trong quá khứ của lực lượng này.
Những người biểu tình chống Taliban tại Bỉ. Ảnh: Reuters. |
Lời hứa lặp lại
Hai ngày sau khi thủ đô Kabul thất thủ, khán giả truyền hình tại Afghanistan đã được chứng kiến một cảnh tượng không bao giờ tồn tại dưới chế độ Taliban trước đây: nữ phóng viên người Afghanistan không che mặt phỏng vấn một quan chức Taliban.
Taliban hiện nắm quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan. Ưu tiên hàng đầu của họ là tránh bất cứ yếu tố nào gây ra sự hỗn loạn.
Năm 1996, thủ lĩnh Taliban Mullah Omar đã trấn an người dân Kabul rằng Taliban sẽ đảm bảo sự an toàn của họ. Trong chiến thắng năm 2021, những người kế nhiệm ông, bao gồm con trai ông và các quan chức khác của Taliban đang nói điều tương tự.
Vào năm 2021, các nhà lãnh đạo Taliban luôn nhấn mạnh thông điệp rằng các chiến binh có kỷ luật của họ sẽ không giết những kẻ thù cũ. Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid xác nhận nhóm này sẽ ân xá cho các cựu thành viên quân đội, cảnh sát Afghanistan và những người phục vụ trong chế độ cũ. Phụ nữ sẽ được phép làm việc, học tập và hoạt động “trong khuôn khổ luật Sharia”.
Taliban đang đảm bảo trật tự công cộng, theo dõi và xử lý những kẻ cướp bóc và gây rối. Những năm 1990, khi vùng nông thôn Afghanistan tràn ngập tội phạm, chính Taliban đã giành được sự ủng hộ bằng cách bảo vệ các con đường và giữ gìn trật tự.
Tuy nhiên, 25 năm trước, sau khi nắm quyền điều hành đất nước vào năm 1996, Taliban áp đặt luật Hồi giáo nghiêm khắc, cấm các chương trình truyền hình và cả âm nhạc. Đàn ông buộc phải để râu, phụ nữ ra đường phải dùng trang phục burqa che mặt, chỉ được nhìn qua một lớp vải. Phần lớn trẻ em gái không được học hành.
Những người biểu tình trên đường phố Kabul, kêu gọi Taliban bảo vệ quyền phụ nữ. Ảnh: Reuters. |
Theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện hình ảnh đã tạo điều kiện cho Taliban chinh phục Afghanistan mà không cần tốn nhiều súng đạn. Các chiến binh tiếp quản thủ đô Kabul rất dễ dàng, hầu như không vấp phải bất kỳ sự phản đối hay kháng cự nào từ quân đội chính phủ.
Khả năng của Taliban đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua. Chính sách của Taliban hiện tại được thúc đẩy bởi yếu tố quân sự và chính trị chứ không hoàn toàn dựa trên đức tin tôn giáo. Taliban khao khát được quốc tế công nhận và kêu gọi thiết lập quan hệ với các quốc gia bên ngoài ngay sau khi nắm quyền kiểm soát Kabul.
Trong con mắt của người dân Kabul, Taliban thực sự đã tử tế và nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với lần xuất hiện trước đó. Dù vậy, điều này không có nghĩa là Taliban sẽ ít trả thù hơn so với thời kỳ đỉnh cao quyền lực. Theo các báo cáo chưa được xác thực, Taliban đã thực hiện nhiều vụ hành quyết ở những thành phố khác.
Hàng chục người ở Afghanistan, từ thủ đô Kabul đến Lashkar Gah ở phía nam và Mazar-i-Sharif ở phía bắc, đã xác nhận về những chuyến thăm không báo trước của Taliban trong 24 giờ qua. Họ được khuyến khích trở lại làm việc, đôi khi là dọa dẫm, hoặc tra khảo về mối liên hệ với Mỹ.
Một người Afghanistan quen biết quan chức Taliban nói với phóng viên của tờ Atlantic rằng: “Họ nghiêm khắc hơn, cứng rắn hơn rất nhiều. Họ tới Kabul với vị thế chiến thắng của một đội quân Hồi giáo. Tất nhiên họ sẽ hành động theo cách đó. Họ coi sự thành công là một phần thưởng từ thánh Allah vì đã không thể hiện lòng thương xót”.
Người Mỹ "dứt áo ra đi"
Bài phát biểu hôm 16/8 của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho thấy ông vẫn cứng rắn với lập trường bảo vệ quyết định rút quân. Ông nói rằng mục tiêu của Mỹ tại Afghanistan là "bắt những kẻ tấn công chúng tôi vào ngày 11/9/2001 và đảm bảo rằng al-Qaeda không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để tấn công chúng tôi một lần nữa".
Đối với ông Biden, mục tiêu đó đã hoàn thành, cho dù Mỹ đã bị Taliban đánh bại trên cả hai mặt trận đàm phán và chiến trường.
Bài phát biểu của ông khiến hàng nghìn người Afghanistan làm việc cho phương Tây cảm thấy thất vọng. Nhiều người vội vã đi lánh nạn do lo ngại Taliban sẽ trả thù và áp đặt lại những luật lệ hà khắc.
“Lợi ích quốc gia quan trọng nhất của chúng tôi ở Afghanistan vẫn là ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ”, ông Biden nói.
Taliban cũng học được bài học đắt giá rằng việc chứa chấp những kẻ khủng bố là cách để thu hút sự can thiệp quân sự của nước ngoài. Không phải nội chiến, cũng không phải sự tàn bạo của Taliban khiến Mỹ quay lại nơi đây.
Các binh sĩ Mỹ bảo vệ máy bay tại sân bay quốc tế Kabul. Ảnh: Reuters. |
Tháng 10/2001, Mỹ đã tấn công Afghanistan sau khi Taliban từ chối bàn giao Osama bin Laden, kẻ chủ mưu vụ tấn công 11/9. Lực lượng này mất quyền kiểm soát các khu vực quan trọng và phải rút khỏi thủ đô Kabul một tháng sau đó.
Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid hứa rằng nhóm này sẽ không để lãnh thổ của mình được sử dụng để chống lại bất kỳ quốc gia nào khác.
“Taliban đã xây dựng một câu chuyện rất khác so với thời kỳ làm mưa làm gió tại Afghanistan từ năm 1996 đến 2001. Họ có nhiều kinh nghiệm quân sự và chính trị hơn. Họ sẽ không mạo hiểm để bị lật đổ lần thứ hai vì những hành động khiêu khích của al-Qaeda. Họ sẽ kiểm soát chúng”, Wassim Nasr, chuyên gia về phong trào chiến binh thánh chiến, nói.